Nhà tôi 3 đời đều xài ví điện tử: Mẹ trả hóa đơn điện nước, chị săn mã sale còn tôi chuyên ăn bánh tráng trộn

Mẹ tôi, chị tôi và tôi đều xài ví điện tử, nhưng mỗi người xài theo một cách khác nhau.

Có một sự khác lạ không hề nhẹ dưới mái nhà của tôi đó là mẹ tôi, chị tôi và đến tôi, mỗi người để tiền ở mỗi nơi khác nhau. Và mỗi người là chuyên gia trong từng ngóc để tiền khác nhau. Mỗi hổ mỗi rừng, cả ba chúng tôi song kiếm hợp bích và tận dụng triệt để mọi lợi thế của ví điện tử vào cuộc sống thường ngày một cách nhịp nhàng.

Muốn khám phá xem ai giỏi gì, mời nhìn vào giao dịch trên ví điện tử ba đời nhà tôi sẽ rõ.

Mẹ là cao thủ thanh toán hóa đơn

Mẹ - người phụ nữ trong truyền thuyết, người giỏi tất cả mọi việc trong nhà ngoài ngõ, thế nên vài ứng dụng E-wallet cũng chẳng làm khó được mẹ.

Đừng vội đánh giá thấp chiếc điện thoại giản đơn ít ứng dụng của mẹ. Bên trong đó là những chiếc ví E-wallet quyền lực rất ít khi xài nhưng mỗi lần xài lại bung xõa hạn mức lên đến vài triệu.

Những ngỡ mẹ chỉ là chuyên gia tiền mặt bôn ba khắp các mặt trận chợ và tung chiêu tính toán nhanh như chớp, nhớ từng đồng tiền mua mớ rau cân thịt, nào ngờ ở mặt trận thanh toán số, mẹ còn vượt hẳn hai tín đồ công nghệ trong nhà là tôi và chị tôi. Khác hẳn với lúc hướng dẫn mẹ lần mò lập Facebook, đăng hình, kết bạn hay mỗi khi cho mẹ sử dụng video call sao cho chuyên nghiệp, khi dùng E-wallet, mẹ bỗng hóa thân thành “wonder woman” tải app điệu nghệ, tự liên kết các tài khoản ngân hàng và thanh toán hóa đơn không sót một bill nào.

Mẹ còn là người nâng tầm ví điện tử của mình lên tầm cao mới khi sắp xếp gọn gàng đống hóa đơn điện nước mỗi tháng đến độ, tháng nào cày phim Hàn khuya quá, tiền điện lên cao cũng bị mẹ phát hiện và tuýt còi.

Nhà tôi 3 đời đều xài ví điện tử: Mẹ trả hóa đơn điện nước, chị săn mã sale còn tôi chuyên ăn bánh tráng trộn - Ảnh 1.

Hãy thử trò chơi Hãy Chọn Số Đúng, với con số hóa đơn mỗi tháng, chắc chắn mẹ sẽ đọc vanh vách không sai số tiền bill tháng nào. Không những thế mẹ còn có thể tóm tắt bối cảnh lịch sử của từng tháng và cho hai chị em tôi một bài học về tiết kiệm điện nước và không được quên tắt điện trước khi ra khỏi phòng.

Dù tự xưng là thế hệ công nghệ, tinh thông 800 loại ví điện tử, nhưng tôi và chị tôi lúc nào cũng phải ngậm ngùi khi số điểm thưởng tí hon so với mẹ, vì đã không mở ví thì thôi, mỗi lần mở ví, mẹ lại mạnh tay chi đi vài triệu đồng để đảm bảo cả nhà luôn điện nước đầy đủ.

Sinh ra và lớn lên sau chiến tranh, thế hệ của mẹ là thế hệ mới, thoát khỏi hoàn toàn ám ảnh đau thương mất mát và dần bắt kịp với nhịp sống mới hiện tại. Trưởng thành trong làn sóng đổi mới, mẹ và những người cùng thế hệ hướng tới tạo dựng tương lai bằng những công việc ổn định. Cũng từ đây, những người như mẹ tôi bắt đầu hình thành mô hình chuẩn của xã hội thời bấy giờ: tìm công việc ổn định và nghỉ hưu.

Trong một cuộc khảo sát của Nielsen năm 2015 cho thấy 25% thế hệ X - thế hệ của mẹ, tiết kiệm tiền và tự tin cho tương lai tài chính và đến 24% tin tưởng vào các khoản an sinh xã hội làm nguồn thu nhập hưu trí.

Người chị dồn hết thanh xuân đi săn mã khuyến mãi

Người chị sắp bước vào tuổi băm nhưng mức độ nhiệt tình với các đợt khuyến mãi trên thương mại điện tử và ví điện tử thì luôn luôn hừng hực như một em Gen Z chính hiệu. Nếu mẹ tôi có khả năng nói chính xác đến hàng đơn vị các hóa đơn điện nước, thì chị tôi có thể đọc vanh vách thời gian khuyến mãi của từng ví. Từng tuyên bố, ví điện tử là ứng dụng không thể thiếu trong cuộc đời mình, người chị cùng ví điện tử đã trải qua bao nhiêu cuộc chinh chiến trên các chiến trường thương mại điện tử mỗi mùa sale. Và mùa nào chị tôi cũng tự hào với thành tựu giựt deal đầy vẻ vang của mình.

Với phương châm không khuyến mãi, không dùng, chị tôi có thể được liệt vào danh sách khách hàng thiếu thủy chung nhất của các ví điện tử. Chỉ cần một chương trình khuyến mãi mới nào ra, chị tôi sẵn sàng rời bỏ ví cũ mà đi tìm ví mới.

Nhà tôi 3 đời đều xài ví điện tử: Mẹ trả hóa đơn điện nước, chị săn mã sale còn tôi chuyên ăn bánh tráng trộn - Ảnh 2.

Bên cạnh các chương trình khuyến mại, deal giảm giá thì mấy mã freeship cũng không thể thoát tay chị tôi. Con người canh tới đúng “giờ vàng” mua đồ để được freeship. Chị tôi chính là tuýp người sẵn sàng bỏ ra vài trăm tới cả triệu để mua đồ nhưng sẽ tiếc 15k tiền ship. Vì vậy chị tôi luôn coi những chiếc ví điện tử là cứu tinh của mình cũng như xem chúng là động lực thúc đẩy chị tiếp tục mua sắm để không phí mấy deal giảm giá, mấy mã freeship mà trót dành cả thanh xuân để săn về.

Chị tôi là điển hình của một Millennials chính hiệu, sinh ra với cuộc bùng nổ công nghệ, truyền thông xã hội, các forum diễn đàn, blog, mạng xã hội… đây là những bước tiến khổng lồ đưa toàn bộ lối sống của thế hệ này lên một bước mới, khác xa hoàn toàn thế hệ của mẹ.

Thú vị hơn cả là theo một khảo sát của LivePerson năm 2017, có đến 65% những người thuộc thế hệ Millennials thích giao tiếp với nhau thông qua các thiết bị điện tử (digital devices) thay vì giao tiếp trực tiếp. Việc tiếp cận với mạng xã hội, công nghệ mới, ứng dụng mới trở thành thói quen, công việc hiển nhiên như việc ăn, thở hằng ngày với thế hệ này. Chính vì vậy, E-wallet là một trong những ứng dụng “Must-have” trong cuộc sống của những Millennials như chị tôi.

Tôi thánh công nghệ, am hiểu ví điện tử còn hơn bài học trên trường

Từ khi còn bé tí tẹo tôi được coi là “thánh công nghệ” của gia đình. Các ứng dụng từ quen thuộc như Facebook, Google, YouTube, Instagram và tỉ ti thứ app khác nhau ở trên đời, dù chẳng được ai dạy nhưng tôi có lẽ nắm chắc còn hơn cả kiến thức được học ở trường.

Với phương châm mobile-first - điện thoại luôn là vật bất ly thân của tôi, cả cuộc sống của tôi nhiều khi chỉ gói gọn vào trong chiếc điện thoại. Đặc biệt là với khả năng ghi nhớ chỉ tương đương với một chú cá vàng thì những vật dụng như ví tiền, túi xách hay thẻ có lẽ chỉ nên được trưng trong tủ bởi một khi được mang theo là chúng sẽ không có ngày trở về. Tôi là một minh chứng điển hình cho việc dành cả thanh xuân để mua và làm mất ví. Sau vài lần như vậy tôi đã nhận ra điện thoại là chân ái của cuộc đời mình. Chỉ với chiếc điện thoại, một cái chạm nhẹ trên màn hình, tôi có thể tiếp cận được với vô số nơi trữ tiền, an toàn, nhanh chóng và nhẹ nhàng.

Nhà tôi 3 đời đều xài ví điện tử: Mẹ trả hóa đơn điện nước, chị săn mã sale còn tôi chuyên ăn bánh tráng trộn - Ảnh 3.

E-wallet đang dần trở thành một trong những ứng dụng không thể thiếu và đã làm thay đổi cuộc đời tôi. Nó đã cứu tôi nhiều pha suýt đội quần vì đi ăn uống, mua sắm mà không đem theo tiền mặt. Đây đích thực là ứng dụng sinh ra để dành cho tôi. Tôi dùng E-wallet trong mọi giao dịch từ nhỏ đến lớn, từ khi ăn xiên bẩn cổng trường, trà đá với các bạn cho đến những bữa ăn sang chảnh tại Haidilao...

Tự hào hơn khi tôi nhanh chóng gia nhập dân chơi hệ E-wallet lan tỏa làn sóng quét QR hay “chuyển ví nhé” đến mọi ngóc ngách ăn uống từ nhà hàng đến gánh hàng rong ven đường. Những mã QR gắn trên gánh hàng cô bánh tráng trộn hay những xe bánh tráng nướng chấp nhận thanh toán nhiều ví đã không còn xa lạ mà như trở thành một điều tất yếu. “Con chuyển khoản nhé cô” trở thành câu thần chú quen thuộc sau mỗi cuộc tụ tập của tôi cùng đám bạn. Và cũng nhờ E-wall, chúng tôi lập ra tuyên ngôn “1.000 cũng chia đôi” và trung thành với tuyên ngôn đó đến tận bây giờ.

Tôi không biết thế giới này sẽ ra sao nếu thiếu Facebook, Instagram, nhưng tôi biết thế giới của tôi và đám bạn, những thành viên thế hệ Gen Z điển hình, sẽ gia tăng gấp đôi cãi vã nếu thiếu vắng ví điện tử.

Nhà tôi 3 đời đều xài ví điện tử: Mẹ trả hóa đơn điện nước, chị săn mã sale còn tôi chuyên ăn bánh tráng trộn - Ảnh 4.

Thực tế, theo kết quả nhiều cuộc khảo sát về tài chính và hành vi tiêu dùng, Gen Z chúng tôi là thế hệ có suy nghĩ về tiền bạc sớm nhất. Nguyên nhân chủ yếu do chúng tôi lớn lên chứng kiến thế hệ mẹ và chị khốn khổ với nợ nần thẻ tín dụng đến cuộc sống tài chính khó khăn nên hơn ai hết, chúng tôi có suy nghĩ rất sớm về việc xây dựng hệ thống tài chính số riêng cho mình. Chính vì vậy, việc sử dụng E-wallet là bước đánh dấu cho những bước đầu tiên trong sự nghiệp xây dựng hệ thống tài chính số hóa của riêng tôi.

Với sự phát triển không ngừng của công nghệ và những nhu cầu ngày càng cao của hơn 15 triệu Gen Z trên khắp Việt Nam, thị trường E-wallet sẽ sôi động và cung cấp nhiều sản phẩm mới và đột phá để chúng tôi có thêm nhiều lựa chọn tối ưu trong tương lai.