Đến hẹn lại lên, phần thi Trang phục dân tộc luôn là tâm điểm chói lóa của hành trình Hoa hậu Hoàn vũ tại Việt Nam nói riêng và quốc tế nói chung. Bởi không đơn thuần phục sức sao cho đẹp đẽ hay bắt mắt, Trang phục dân tộc còn là kết tinh của văn hóa bản địa cùng với vô vàn yếu tố về đời sống, lịch sử, thẩm mỹ... đâm ra năm nào dân tình cũng được dịp mở "hội nghị online" để luận bàn từng thiết kế mà đại diện Việt Nam sẽ giới thiệu tới thế giới.
Năm nay, bộ cánh được chọn là "Chiếu Cà Mau" khi phần đa BGK đong đếm đủ các giá trị tinh thần cũng như hiệu ứng sân khấu. Thiết kế được sáng tạo bởi Nguyễn Quốc Việt (Đại học Tôn Đức Thắng) và do thí sinh Nguyễn Võ Ngọc Anh trình diễn. Trang phục cũng vượt qua nhiều ứng viên nặng ký khác như "Bánh tráng", "Tôm tre mỹ nghệ", "Chiến thần Lạc Việt"... để được tôn vinh ở ngôi vị cao nhất cuộc thi thiết kế Trang phục dân tộc.
Được biết trang phục này được thai nghén từ lòng ngưỡng mộ đối với làng chiếu Cà Mau, một địa điểm tại miền cực Nam của Tổ quốc vốn giàu truyền thống yêu nước cũng như nét mộc mạc trong lối sống.
Tuy khá "cồng kềnh" nhưng bộ cánh được khen vì sở hữu sắc màu rực rỡ, cũng như khai thác tối đa nét độc đáo không thể nhầm lẫn phủ ngoài chiếc chiếu cói dân dã.
Và như lẽ thường, khi một bộ Trang phục dân tộc được ra mắt thì lời khen tiếng chê tới tấp không ngớt. Bên cạnh nhận xét về tính thẩm mỹ thì yếu tố văn hóa bao trùm lên bộ cánh cũng trở thành đề tài để mổ xẻ. Cụ thể, một số cư dân mạng khó tính cho rằng người Việt Nam xưa nay có câu "người sống không ai đắp chiếu", bởi ngoài việc dùng để nằm thì chiếc chiếu còn quen thuộc trong việc sử dụng vào ngày hiếu - hỷ. Nếu "hỷ" để chỉ ngày vui thì ngược lại, "hiếu" là từ dùng chung cho các sự kiện chia buồn, biết ơn, kính trọng... chung quy là mang hàm ý bi thương mà ai ai cũng muốn né tránh.
Thậm chí còn có ý kiến cho rằng NTK trẻ chưa hiểu sâu xa về đời sống người Việt thì làm sao ứng dụng văn hóa cho trọn vẹn nhằm giới thiệu tới bạn bè quốc tế. Từ đây nảy sinh e ngại trang phục "đắp chiếu" trở thành điềm không lành đối với đại diện sắp tới của Việt Nam tại đấu trường nhan sắc lớn nhất hành tinh.
Trong thường nhật của người Việt, "đắp chiếu" chưa bao giờ là từ mang hàm ý tích cực - nếu không nói là vô cùng xui xẻo và kiêng kỵ.
Ngoài ra thì thiết kế cũng cần được chỉnh sửa để gia tăng độ mềm mại, tạo cảm giác dễ chịu hơn cho người nhìn lẫn người mặc khi trình diễn.
Tại Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới, tình trạng các đại diện nhan sắc phăm phăm ướm văn hóa lên sắc vóc thay vì nghiên cứu kỹ càng không phải là hiếm. Chỉ mới năm ngoái, Juri Wanatabe đã bị chính người dân nước Nhật chỉ trích không ngớt khi trình diễn "kimono dành cho người chết" trong phần thi Trang phục dân tộc.
Hoa hậu Nhật Bản phải đối diện với cơn bão tẩy chay khi mặc bộ kimono cách tân có vạt gấp từ bên phải qua bên trái – chỉ được thấy trên kimono dành cho người chết.
Dân tình còn phẫn nộ thêm vì hàng loạt chi tiết như: quốc kỳ trên tay áo, quốc huy trên thắt lưng, tên quốc gia "Nhật Bản" được viết trên ngực... Tổng thể thì đây là bộ Trang phục dân tộc thiếu hụt sự tôn trọng đối với chính dân tộc của người mặc.
Tất nhiên "Chiếu Cà Mau" không phạm phải những sai lầm phản cảm như thế, nhưng để toàn vẹn hơn thì hẳn bộ sậu MUVN phải "đào sâu, bới kỹ" hơn nhằm thỏa lòng giới mộ điệu văn hóa nước nhà.
Ảnh: Tổng hợp