Vaccine không phải là thứ chỉ có trong thời đại Covid-19. Trước kia, nhân loại đã tạo ra nhiều loại vaccine phòng các bệnh khác nhau. Nhưng sự khác biệt nằm ở thời hạn của chúng.
Vaccine phòng sởi có tác dụng trọn đời. Vaccine phòng thủy đậu bảo vệ người tiêm từ 10 - 20 năm, trong khi vaccine uốn ván cũng có tác dụng trong nhiều thập kỷ. Nhưng Covid-19, trong khi khoa học từng cho rằng chỉ 2 mũi vaccine là đủ thì hiện tại nhiều nước đã phải triển khai chiến dịch tiêm chủng mũi 3, thậm chí còn dự đoán phải tiêm thêm các mũi khác nữa trong những năm tới.
Với Covid-19, người ta cần đến mũi 3 mà dường như vẫn chưa đủ?
Tại sao nhiều loại vaccine có tác dụng trọn đời?
Về cơ bản, mục đích của vaccine là cung cấp cho cơ thể miễn dịch trước một loại virus mà không gặp rủi ro mắc bệnh nghiêm trọng hoặc tử vong.
"Loại vaccine tốt nhất là loại giúp con người không bị lây nhiễm ngay cả khi tiếp xúc với mầm bệnh" - Rustom Antia, giáo sư sinh học từ ĐH Emory cho biết. "Nhưng không phải vaccine nào cũng được như vậy".
Theo Antia, có 3 mức bảo vệ của một loại vaccine. Chúng bao gồm: bảo vệ hoàn toàn trước nguy cơ lây nhiễm và lan truyền bệnh; bảo vệ trước nguy cơ mắc bệnh nặng và lan truyền bệnh; hoặc chỉ bảo vệ trước nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng.
Trong đó, hiệu quả của vaccine sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như độ phản ứng của hệ miễn dịch, kháng thể thoái hóa nhanh đến mức nào, khả năng tiến hóa của virus, và đặc biệt là "vị trí lây nhiễm" (qua da, qua đường hô hấp...).
Hiệu quả của vaccine phụ thuộc vào nhiều yếu tố
Nhìn chung, miễn dịch sẽ được đánh giá theo ngưỡng bảo vệ, chủ yếu dựa vào nồng độ kháng thể trên mỗi mililit máu - theo Mark Slifka, giáo sư ĐH Khoa học Y tế Oregon. Ngưỡng của uốn ván rơi vào khoảng 0,01/ml được đưa ra vào năm 1942, do 2 nhà khoa học người Đức thực hiện. Năm 1985, ngưỡng miễn dịch của bệnh sởi được xác định - rơi vào khoảng 0,02/ml máu.
Với 2 căn bệnh này, vaccine đạt hiệu quả dựa trên phản ứng của cơ thể và tốc độ phân giải của kháng thể. Như sởi, kháng thể phân giải rất chậm. Uốn ván thì nhanh hơn, nhưng vaccine lại bắt cơ thể sản sinh ra nhiều kháng thể hơn, đủ để duy trì trong thời gian dài.
Lịch sử đã chứng minh, các loại vaccine hiệu quả nhất đều sử dụng virus nhân bản, qua đó cho hiệu quả miễn dịch kéo dài hơn - giống như sởi và thủy đậu. Vaccine không nhân bản và loại dựa vào nền tảng protein (như uốn ván) sẽ không có hiệu quả kéo dài, nhưng có thể được tăng cường bằng tá dược để tăng phản ứng. Vaccine phòng uốn ván và viêm gan A cũng áp dụng điều này.
Nhưng tại sao vaccine Covid-19 không được như vậy?
Vaccine của Johnson & Johnson và AstraZeneca phòng Covid-19 sử dụng adenovirus không nhân bản, nhưng không kèm thêm tá dược. Trong khi đó, Pfizer và Moderna sử dụng công nghệ mARN với cách hoạt động hoàn toàn khác, không có virus bên trong.
Phức tạp hơn, virus và vi khuẩn có thể đột biến để trốn thoát miễn dịch của cơ thể và trở nên khó kiểm soát hơn. Sởi, rubella, thủy đậu gần như không có đột biến, nhưng Covid-19 thì khác. Có rất nhiều biến thể đã xuất hiện, trong đó ít nhất 5 loại được liệt vào danh sách "gây lo ngại" của WHO, bao gồm cả Delta (biến thể chiếm ưu thế toàn cầu hiện nay), và Omicron (biến thể mới được cho là lây nhiễm mạnh hơn cả Delta).
"Sự đột biến của virus thực sự khiến khả năng vận hành của vaccine phức tạp hơn" - Giáo sư Slifka nhận định. "Bạn phải đuổi theo quá nhiều mục tiêu".
"Giống như virus cúm, chúng cũng đột biến. Nhưng chúng ta đã thích nghi bằng cách tạo ra các loại vaccine cúm mới, và đang tiệm cận đến khả năng đón đầu biến thể mới mỗi năm".
Bỏ qua chuyện sản xuất ra một loại vaccine hiệu quả để chống lại thứ virus biến đổi liên tục. Một số người đang hy vọng rằng nhân loại sẽ chống lại được Covid-19 bằng cách đạt miễn dịch cộng đồng. Nhưng theo Tiến sĩ Antia, cách virus corona lây nhiễm cho cơ thể khiến mục tiêu này cũng không hề dễ dàng.
"Với các bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp, vaccine khó lòng tạo ra miễn dịch cộng đồng đủ lâu, mà chỉ trong ngắn hạn. Nó sẽ phụ thuộc vào khả năng biến đổi của virus, và thời hạn miễn dịch tồn tại".
Lý do một phần là bởi virus corona nhân bản ở cả phần trên và dưới của đường hô hấp. "Vòng tuần hoàn giữa phổi và cơ thể là rất tốt, nhưng bề mặt lỗ mũi thì không. Chúng ta sẽ chặn được bệnh nặng vì kháng thể tồn tại ở đường hô hấp dưới. Nhưng ở phần trên, nguy cơ lây nhiễm sẽ tồn tại".
Nhìn chung có thể trong tương lai, vaccine Covid-19 sẽ được cập nhật để chống lại các biến thể mới. Theo như các chuyên gia từ ĐH Imperial College London, thế hệ vaccine mới có thể tập trung vào cải thiện hệ miễn dịch trong môi trường ẩm ở mũi và phổi.
Dẫu vậy thì vào lúc này, cách duy nhất để cải thiện miễn dịch với Covid là phải tiêm thêm vaccine mà thôi.