Sau khi Omicron trỗi dậy và trở thành biến thể chiếm ưu thế ở nhiều nơi trên thế giới thì thời gian gần đây, biến thể phụ của Omicron lại - BA.2 - lại là thứ khiến giới khoa học lo lắng hơn cả.
Với lượng đột biến và khả năng lây nhiễm còn mạnh hơn cả Omicron gốc (BA.1), BA.2 hiện tại đã xuất hiện ở 49 quốc gia. Thậm chí, một số nước như Đan Mạch còn chứng kiến BA.2 vượt lên trên cả Omicron gốc, trở thành biến thể nổi trội.
Điều gây hoang mang nhất về BA.2 nằm ở chỗ giới khoa học gọi nó là "biến thể tàng hình" của Omicron. Nhưng thế nào là tàng hình? Cuộc phỏng vấn giữa tờ CNN và Tiến sĩ Leana Wen - chuyên gia phân tích y học từ ĐH George Washington sẽ giúp bạn giải đáp và nắm được những điều cần biết về biến thể mới này.
"Tàng hình" có phải là khả năng trốn được xét nghiệm?
Biến thể mới có gây lo ngại hay không?
Tiến sĩ Wen: Chúng ta nên cẩn trọng và theo dõi các thông tin mới, nhưng kỳ thực là không nên lo lắng. Sau đây là những gì chúng ta đã biết về BA.2: dựa trên tốc độ lây lan nhanh chóng, thậm chí là lật đổ được Omicron gốc (BA.1) ở một số khu vực thì dường như biến thể mới có tốc độ lây lan nhanh hơn.
Tuy nhiên, chưa có bằng chứng nào cho thấy BA.2 gây triệu chứng nặng hơn chủng gốc - biến thể vốn được cho là sẽ gây triệu chứng nhẹ hơn so với các chủng trước kia, như Delta.
Hơn nữa, các nghiên cứu sơ bộ tại Anh còn cho thấy những người đã tiêm chủng hoặc tiêm mũi tăng cường đều được bảo vệ trước cả 2 biến thể Omicron. Đây là điều quan trọng, vì nó có nghĩa những người đã tiêm vaccine sẽ khó mắc bệnh nặng hơn khi nhiễm biến thể mới.
Làm sao để biết mình đang nhiễm "biến thể tàng hình"?
Tiến sĩ Wen: Thực ra, đa số chúng ta thường không biết mình đang mắc biến thể nào, vì nó cần công nghệ giải mã gene đặc biệt chỉ tồn tại trong một số phòng thí nghiệm. Hiện tại ở Mỹ, BA.1 vẫn chiếm 99% các ca nhiễm mới.
Nếu đã nhiễm Omicron gốc, liệu có thể nhiễm lại biến thể mới?
Tiến sĩ Wen: Rất khó! Các F0 khỏi bệnh, đặc biệt là khi kết hợp với yếu tố tiêm chủng, có thể được bảo vệ khỏi khả năng tái nhiễm. Chúng ta chưa rõ lượng miễn dịch này sẽ tồn tại trong bao lâu. Nhưng với việc BA.1 và BA.2 có sự tương đồng thì nhiều khả năng người đã nhiễm Omicron gốc sẽ không mắc lại biến thể phụ của nó, ít nhất là trong tương lai gần.
Chuyện gì xảy ra nếu BA.2 trở thành biến thể chiếm ưu thế?
Tiến sĩ Wen: Điều này đã xảy ra ở một vài quốc gia. Một biến thể lây nhiễm mạnh hơn, nghĩa là nó có khả năng thay thế chủng cũ.
Viễn cảnh tốt nhất là chúng ta có đủ khả năng bảo vệ người dân nhờ vaccine và các ca nhiễm tự nhiên, qua đó không làm số ca nhiễm tăng đột biến. Viễn cảnh khác là BA.2 sẽ cho chúng ta thấy số ca nhiễm sụt giảm ban đầu, rồi phải đối mặt với làn sóng thứ 4 dai dẳng hơn.
Trong cả 2 viễn cảnh, điều quan trọng là tiếp tục theo dõi xem liệu vaccine có khả năng bảo vệ chúng ta khỏi các triệu chứng nặng khi nhiễm bệnh hay không. Nếu có, đó là thành công của vaccine.
Có phải "tàng hình" là không thể xét nghiệm ra khi nhiễm bệnh?
Tiến sĩ Wen: Không phải vậy. Hiện chưa có bằng chứng nào cho thấy BA.2 không thể bị phát hiện qua xét nghiệm PCR hoặc test nhanh. "Tàng hình" ở đây có nghĩa là biến thể này bằng cách nào đó đã giấu đi một vài dấu hiệu trong xét nghiệm giải mã gene, khiến nó trông giống các biến thể khác.
"Tàng hình" đơn giản là vì khả năng giấu đi một vài dấu hiệu khi giải mã gene, để trông giống với các biến thể khác
Liệu đây sẽ là biến thể cuối cùng?
Tiến sĩ Wen: Gần như là không thể có chuyện đó. Các biến thể mới sẽ xuất hiện, bởi đó là cơ chế của virus - chúng đột biến khi nhân bản. Nhưng biến thể mới có khiến thế giới phải lo ngại hay không thì phụ thuộc vào khả năng lây nhiễm, độc lực và khả năng né tránh miễn dịch. Đó là lý do vì sao việc theo dõi trong thời gian thực là điều quan trọng, và vaccine sẽ nắm vai trò cốt lõi. Miễn dịch càng phủ cộng đồng, khả năng virus lây lan và đột biến sẽ thấp hơn.