Bộ xương bí ẩn dưới đáy biển Địa Trung Hải
Tin đồn về sự xuất hiện của rồng dấy lên sau khi 1 thợ lặn đã tìm thấy 1 bộ xương khổng lồ có hình dáng tương tự loài vật này dưới đáy biển sâu. Đoạn phim được quay vào năm 2017 bởi 1 robot dưới nước được điều khiển từ xa ở độ sâu 830m dưới mực nước biển. Thứ mà robot này quay lại được là 1 bộ xương động vật gần như nguyên vẹn có xương sống rất dài.
Đoạn phim về bộ xương bí ẩn này là do Deborah Hatswell - nhà nghiên cứu về các hiện tượng kỳ lạ đăng lên trang cá nhân của mình. Cô cho biết, một người giấu tên đã gửi cho cô đoạn video này. Người này làm trong ngành dầu khí và công việc của anh ta là chụp ảnh dưới đáy biển dưới sự giúp đỡ của robot điều khiển từ xa. Trong một lần làm việc, người này đã tình cờ phát hiện ra bộ xương bí ẩn này.
Trong đoạn phim, robot điều khiển từ xa tiếp cận đáy đại dương và tới gần bộ xương kỳ lạ. Người thợ lặn đã cố gắng lấy mẫu xương bằng cách sử dụng tay cầm của robot nhưng do xương rất giòn và dễ dàng vỡ vụn khi vừa chạm vào bề mặt nên anh ta đã buộc phải dừng lại.
Sau khi đoạn video được công bố đã gây sốt trên mạng xã hội. Cư dân mạng tranh cãi không ngừng về danh tính của bộ xương. Có người thì cho rằng đây là loài rồng trong truyền thuyết. Có ý kiến lại cho rằng sinh vật này là 1 con rắn khổng lồ. Theo Deborah Hatswell, cô cũng rất tò mò về nguồn gốc của bộ xương nên đã đăng đoạn phim lên trang YouTube của mình với hy vọng rằng ai đó sẽ đưa ra câu trả lời chính xác nhất.
Đoạn video này do 1 thợ lặn làm trong ngành dầu khí ghi lại (Ảnh: Dailystar)
Đây có phải là xương của loài "rồng"?
Trả lời phỏng vấn của Daily Star, Deborah Hatswell nhận định: "Kích thước của bộ xương dưới đáy biển kia không phù hợp với bất kỳ sinh vật biển nào ở Địa Trung Hải. Tôi đã kiểm tra các động vật sống dưới biển ở khu vực này tuy nhiên vẫn chưa tìm được loài phù hợp. Thậm chí tôi đã xem xét tới cá voi, loài Oarfish và rắn biển.
Deborah Hatswell cho rằng, các đặc điểm trên đốt sống của bộ xương không khớp với xương của cá voi. Một con cá voi có 3 lưỡi dẹt trên xương cột sống nhưng sinh vật này dường như chỉ có 2 chiếc. Ngoài ra, nó cũng không thể thuộc về loại cá có xương sống dài nhất từ trước nay - Oarfish. Bởi chúng chỉ có chiều dài trung bình là 8m. Con cá Oarfish dài nhất thế giới cũng chỉ đạt tới 17m.
Theo chuyên gia, bộ xương này có chiều dài lên tới 30m. (Ảnh: Dailystar)
Một vài người xem đưa ra ý kiến rằng bộ xương này có thể là của cá voi. Sở dĩ họ khẳng định như vậy là dựa trên kết cấu của bộ xương. Dù thiếu đi hộp sọ nhưng họ đã đếm được bộ xương có ít nhất 7 đốt sống, 2 xương vảy, điều này khẳng định đây là động vật có vú.
Tuy nhiên, người thợ lặn tìm thấy bộ xương này đã gửi tới Deborah Hatswell một tin nhắn có nội dung là: "Bộ xương này có thể đã ở đó 1.000 năm rồi bởi vì tôi đã thấy rất nhiều loài amphora trốn ở bên dưới".
Để xác định được đây có phải xương của "rồng" hay không, các chuyên gia cần lấy được mẫu vật (Ảnh: Dailystar)
Một nhà sinh vật học sau khi xem đoạn video đã nêu ý kiến rằng, bộ xương này có thể là phần còn lại của 1 con Tylosaurus. Để xác định được chính xác đây có phải là rồng hay loài vật nào khác thì chúng ta cần phải lấy được mẫu vật, tuy nhiên, hiện tại việc này gặp phải nhiều khó khăn bởi robot chưa thể chạm vào bộ xương.
Tylosaurus là một loài động vật ăn thịt xuất hiện từ kỷ Phấn trắng muộn. Tylosaurus cũng được xem là sát thủ chết chóc dưới các đại dương thời tiền sử cùng với Megalodon hay Mosasaurs.
Có ý kiến nghi ngờ rằng đây là phần còn lại của 1 con Tylosaurus cổ đại (Ảnh: Dailystar)
Về kích thước, Tylosaurus được xếp vào một trong số những mosasaurs lớn nhất sống vào cuối kỷ Creta. Ở Tylosaurus còn có sự tiến hóa về cấu trúc cơ thể, giúp bơi lôi được bằng đuôi thay vì chân chèo như mosasaurs thông thường. Ngay cả ở phần đuôi, Tylosaurus cũng có cấu tạo giúp tối đa hóa khả năng lẫn tốc độ di chuyển dưới nước, đuôi của nó có hình chữ V được tạo thành từ hơn 80 đốt sống.