Là một trong những địa phương đón đợt rét đậm, rét hại đầu tiên và lạnh nhất, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Hoàng Hải Lý, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Giang cho biết, ngay từ đầu đợt rét, tỉnh này đã chuẩn bị 17.000 tấn thức ăn tinh và 300 nghìn tấn thức ăn xanh cho đàn vật nuôi; lập nhóm Zalo để chỉ đạo phòng chống đói, rét, dịch bệnh… Do vậy, năm nay thiệt hại do mưa rét giảm khá lớn, người dân an tâm sản xuất sau đợt rét.
Vẫn còn tình trạng người dân thả rông gia súc trong những ngày rét đậm, rét hại
Ông Đàm Duy Đức, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Yên Bái cho biết, toàn tỉnh có khoảng 180 nghìn gia súc. Trước đợt rét dài này, sở đã phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân các biện pháp bảo vệ đàn vật nuôi… nên hạn chế được thiệt hại.
Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai cho biết, tính đến ngày 24/2, đợt rét đậm, rét hại lần này đã làm 4.427 gia súc chết (gồm 3.794 con trâu, bò và 633 gia súc khác), chủ yếu ở Hà Giang, Lào Cai (307 con), Lai Châu, Điện Biên (259 con), Lạng Sơn (166 con), Cao Bằng (515 con), Sơn La (1.355 con)...
Chết nhiều vì thả rông trong mưa tuyết
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Cao Viết Thịnh, Chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Sơn La cho biết, theo thống kê đến ngày 24/2, rét đậm rét hại trên địa bàn tỉnh làm chết 1.355 gia súc, trong đó có 896 con trâu, bò, 200 con bê, 218 con dê… với thiệt hại khoảng 20 tỷ đồng.
“So với tổng đàn gia súc của tỉnh khoảng hơn 1,3 triệu con, số chết này không nhiều nhưng so với mức ảnh hưởng của rét đậm, rét hại lần này, chúng tôi cũng cần lưu tâm”, ông Thịnh nói.
Đại diện Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Sơn La cho biết, ngay từ trước đợt rét đậm, rét hại xảy ra 2 ngày, Sơn La cũng đã có văn bản chỉ đạo và đốc thúc các huyện, xã khuyến cáo người dân đưa trâu bò, gia súc về chuồng trại an toàn. Song trên thực tế, tại một số vùng sâu, vùng xa như huyện Vân Hồ và Bắc Yên, người dân vẫn còn thả rông trên núi; khi nhiệt độ xuống thấp dẫn tới gia súc chết đồng loạt.
Ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết, trong ngày 23/2, ông cũng đã đi kiểm tra việc phòng chống rét cho gia súc, gia cầm tại một số xã của huyện Bắc Yên (Sơn La). Qua chuyến kiểm tra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La đánh giá việc phòng, chống rét của một số hộ dân còn chủ quan, chưa quan tâm đến việc che chắn chuồng trại và vật tư lót chuồng cho gia súc...
“Chúng tôi đã chỉ đạo các địa phương tiếp tục theo dõi sát tình hình diễn biến thời tiết, thông báo trên hệ thống loa truyền thanh của xã, bản để người dân biết để hạn chế thiệt hại. Sắp tới, trong cuộc tổng kết về phòng chống thiên tai, tỉnh sẽ đánh giá những hạn chế để rút kinh nghiệm”, ông Công nói.
Ông Vương Đắc Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hòa Bình cho rằng, những gia súc chết trong đợt rét đậm, rét hại chủ yếu do các địa phương vẫn còn tình trạng thả rông; mưa rét cùng địa hình phức tạp, sương mù dẫn đến việc di chuyển gia súc gặp nhiều khó khăn,...
Hỗ trợ 500 nghìn - 6 triệu đồng/ trâu, bò, ngựa chết
Ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho rằng, nguyên nhân gia súc, gia cầm bị chết do bị đói, rét kéo dài, nhiệt độ xuống thấp trong vụ Đông Xuân chủ yếu là các hộ không có điều kiện tốt về chuồng trại, dự trữ thức ăn. Bên cạnh đó, các cơ sở địa phương khi tuyên truyền, hướng dẫn còn thiếu sát sao.
Đối với các hộ chăn nuôi có gia súc, gia cầm bị chết, theo ông Chinh sẽ được hỗ trợ theo Nghị định số 2 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiên tai, dịch bệnh. Theo đó, với mỗi gia đình có trâu bò, ngựa đến 6 tháng tuổi sẽ được hỗ trợ 500 nghìn đồng đến 2 triệu đồng/con; trên 6 tháng tuổi sẽ được hỗ trợ 2,1 triệu-6 triệu đồng/con. Còn với gia đình có lợn chết, sẽ được hỗ trợ 300 nghìn -2 triệu đồng/con. Việc hỗ trợ sẽ ưu tiên cho các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ đồng bào dân tộc thiểu số...
Dương Hưng