Sắp ra mắt nền tảng cho phép người dân phản ánh về PC-Covid

Theo đại diện Bộ TT&TT, để PC-Covid và các nền tảng công nghệ đi vào cuộc sống sâu hơn, một công cụ phản ánh và tiếp nhận phản ánh của người dùng về ứng dụng phòng chống dịch này đang được xây dựng, thử nghiệm.

Tại tọa đàm trực tuyến giới thiệu giải pháp công nghệ phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 vào chiều ngày 1/10, ông Đỗ Lập Hiển, Phó Giám đốc Trung tâm công nghệ phòng chống dịch Covid-19 quốc gia (gọi tắt là Trung tâm Công nghệ) cho biết, từ khi được thành lập vào tháng 6 đến nay, Trung tâm công nghệ đã triển khai được một số nền tảng công nghệ. Các nền tảng này đã trải qua các giai đoạn: ghi nhận yêu cầu, xây dựng, hoàn thiện, làm mịn và tiếp đó lại phát sinh yêu cầu, phát triển thêm.

Trải qua nhiều chu kỳ, đến nay đã hình thành một hệ sinh thái công nghệ phòng chống dịch, với 7 nền tảng chính khép kín chu trình các nghiệp vụ y tế, bao gồm: khai báo y tế, xử lý phản ánh, kiểm soát vào ra bằng mã QR, hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm, hỗ trợ truy vết, quản lý cách ly, quản lý tiêm chủng.

Ngoài ra, còn có các nền tảng khác như: hỗ trợ điều phối xe cấp cứu; hỗ trợ, giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau; đánh giá mức độ tuân thủ giãn cách; hỗ trợ phát hiện người nhập cảnh trái phép; dashboard, báo cáo, thống kê, phân tích dữ liệu…

Thực tế, trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 gần 2 năm qua, công nghệ đã có những đóng góp tích cực, là một trong những biện pháp then chốt giúp đẩy lùi dịch bệnh để sớm đưa Việt Nam sớm trở lại trạng thái bình thường mới.

Sắp ra mắt nền tảng cho phép người dân phản ánh về PC-Covid - Ảnh 1.

Ứng dụng PC-Covid được phát triển phục vụ cho phòng, chống dịch Covid-19, để Việt Nam có thể "bình thường mới"

Trao đổi tại tọa đàm, đại diện Bộ TT&TT cho biết: Trong triển khai công nghệ, chúng tôi tin rằng công nghệ quyết định 20%, còn mô hình tổ chức triển khai, sự đồng thuận triển khai chiếm tới 80% sự thành công.

Trong 80% liên quan đến mô hình tổ chức triển khai, có một phần rất quan trọng là dữ liệu. Đội ngũ làm công nghệ không tự sinh ra, tự nghĩ ra dữ liệu; mà dữ liệu phục vụ phòng chống dịch đến người dùng, từ các cơ quan quản lý, và đến từ các bộ, ngành, địa phương, không phải là nỗ lực riêng của một bộ, một ngành nào.

Vì thế, cần phân biệt tường minh các lỗi, đâu là lỗi của công nghệ, đâu là khiếm khuyết của mô hình tổ chức triển khai, đâu là khiếm khuyết của dữ liệu. Có như vậy, các vấn đề mới được các cơ quan, đơn vị giải quyết, xử lý.

Theo chia sẻ của đại diện Trung tâm Công nghệ, xuất phát từ tầm quan trọng của mô hình tổ chức và sự đồng thuận trong triển khai, lãnh đạo Bộ TT&TT đã chỉ đạo các lực lượng nhân sự làm TT&TT của các tỉnh, thành hợp lực cùng đội ngũ của Trung tâm công nghệ để thành lập 63 nhóm công tác tương ứng với 63 địa phương trong cả nước.

Bên cạnh việc duy trì đội hỗ trợ kỹ thuật 24/7 qua các kênh trực tuyến như điện thoại, Viber, Zalo…, Trung tâm Công nghệ đã, đang và sẽ tiếp tục cử các đoàn công tác đến từng địa phương, trên nguyên tắc ít nhất có 1 nhân sự công tác trực tiếp tại tỉnh, thành để sẵn sàng phối hợp trong triển khai các nền tảng công nghệ.

“Giai đoạn vừa qua, chúng tôi đã tổ chức nhiều đoàn công tác xuống địa phương và đúc rút được rất nhiều kinh nghiệm thực tiễn, các bài học cũng như những sáng kiến của địa phương. Đây sẽ là tiền đề để nhân rộng, tổ chức ra một mô hình triển khai công nghệ hợp lý cho giai đoạn sắp tới”, đại diện Trung tâm cho hay.

Khẳng định Bộ TT&TT, Trung tâm Công nghệ cam kết luôn cầu thị, lắng nghe mọi ý kiến đóng góp, đại diện Bộ TT&TT thông tin thêm: Để PC-Covid và các nền tảng công nghệ đi vào cuộc sống sâu hơn, một công cụ phản ánh và tiếp nhận phản ánh của người dùng về PC-Covid đang được xây dựng, thử nghiệm.

Bộ TT&TT sẽ huy động lực lượng để tiếp nhận, rà soát và xử lý kịp thời các phản ánh. Dự kiến, vào giữa tuần tới, sẽ ra mắt nền tảng cho phép người dân phản ánh để tại một thời điểm, có thể biết được đang có bao nhiêu phản ánh không hài lòng, phản ánh cụ thể ra sao, bao nhiêu ý kiến phản ánh đã được xử lý. Cơ chế “Bug Bounty” sẽ được áp dụng, theo đó các ý kiến đóng góp quan trọng, xác đáng và được tiếp thu của người dân trong quá trình sử dụng PC-Covid sẽ được vinh danh. Những đóng góp chưa phù hợp cũng sẽ được công khai.

Cũng trong vài ngày tới, Trung tâm công nghệ sẽ có hướng dẫn cụ thể các địa phương việc triển khai ứng dụng PC-Covid và các nền tảng. Sau đó, Trung tâm sẽ tổ chức buổi tập huấn trực tuyến phổ biến với các địa phương trong cả nước về triển khai các nền tảng công nghệ hỗ trợ phòng chống dịch, đặc biệt là ứng dụng PC-Covid.