Khi có thông tin Hà Nội cho trẻ mầm non đi học từ ngày 13/4, nhiều phụ huynh tỏ ra vô cùng vui mừng vì sau gần 1 năm các con ở nhà thì cuối cùng cũng được đến trường.
Thế nhưng, sát ngày trở lại trường, nhiều phụ huynh ngỡ ngàng, lo lắng khi sau một đợt nghỉ dài do dịch bệnh Covid-19 thì trường mầm non của con bỗng dưng… biến mất.
Sau khi có lịch cho con trở lại trường, chị Lê Thu Hà (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) liền tranh thủ qua trường để ngó nghiêng xem nhà trường chuẩn bị đón các con thế nào, việc xếp lớp cho con ra sao cũng như số lượng học sinh trong lớp năm nay có thay đổi gì không... Tuy nhiên, khi chị tới nơi thì bỗng thấy địa điểm ngôi trường con theo lúc trước đã trở thành một cửa hàng cắt tóc.
“Khi tôi hỏi thì nữ nhân viên cắt tóc cho biết cô ấy mới thuê lại mặt bằng này cách đây 3 tháng để cắt tóc, gội đầu. Tôi hỏi vậy trường học ở đây đâu thì không ai biết.
Tá hỏa, tôi gọi điện cho giáo viên cũ của con thì được biết, trường đang tìm địa điểm khác rẻ hơn để mở lại, trụ sở trước có chi phí thuê quá cao nên không thể duy trì hoạt động, khi nào trường mới hoàn thiện thì sẽ chủ động nhắn tin lại cho phụ huynh.
Thế nhưng, điều tôi lo lắng là từ giờ đến khi cơ sở mới của trường hoàn thành thì con tôi học ở đâu, chả nhẽ lại cho con ở nhà”, chị Hà băn khoăn.
Không chịu được gánh nặng mặt bằng trong mùa dịch, nhiều cơ sở mầm mon... biến mất.
“Khi tôi hỏi hiệu trưởng thì được biết, trường đã đóng cửa để phòng, chống dịch từ ngày 1/5/2021. Do không đủ kinh phí chi trả mặt bằng đắt đỏ 100 triệu/tháng cũng như duy trì hỗ trợ cho giáo viên nên trường học của con đã giải thể. Cùng cảnh ngộ khi chưa tìm được trường mới cho con, chị Nguyễn Mai Liên (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết trường của con chị nằm ngay ở tầng một, vị trí đẹp nhất trong khu chung cư nhưng từ mấy tháng trước đã thấy nhà trường chuyển hết cầu trượt, dụng cụ học tập ra khỏi lớp để trả mặt bằng.
Giờ đây vợ chồng tôi chưa biết xin cho con học ở đâu. Chuyển về chung cư này sinh sống nhưng gần 2 năm dịch bệnh nên tôi vẫn chưa cắt khẩu ở quê để nhập khẩu tại Hà Nội, nên để đăng ký cho con học trường công lập rất khó khăn bởi liên quan đến giấy tờ, thủ tục đăng ký tạm trú, tạm vắng rất phức tạp.
Hơn nữa công việc thường xuyên đi sớm về khuya, lại làm theo ca nên tôi không thể đón con đúng giờ theo quy định của trường công lập. Hiện các điểm trường tư thục gần nhà cũng đã kín học sinh nên để tìm được trường phù hợp gửi con đối với vợ chồng tôi bây giờ thật sự khó", chị Liên kể.
Không chỉ chị Liên, hiện rất nhiều phụ huynh có con ở độ tuổi mầm non đang học ở các trường dân lập, tư thục tại Hà Nội đối diện với nỗi lo tìm trường mới cho con khi các trường thông báo đóng cửa vì dịch kéo dài, cơ sở không đủ năng lực tài chính để tiếp tục mở trường.
Trao đổi với Infonet, bà Lê Thị Thanh Tâm - Phó trưởng phòng Giáo dục quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho hay: “Thực tế, sau gần 1 năm tạm dừng hoạt động vì dịch bệnh, nhiều cơ sở giáo dục tư thục gặp khó khăn, trong đó gánh nặng lớn nhất là chi phí thuê mặt bằng. Cũng có những trường đã trả mặt bằng, cũng có những trường giải thể.
Khi Hà Nội cho phép trường mầm non mở cửa trở lại, nếu những phụ huynh khó khăn khi nhóm lớp mầm non chưa mở cửa trở lại hay bị giải thể thì có thể tìm đến những nhóm lớp gần nhất.
Phòng GD&ĐT cũng sẽ đề nghị các trường mầm non trong hệ thống công lập hỗ trợ tối đa cho những phụ huynh chưa tìm được lớp học cho con nên phụ huynh có thể yên tâm”.
Sở GD-ĐT Hà Nội ngày 11/4 cũng cho biết vừa có văn bản hướng dẫn gửi các Phòng GD-ĐT, các trường. Theo đó, chú trọng tổ chức chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ trên cơ sở tự nguyện, đồng thuận của cha mẹ trẻ. Bên cạnh đó, nhà trường phải đạt yêu cầu an toàn trong phòng chống dịch Covid-19. Trong quá trình tổ chức chăm sóc, giáo dục trẻ, nếu xảy ra các trường hợp liên quan đến vấn đề dịch tễ, không bảo đảm an toàn trong phòng chống dịch Covid-19, nhà trường phải chủ động xử lý theo hướng dẫn và báo cáo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 địa phương...
Hà Nội hiện có hơn 500.000 học sinh mầm non, trong đó khoảng 28% trẻ theo học tại các trường ngoài công lập. Qua khảo sát của các phòng GD-ĐT, đã có hơn 80% cha mẹ trẻ mầm non thống nhất cho các cháu đi học trực tiếp tại trường. Việc đi học trực tiếp thực hiện trên tinh thần tự nguyện, đồng thuận của cha mẹ học sinh, tổ chức hoạt động bán trú, dạy học 2 buổi/ngày.