Ngày 20/3/2019, Hứa Huệ Xuân, một công nhân về hưu của nhà máy hóa dầu An Khánh tại tỉnh An Huy, Trung Quốc đã qua đời ở tuổi 87 vì tuổi già. Ban đầu, sự ra đi của một cụ ông bình thường không khiến ai chú ý. Thế nhưng trong lúc lo hậu sự, một phát hiện bất ngờ đã khiến cái tên Hứa Huệ Xuân được báo đài đưa tin, nổi tiếng toàn Trung Quốc.
Sau khi cha qua đời, trong lúc lục lại ảnh cũ để đi làm di ảnh, con trai thứ hai của ông lão là anh Hứa Hải Đông đã vô tình tìm ra một chiếc hộp gỗ nhỏ. Lúc sinh thời, đây chính là bảo vật mà ông rất gìn giữ, nâng niu nhưng chưa bao giờ cho phép vợ con động vào. Không ai ngờ bên trong hộp gỗ nhỏ này chứa đáp án cho bí mật suốt hơn 30 năm qua chưa được giải đáp.
Cụ ông Hứa Huệ Xuân
Bên trong chiếc hộp, con trai ông Hứa thấy những tấm huy chương mà ông nhận được khi còn trẻ, một số bức thư và một cuốn sổ. Trong cuốn sổ lại có một xấp tài liệu, giấy đã ngả màu vàng. Và khi đọc nội dung của những tấm giấy nhỏ đó, Hứa Hải Đông và mọi người đều vô cùng kinh ngạc. Đó chính là giấy chuyển tiền, chứng nhận ủng hộ từ thiện. Cái tên viết trên đó vô cùng quen thuộc - Lý Ký. Đây là một nhân vật mà cả vùng ai cũng biết.
Ngày 8/7/1991, Đảng ủy nhà máy hóa dầu An Khánh nhận được bức thư gửi từ huyện Dĩnh Thượng, tỉnh An Huy. Một đồng chí tên Lý Ký từ nhà máy hóa dầu An Khánh đã quyên góp 300 tệ (khoảng hơn 1 triệu đồng) cho huyện để hỗ trợ chống lũ lụt và cứu trợ thiên tai. Vào ngày ấy, 300 tệ không phải số tiền nhỏ, trung bình khoảng hai tháng lương. Với một khu vực huyện nghèo như Dĩnh Thượng thì tấm lòng này càng đáng trân quý.
Sau khi nhận thư, các lãnh đạo nhà máy đã đi tìm nhân viên Lý Ký nhằm biểu dương. Thế nhưng kỳ lạ là trong danh sách người lao động chẳng hề có cái tên này. Đài truyền hình và các báo cũng cử phóng viên đến nhà máy để phỏng vấn nhưng lại đành quay về vì không ai biết Lý Ký là ai. Để tìm người tốt ẩn danh này, một tờ báo của địa phương còn đăng bài với tựa đề: "Đồng chí Lý Ký, đồng chí đang ở đâu?".
Trong hộp gỗ ông Hứa nâng niu có tổng cộng 28 tờ giấy chứng nhận quyên góp
Năm 1998, cái tên Lý Ký lại một lần nữa xuất hiện làm cả vùng xôn xao. Mùa hè năm đó, An Khánh bị lũ lụt. Công đoàn nhà máy hóa dầu An Khánh nhận được một phong bì chứa giấy chứng nhận người có tên Lý Ký đã gửi 3.000 tệ cho hội cứu trợ thiên tai. Số tiền cực lớn bằng gần 1 năm lương công nhân khiến mọi người tin chắc đây hẳn là một nhà hảo tâm giàu có, hay thậm chí là một tổ chức nhiều người. Sau đó, người này vẫn thường xuyên làm từ thiện ẩn danh hàng chục lần nữa.
Chính vì sự bí ẩn, dù được tuyên dương bao nhiêu lần cũng không chịu lộ mặt mà Lý Ký trở nên nổi tiếng và hay được bàn tán. Nhưng cả đời, người này chỉ muốn đóng góp trong âm thầm, không cần tung hô hay biểu dương. Mãi cho đến ngày ông đã mất đi, Lý Ký - Hứa Huệ Xuân mới thực sự xuất hiện.
Hứa Huệ Xuân bao năm âm thầm làm từ thiện nhưng không cần ai biết đến mình
Thông tin ông lão công nhân nghỉ hưu Hứa Huệ Xuân chính là nhà hảo tâm hào phóng "trong truyền thuyết" khiến mọi người vô cùng bất ngờ. Bản thân cả đời ông Hứa là một công nhân bình thường, không hề giàu có. Cả cuộc đời ông sống bình đạm với vợ và 3 con. Thậm chí, khi còn đi làm, ông nổi tiếng là người sống hà tiện, khổ cực.
Người thân kể lại ngày trẻ, dù căn nhà cũ nát đến đâu, ông cũng không chịu tu sửa. Bữa ăn hằng ngày của ông thường chỉ có rau. Thế nhưng ông cũng không tiết kiệm được tiền để an hưởng tuổi già hay để lại cho con cháu. Khi qua đời, Hứa Huệ Xuân không để lại cho 3 con tài sản gì. Tuy nhiên khi biết cha chính là nhà từ thiện ẩn danh nổi tiếng, họ đều vô cùng xúc động, tự hào.
Hóa ra "ông lão hà tiện" có tiếng ấy suốt cả cuộc đời chỉ hà tiện với bản thân mình, và mục đích chính là để hào phóng giúp đỡ người khác. Sự tử tế, câu chuyện xúc động của ông Hứa khiến bất kỳ ai nghe được đều cảm phục.
Ngay cả vợ con, gia đình thân thiết nhất cũng không biết bí mật cả đời của ông Hứa
Nguồn: QQ