Thời điểm này, số ca Covid-19 có xu hướng gia tăng nhanh tại hầu hết các tỉnh, thành phố. Người dân "đổ xô" đi mua các bộ kit test nhanh, xét nghiệm liên tục. Nhiều người thắc mắc, vạch T xuất hiện đậm hay mờ có thể hiện mức độ bệnh nặng hay nhẹ?
Tùy theo hướng dẫn của từng bộ kit test nhanh, thời gian đọc kết quả khác nhau. Thông thường thời gian đọc kết quả từ 15 - 30 phút. Không được đọc kết quả trước hoặc sau thời gian quy định của hướng dẫn sinh phẩm.
Kết quả Âm tính: Chỉ xuất hiện vạch chứng C (vạch đỏ).
Kết quả Dương tính: Xuất hiện cả vạch chứng C và vạch kết quả T.
Kết quả không có giá trị khi cả vạch chứng C và vạch kết quả T không xuất hiện hoặc chỉ xuất hiện vạch kết quả T.
Trong trường hợp vạch chứng C không xuất hiện có thể do thiếu mẫu hoặc khay thử bị hỏng, phải thực hiện lại test thử xét nghiệm hoặc liên hệ với cơ quan y tế để được tư vấn hỗ trợ.
Hướng dẫn đọc kết quả xét nghiệm test nhanh kháng nguyên
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, cố vấn Khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết, vạch T đậm hay mờ không có giá trị tiên lượng hay thể hiện mức độ bệnh nặng hay nhẹ.
Theo bác sĩ Khanh, vạch T hiện lên nhanh và đậm hơn C, thì khả năng virus nhiều, người bệnh cần tuân thủ cách ly để tránh lây nhiễm cho người khác. Còn nếu vạch T hiện lên mờ thì khả năng ít virus.
Vị chuyên gia khuyến cáo, F0 điều trị tại nhà dù không triệu chứng hay triệu chứng nhẹ, bình tĩnh chờ đến ngày thứ 7 của bệnh rồi test nhanh. Nếu vạch T mờ hơn lần trước hay biến mất hoàn toàn, thì nồng độ virus thấp.
Đến ngày thứ 14, người bệnh test thêm một lần nữa, nếu vạch T không còn, thì có thể "tái hòa nhập cộng đồng" an toàn với điều kiện tuân thủ 5K.
Trên thực tế, để biết được nồng độ virus, người bệnh phải làm xét nghiệm RT-PCR. Thượng tá, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm oxy cao áp thuộc Trung tâm nhiệt đới Việt Nga, Bộ Quốc Phòng cho biết chỉ số CT cao, tương đương tải lượng virus thấp. Ngược lại, nếu CT giảm, tải lượng virus tăng lên, nhưng không có nghĩa bệnh đang diễn biến nặng.
"Việc virus nhân lên là diễn biến bình thường của bệnh trong đa số các trường hợp, thường sau 5-7 ngày thì lại giảm", bác sĩ Hoàng nói.
Để tránh lãng phí các bộ kit test nhanh, bác sĩ Hoàng hướng dẫn các F0 điều trị tại nhà cách xét nghiệm hợp lý:
- Nếu bạn có các dấu hiệu như cảm cúm vào thời điểm này, thì nhiều khả năng bạn đã nhiễm SARS-CoV-2. Lúc này, người bệnh nhanh chóng tự cách ly, nhưng chưa nên test vội vì có thể chưa lên "hai vạch". Đây được gọi là ngày D.
- Một ngày sau khi có các dấu hiệu cảm cúm (D+1), nếu test 2 vạch, bạn đã nhiễm SARS-CoV-2.
Nếu test 1 vạch, bạn chớ vội mừng, ngày hôm sau (D+2) nên test thêm lần nữa. Nếu ngày (D+2) test âm tính, bạn đợi thêm 2 ngày (D+4) rồi tiếp tục test. Nếu vẫn âm tính thì có thể tạm yên tâm.
- Nếu dương tính ngày (D+1), bạn ước tính ngày P5 như trong sơ đồ, chưa cần test vội. Ngày (P5+1), bạn test, nếu âm tính thì chúc mừng vì bạn sắp khỏi bệnh.
Nếu vẫn còn vạch T mờ, bạn cứ bình tĩnh, 2-3 ngày sau test lại lần nữa. Sau khi test lại mà vẫn còn vạch T mờ, bạn cứ yên tâm vì đến ngày đấy nguy cơ lây cho người khác rất thấp.
Bảng theo dõi diễn biến bệnh Covid-19 và tải lượng virus SARS-CoV-2 (Ảnh: Medicon)
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, nếu đã tiêm đủ liều vaccine, không phải nhập viện, thì sau 10 ngày (14 ngày nếu chưa tiêm đủ liều vaccine), bất kể còn vạch mờ hay không, người bệnh không cần phải cách ly nữa.
"Như vậy, nếu biết cách tiết kiệm, mỗi F0 chỉ tốn 2-3 que test nhanh mà thôi. PCR cũng không quá cần thiết nữa, đo SpO2 thường xuyên quan trọng hơn", bác sĩ Hoàng nói.
Tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2022, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên khuyến cáo người dân tuân thủ hướng dẫn của Bộ Y tế, chỉ mua test nhanh khi cần, không quá nôn nóng mà mua dự trữ, làm mất cân bằng cung cầu. Dùng đến đâu mua đến đấy.
Bộ Y tế cũng có hướng dẫn xét nghiệm mẫu gộp. Trong một gia đình, có thể xét nghiệm nhanh mẫu gộp 2 người. Như chủng Omicron, 2-3 ngày mới có 1 chu kỳ lây nhiễm, như vậy khoảng 2-3 ngày xét nghiệm 1 lần sẽ giảm được nhu cầu sử dụng.