Thủ tướng: Thần tốc tiêm vắc-xin, nghiên cứu tiêm cho trẻ em từ 5 tuổi

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu phấn đấu chậm nhất trong tháng 12 phải cơ bản hoàn thành việc tiêm 2 mũi cho người từ 18 tuổi trở lên; hoàn thành sớm nhất việc tiêm cho người từ 12-18 tuổi; đẩy mạnh việc tiêm mũi 3.

Ngày 5/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp để tiếp tục thúc đẩy việc nhập khẩu, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vắc-xin và thuốc chữa bệnh Covid-19.

Cùng dự cuộc họp có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, lãnh đạo các bộ, ngành.

Thủ tướng: Thần tốc tiêm vắc-xin, nghiên cứu tiêm cho trẻ em từ 5 tuổi - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp thúc đẩy việc nhập khẩu, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vắc-xin và thuốc điều trị Covid-19 (Ảnh: Nhật Bắc)

Đã có hơn 20 nước tiêm cho trẻ em từ 3-11 tuổi

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và nhiều ý kiến thống nhất cho rằng Việt Nam xuất phát chậm hơn nhiều nước trong tiêm vắc-xin nhưng với tốc độ tiêm chủng vừa qua, đến nay tỷ lệ người từ 18 tuổi đã tiêm mũi 1 đạt 94%, tiêm mũi 2 đạt 69%, đây là tỷ lệ khá cao so với thế giới.

Theo lãnh đạo Bộ Y tế, tổng số vắc-xin đã nhận và dự kiến tiếp nhận đến hết năm 2021 từ các nguồn mua, viện trợ, tài trợ đã có cam kết là khoảng hơn 200 triệu liều. Đến hết ngày 3/12, Việt Nam đã tiếp nhận hơn 150 triệu liều vắc-xin, trong đó có gần 71,5 triệu liều mua từ nguồn ngân sách nhà nước và hơn 79 triệu liều từ nguồn viện trợ, tài trợ.

Đáng chú ý, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho hay việc xuất hiện biến chủng mới Omicron đã làm dịch bệnh trên thế giới càng diễn biến phức tạp và khó lường, khó dự báo hơn. Tuy nhiên, các báo cáo cho thấy hiệu lực bảo vệ của các loại vắc-xin đã được cấp phép vẫn cao và các hãng đang tiếp nghiên cứu để bảo đảm và nâng cao hơn nữa hiệu lực bảo vệ của vắc-xin.

Trước biến chủng mới, nhiều nước triển khai quyết liệt trở lại các biện pháp phòng dịch; ngày càng nhiều nước triển khai và đẩy nhanh tốc độ tiêm mũi thứ 3. Đã có hơn 20 nước tiêm cho trẻ em từ 3-11 tuổi, trong đó có nhiều nước phát triển. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo rằng việc tiêm cho trẻ em từ 3-11 tuổi có lợi ích cao hơn rủi ro, tuy nhiên, nên ưu tiên cho người già và người có bệnh nền, khi đã đủ vắc-xin thì tiêm cho trẻ em.

Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ cho rằng có thể đánh giá tiêm chủng vắc-xin là một điểm sáng của Việt Nam khi số lượng vắc-xin cam kết và tốc độ tiêm vắc-xin đã vượt mục tiêu và kế hoạch, các nước đánh giá Việt Nam nằm trong nhóm đạt tỷ lệ tiêm chủng cao trên thế giới.

Các ý kiến tại cuộc họp cho rằng cũng như tại các nước trên thế giới, việc thực hiện chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn tại Việt Nam khó tránh khỏi các sự số, rủi ro, tuy nhiên tỷ lệ gặp sự cố, rủi ro và tử vong liên quan tới tiêm vắc-xin tại Việt Nam là thấp hơn nhiều nước trên thế giới, kể cả tại những nước phát triển như Mỹ.

Về thuốc điều trị, tính đến ngày 2/12, Bộ Y tế đã tổng hợp nhu cầu sử dụng và tiến hành phân bổ theo đề xuất của các đơn vị, địa phương các loại thuốc gồm Remdesivir (đã phân bổ hơn 514.000 lọ); Favipiravir (có quyết định phân bổ 2 triệu viên); Casirimab + Imdevimab (170 lọ thuốc); thuốc Molnupiravir đang được sử dụng theo đề cương thử nghiệm lâm sàng được Bộ Y tế phê duyệt…

Lãnh đạo Bộ Y tế cũng thông tin về tiến độ nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, thử nghiệm sản xuất vắc-xin và thuốc điều trị đặc hiệu, thuốc điều trị bổ sung, triệu chứng…

Thủ tướng: Thần tốc tiêm vắc-xin, nghiên cứu tiêm cho trẻ em từ 5 tuổi - Ảnh 2.

Thủ tướng: Phải thần tốc hơn nữa trong thực hiện chiến dịch tiêm chủng vắc-xin

Hoàn thành sớm nhất tiêm cho người từ 12-18 tuổi, đẩy mạnh việc tiêm mũi 3

Sau khi lắng nghe các ý kiến, kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ thời gian qua, chúng ta đã triển khai quyết liệt chiến lược vắc-xin và đạt nhiều kết quả tốt, nhưng trước những diễn biến mới của dịch bệnh trong nước và trên thế giới, cần có đánh giá toàn diện và triển khai bài bản, khoa học, kịp thời hơn nữa việc nhập khẩu, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vắc-xin và thuốc chữa bệnh.

Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh vắc-xin, thuốc chữa bệnh và ý thức người dân là những giải pháp hết sức cơ bản, quan trọng, cấp bách trong tình hình hiện nay.

Tuy nhiên, việc nhập khẩu, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vắc-xin và thuốc chữa bệnh Covid-19, tổ chức tiêm vắc-xin là công việc có quy mô lớn, tính chất phức tạp, chưa có tiền lệ, phải làm trong thời gian ngắn, nên không tránh khỏi những sơ suất, khó khăn, lúng túng, điều quan trọng là phát hiện nhanh, điều chỉnh, bổ sung kịp thời.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, nhất quán, tích cực về vấn đề này, việc tổ chức thực hiện cần đồng bộ, thông suốt, tổng thể, liên thông, hiệu quả.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu khẩn trương hoàn thiện Kế hoạch bảo đảm vắc-xin phòng, chống dịch Covid-19 hết sức chi tiết, cụ thể về số lượng, chủng loại, độ tuổi tiêm, thời gian tiêm, phương án tiêm, việc tiêm trộn giữa các loại vắc-xin…, tránh bị động, lúng túng và phù hợp với kế hoạch/chương trình tổng thể phòng chống dịch.

"Phải thần tốc hơn nữa trong thực hiện chiến dịch tiêm chủng vắc-xin và đáp ứng nhu cầu thuốc điều trị, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả, đề cao ý thức người dân trong phòng chống dịch"- Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng yêu cầu phấn đấu chậm nhất trong tháng 12 phải cơ bản hoàn thành việc tiêm 2 mũi cho người từ 18 tuổi trở lên; rà soát lại các đối tượng chưa tiêm, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để đạt mục tiêu này. Đồng thời, có lộ trình triển khai tích cực, hoàn thành sớm nhất việc tiêm cho người từ 12-18 tuổi; đẩy mạnh việc tiêm mũi 3, trong đó ưu tiên người từ 50 tuổi trở lên và các đối tượng tuyến đầu. Nếu cần thiết, các cơ quan chức năng tăng cường lực lượng chi viện, hỗ trợ các địa phương trong tiêm chủng như chúng ta đã làm trước đó.

Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu, sớm báo cáo, xin ý kiến cấp có thẩm quyền về một số nội dung liên quan tới vắc-xin, trong đó có khả năng, chủ trương, phương án tiêm cho trẻ em từ 5 tuổi trở lên trên cơ sở khoa học, an toàn, phù hợp diễn biến dịch bệnh trong nước và thực tiễn các nước.

Thủ tướng cũng giao các cơ quan rà soát lại việc vận chuyển, bảo quản, tổ chức tiêm vắc-xin, đánh giá các sự cố xảy ra, bảo đảm khách quan, trung thực, chủ động cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, công khai, minh bạch để người dân yên tâm tiếp tục tiêm và không phân biệt đối xử các loại vắc-xin đã được cấp phép.

"Việc phân bổ và tiêm vắc-xin phải bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả; công khai, minh bạch, chống tiêu cực; tránh xảy ra sự cố đáng tiếc. Chúng ta tiếp tục đặt tính mạng và sức khỏe người dân là quan trọng nhất, lên trên hết, trước hết để hành động" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Về sản xuất vắc-xin và thuốc trong nước nói chung, Thủ tướng nêu rõ Chính phủ, Thủ tướng đã có nhiều văn bản, kết luận về vấn đề này, Bộ Y tế và các cơ quan cần tích cực triển khai, tạo điều kiện thuận lợi tối đa, kể cả hỗ trợ tài chính, cho việc chuyển giao công nghệ, nghiên cứu sản xuất trong nước trên nguyên tắc bảo đảm khoa học, an toàn, hiệu quả.

Về thủ tục hành chính thì rút gọn nhất có thể, tạo thuận lợi và hỗ trợ tối đa nhưng về mặt chuyên môn thì phải bảo đảm các yêu cầu khắt khe, nghiêm ngặt theo quy định.

"Các cơ quan chức năng, các nhà chuyên môn chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Đảng, Nhà nước và nhân dân về quyết định của mình với tinh thần vô tư, trong sáng, tất cả vì tính mạng, sức khỏe người dân, bảo đảm công khai, minh bạch, bình đẳng, chống tiêu cực, lợi ích nhóm, cạnh tranh không lành mạnh, hết sức tránh cả hai khuynh hướng là chủ quan, nóng vội và trì trệ, bảo thủ, cản trở sự phát triển" - Thủ tướng lưu ý.

Thuốc thiết yếu phải dự phòng cho tình huống dịch diễn biến xấu

Về thuốc chữa bệnh, Thủ tướng giao Bộ Y tế và các cơ quan liên quan bám sát, tiếp thu các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan tới nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất, cấp phép… Bộ Y tế chủ động dự báo nhu cầu về số lượng, loại thuốc điều trị Covid-19 cho cả nước để có phương án mua, kể cả mua tập trung và phân bổ, sử dụng phù hợp với yêu cầu điều trị, bảo đảm công khai, minh bạch, theo cơ chế thị trường, chống lãng phí; đối với các loại thuốc thiết yếu phải có cơ số dự phòng cho tình huống dịch diễn biến xấu.

https://nld.com.vn/chinh-tri/thu-tuong-than-toc-tiem-vac-xin-nghien-cuu-tiem-cho-tre-em-tu-5-tuoi-20211205152100893.htm