Từ xa xưa, phái đẹp Việt nói riêng, thế giới nói chung đã có nhu cầu làm đẹp và không ngừng nghiên cứu những phương pháp làm đẹp từ thiên nhiên. Dù không có quá nhiều mỹ phẩm phổ biến như kem dưỡng, serum... hay nhờ cậy được công nghệ làm đẹp tiên tiến như ngày nay thế nhưng, Việt Nam vẫn tự tin là một trong những quốc gia từng sở hữu cho mình những những bí quyết rất riêng để tự chăm sóc nhan sắc của mình, thậm chí nổi danh khắp Đông Dương. Dù theo thời gian, các phương pháp làm đẹp xưa kia dần bị mai một hay nhường chỗ cho những phương pháp mới nhưng giá trị văn hóa, ý nghĩa của chúng vẫn còn vẹn nguyên giá trị cho tới ngày nay. Hãy cùng điểm qua những phương pháp làm đẹp nào từng tạo thành xu thế của các bà, các mẹ chúng ta ngày xưa, từng làm nên thương hiệu khuynh đảo Đông Dương một thời của mỹ phẩm Việt nhé! Và biết đâu, khi còn đang loay hoay tìm cho mình phương pháp làm đẹp nào vừa an toàn lại tiết kiệm, bạn sẽ có thêm nhiều gợi ý từ các bà, các mẹ thì sao?
Nhuộm răng đen
Đây chính là phong tục và cũng là một chuẩn mực mang nét đặc trưng nổi bật nhất của phụ nữ Việt Nam xưa, đặc biệt là trong các vùng miền Trung và miền Bắc. Mặc dù ngày nay truyền thống ấy đã không còn được duy trì nhưng hàm răng đen vẫn là nét đẹp không thể không nhớ đến, trở thành một trong những phương pháp làm đẹp tiêu biểu của phụ nữ thời xưa. Tục nhuộm răng đen còn tồn tại mãi đến khi sang thế kỷ 20, chúng ta mới phá bỏ tục lệ này. Cho đến nay, hình ảnh người phụ nữ với hàm răng đen đã lùi vào dĩ vãng nhưng đó vẫn mãi là một nét đẹp văn hoá của người Việt Nam.
Thuốc nhuộm răng của người Việt được pha chế từ nhựa cánh kiến, nước cốt chanh, phèn đen, nhựa của gáo dừa... Sau khi, làm mòn men răng, người ta sẽ tiến hành nhuộm răng trong 7 -12 ngày. Người nhuộm không chỉ phải ngậm miệng suốt đêm, tránh tối đa miếng thuốc nhuộm rơi bong ra, phải làm như vậy mỗi đêm 2 lần trong 7 đêm mà còn phải ăn thức ăn mềm, chủ yếu nuốt không được nhai để có được hàm răng "đều như hạt na". Tuy nhiên, theo năm tháng, phương pháp làm đẹp này đã trở thành dĩ vàng, nay chỉ còn là nét đẹp, phong tục cổ xưa trong văn hóa Việt Nam.
Gội đầu bằng bồ kết
Sau hàm răng thì có lẽ mái tóc theo như các cụ xưa hay dạy là "gốc con người". Chính vì vậy, dù có hiện đại đến mấy, tóc xanh tóc vàng có trở thành hot trend thì cô gái với mái tóc đen dài óng ả vẫn là điều khiến bao người mê mẩn. Một mái tóc thẳng dài, đen mượt tự nhiên vẫn là nét duyên đặc biệt nhất của người con gái Việt. Nếu như ngày nay có sự hỗ trợ của vô vàn mỹ phẩm dưỡng tóc thì xưa kia, các bà, các mẹ ta chỉ một lòng "trung thành" với thần dược thiên nhiên có tên gọi: bồ kết.
Sáp dưỡng môi từ mật ong và phấn nụ
Từ thời phong kiến, hầu hết những bí quyết làm đẹp đều xuất phát từ trong hậu cung do các phi tần đua nhau tranh giành sự chú ý của vua chúa. Cung đình Huế thời nhà Nguyễn còn có hẳn xưởng chế tạo mỹ phẩm, với nguyên liệu hoàn toàn từ thiên nhiên. Trong đó phải kể đến sáp dưỡng môi từ mật ong ruồi và phấn nụ là hai thứ nổi bật nhất giúp người phụ nữ có vẻ đẹp chuẩn: má đỏ môi hồng.
Xà bông Cô Ba - Thương hiệu vang bóng một thời
Khi nhắc đến các thương hiệu Việt “vang bóng một thời”, bên cạnh kem nụ Huế, không thể không nhắc đến xà bông Cô Ba. Những sản phẩm tiêu dùng thiết yếu hàng ngày được ưa chuộng khoảng đầu thế kỷ XX. Cục xà bông màu xanh mát in hình một người phụ nữ Việt Nam với tóc búi cao, trán rộng gắn liền với câu chuyện về doanh nhân Trương Văn Bền - cha đẻ của cục xà bông từng làm mưa làm gió lúc bấy giờ.
Có thể thấy, nhìn lại bức tranh tổng thể về của các bà, các mẹ ngày xưa mới thấy, cái gì có xuất xứ từ tự nhiên thì càng đem đến hiệu quả an toàn nhất. Thậm chí, chúng ta từng ngẩng cao đầu khi đất nước phát triển, Việt Nam còn có thể cho ra đời một hãng đã khuynh đảo cả thị trường mỹ phẩm Đông Dương. Để cho thế hệ ngày nay mỗi khi nhìn lại vẫn đầy tự hào và thích thú trước từng "gây bão" của ông bà ta đầy sáng tạo và hiệu quả tới không ngờ, và ẩn sâu trong đó là những tầng lớp văn hóa phản ánh xã hội thời bấy giờ vô cùng ý nghĩa phải không nào? Còn bạn, trong những trào lưu làm đẹp của ông bà ta xưa kia, bạn ấn tượng với phương pháp nào nhất?
Ảnh: Tổng hợp