Lại một mùa Tết cổ truyền sắp đến, chuyện đón Tết ở quê nội hay quê ngoại vẫn luôn là chủ đề được mọi người quan tâm mỗi dịp tết đến xuân về.
Theo đó, bài viết với chủ đề “Có sẵn lòng về quê vợ ăn Tết không?” đăng tải trên trang Sohu, Trung Quốc đã nhận được nhiều bài tâm sự và chia sẻ. Trong đó có 4 bình luận nhận được sự quan tâm và đồng tình của nhiều người. Mỗi người đều có câu trả lời riêng cho câu hỏi phía trên khiến nhiều người phải suy ngẫm!
Anh Vương: “Tôi còn nợ vợ mình lời hứa về quê ngoại ăn Tết!”
Tôi và vợ là bạn từ thời học đại học, sau khi tốt nghiệp, cô ấy cùng tôi về quê, chúng tôi kết hôn và sinh con, vì nhà ngoại ở xa và vé máy bay dịp Tết quá đắt nên vợ tôi không thể về thăm bố mẹ được. Suốt một năm, vợ chỉ còn cách dành dụm và tiết kiệm tiền, đợi đến Tết có dịp thì về thăm bố mẹ.
Đặc biệt là sau khi sinh con, cô ấy lại phải chăm con, không thể đi đâu được, nhiều năm qua cô ấy luôn hỏi tôi khi nào tôi sẽ cùng cô ấy về ngoại ăn Tết, tôi luôn trả lời cho qua chuyện: “Năm sau mình về nhé…”, thế mà vợ vẫn không than vãn, trách móc tôi một câu nào.
Lời hứa này đến bây giờ tôi vẫn chưa thực hiện được, tôi chợt thấy xấu hổ quá, năm nay tôi nhất định sẽ thực hiện, vì tôi nợ vợ tôi một lời hứa!
Anh Lương (28 tuổi): “Sau khi kết hôn, hai vợ chồng nên đón Tết ở nhà nội”.
Người ta thường nói: “Xuất giá tòng phu”, lấy chồng thì nên chấp nhận mọi thứ thuộc về chồng và nhà chồng, không nên than vãn. Vì thế chuyện đón Tết ở nhà nội là việc hết sức bình thường. Ngày mùng 2 hoặc mùng 3 Tết có thể về nhà ngoại, nhưng đêm giao thừa và mùng 1 Tết thì nên dành cho bên nội, nếu không sẽ bị nhà chồng nhắc nhở.
Hơn nữa, tôi còn có một người em trai, bố mẹ tôi cùng ở với em trai và em dâu, nếu không về nhà nội thì thật không phải phép. Dù sao ăn Tết ở nhà nội cũng khiến tôi cảm thấy thoải mái hơn nhiều.
Ảnh minh họa
Anh Lâm (30 tuổi): “Chỉ cần vợ tôi vui thì việc hai vợ chồng đón Tết ở đâu không quan trọng!”
Bây giờ, dù ở thời đại nào cũng không có quy định bắt buộc phải ăn Tết ở nhà chồng, hơn nữa vợ tôi lấy chồng xa, có năm không được về nhà bố mẹ đẻ dù chỉ một lần, nhất là từ sau khi sinh con, đã hai ba năm nay rồi. Chỉ cần vợ đồng ý, tôi sẽ cùng cô ấy về nhà bố mẹ đẻ ăn Tết.
Ảnh minh họa
Bố mẹ tôi thường nói với tôi: “Con gái đi lấy chồng không dễ đâu. Cả năm hai vợ chồng con ở đây cùng bố mẹ rồi, nên Tết này hãy dành thời gian về nhà thăm bố mẹ vợ. Con dâu thì cũng như con gái ruột của mình thôi, con gái nào cũng có nguyện vọng về nhà mẹ đẻ ăn Tết!”.
Vì vậy, chỉ cần vợ vui vẻ, ăn Tết ở đâu không quan trọng, chỉ cần cô ấy nói muốn về nhà bố mẹ đẻ ăn Tết, tôi đương nhiên sẽ sẵn lòng đi cùng cô ấy.
Anh Trương (32 tuổi): “Công bằng nhất là một năm ăn Tết ở nhà bố mẹ đẻ và một năm ở nhà chồng.”
Năm nào tôi cũng thấy người ta cãi nhau về việc hai vợ chồng nên về nhà ngoại hay ở nhà nội ăn Tết, còn hai vợ chồng tôi trước khi cưới nhau đã thống nhất mỗi năm ăn Tết một nơi, đó là cách công bằng nhất.
Dù sao vợ tôi cũng lấy chồng ở xa, không thể năm nào cũng ép buộc cô ấy ăn Tết ở nhà nội, đây cũng là sự “tủi thân” đối với cô ấy. Hơn nữa giao thông bây giờ cũng thuận tiện cho việc đi lại, về nhà ngoại cũng chỉ mất có vài tiếng. Ăn Tết ở đâu cũng như nhau, không nên phân biệt bên nào quan trọng hơn bên nào.
Vì cô ấy cũng sẵn lòng rời xa vòng tay bố mẹ và chấp nhận lấy chồng xa nên tôi sẽ cố gắng hết sức để chăm sóc cô ấy thật tốt và khiến cô ấy cảm thấy hạnh phúc!
Ảnh minh họa
Chuyện đón Tết ở quê nội hay quê ngoại vốn dĩ không khó để các cặp vợ chồng bàn bạc, thống nhất, chỉ cần tìm cách để hai bên cảm thấy thoải mái và công bằng nhất. Có chăng cái khó là ở lòng người, tư tưởng của mỗi người, đã vô tình khiến câu chuyện sum vầy ngày xuân mất đi sự ý nghĩa, thậm chí khiến nhiều gia đình xảy ra tranh cãi vì những chuyện nhỏ nhặt này.