Trung thu đến, nếu bạn đang “đau đầu” vì phải dành ra vài ngày vẫn chưa biết nên rước đèn ở đâu cho vui, ăn bánh nướng loại nào ngon thì sau khi đọc bài viết này, hẳn bạn sẽ cảm thấy “thở phào” đấy!
Bởi lẽ, vẫn còn có nguyên một team mỗi mùa Trung thu đều đau đáu suy nghĩ kế hoạch từ trước 1 tháng nhưng vẫn không thoát được loạt “kiếp nạn” dở khóc dở cười. Họ không chỉ nghĩ trò chơi cho riêng mình mà phải tạo sự hào hứng cho cả một tập thể lớn, vừa gắn kết mọi người mà vừa có những ý tưởng vui vẻ, độc đáo.
Không ai khác, đó chính là team văn hóa nội bộ - những người làm công việc tổ chức các hoạt động cho công ty để kết nối nhân sự, nâng cao văn hóa doanh nghiệp!
Những câu chuyện họ kể dưới đây không thể đại diện cho tất cả các “kiếp nạn” mà người làm văn hóa nội bộ từng trải qua. Tuy nhiên cũng phần nào mang đến những khía cạnh thú vị, cười ra nước mắt với nghề “làm dâu trăm họ” này. Cùng ngồi xuống cắt miếng bánh, uống ngụm trà và nghe tâm sự nhé!
- Hà Phương (27 tuổi, Hà Nội), 5 năm kinh nghiệm tổ chức các hoạt động văn hóa nội bộ.
- Lê Ngọc Hoàng (30 tuổi) - PR Leader tại công ty chuyên về dịch vụ phần mềm: 6 năm kinh nghiệm trong hoạt động truyền thông nội bộ.
- Xuân Toàn (27 tuổi) - phụ trách chính mảng truyền thông nội bộ của một công ty du lịch với 7 năm kinh nghiệm.
Những ngày này, công ty nào cũng rộn ràng không khí Trung thu
Người tham dự hào hứng, tặng quà cũng phải đúng ý: Sao khó thế!
“Ngày mai ăn gì có khi còn chưa biết nhưng phải lên ý tưởng, kế hoạch trước hơn tháng trời” - đây là cách mà Hà Phương thường mô tả ngắn gọn khi có ai đó hỏi về công việc của mình.
Và Trung thu cũng không ngoại lệ, Hà Phương cho biết, Trung thu năm nay rơi vào cuối tháng 9 nhưng trên thực tế, cô nàng đã phải rục rịch chuẩn bị từ đầu tháng 8. Sở dĩ, Hà Phương cho hay cần thời gian dài như vậy là bởi: “Mình đã làm công việc nhiều năm nay, tốn thời gian nhất chính là khâu lên ý tưởng. Năm sau phải hay hơn năm trước, mới lạ hơn, thú vị hơn năm trước. Chưa kể, phải tính toán nhiều tiêu chí khác rồi đề xuất lên cấp trên duyệt, dự trù kinh phí,... Nói chung rất nhiều bước nên chúng mình thường phải làm từ sớm để có thể tổ chức chỉn chu nhất”.
Ngọc Hoàng cũng cho rằng, cái khó nhất của việc làm truyền thông hay văn hóa nội bộ nói chung chính là việc xây dựng ý tưởng phù hợp nhất với số đông. Đặc biệt là với những sự kiện xuất hiện hàng năm, cần phải nghĩ cái gì mới mẻ, thú vị để đa số nhân sự trong công ty có thể hào hứng tham gia. Chưa kể, cần chuẩn bị kịch bản làm sao để chạm được tới tim người tham dự, mang lại tiếng cười và sự thoải mái.
Ngọc Hoàng có nhiều năm kinh nghiệm trong hoạt động truyền thông nội bộ
“Với sự kiện Trung thu, người tổ chức luôn muốn làm hay, làm mới để không bị trùng lặp. Bên cạnh đó, cũng phải làm sao để nhân viên cũng như các bé khi đi cùng bố mẹ sẽ cảm thấy hào hứng, không thua kém gì việc lên phố mua đèn lồng, chụp ảnh”, Ngọc Hoàng nói.
Tuy nhiên, để tổ chức được sự kiện, việc sắp xếp thời gian phù hợp cũng là một trong những điều khiến team nội bộ “đau đầu”. Do vậy, Ngọc Hoàng thường chọn tặng quà vào dịp Trung thu để dễ dàng hơn. Song, điều này cũng vẫn khó nghĩ bởi một câu hỏi Ngọc Hoàng luôn đau đáu: “Năm nay tặng quà gì cho lạ?”.
“Kiếp nạn thứ 82” với đêm Trung thu công ty
Lựa chọn tổ chức hoạt động vào các mùa Trung thu, Xuân Toàn cho biết phải nghĩ ý tưởng làm sao để “cạnh tranh” sức hấp dẫn với phố Hàng Mã (Hà Nội) để 100% mọi người đều tham gia.
“Khi xây dựng kế hoạch, lên ý tưởng chương trình, truyền thông các thông tin nội bộ đến nhân viên, chúng mình luôn đặt để những ý đồ, sự úp mở về những điều sẽ diễn ra trong chương trình. Cũng như mọi người nói, kịch bản phải hay, có tính độc lạ, thú vị hơn hoạt động lên phố để mọi người đều hào hứng mong chờ”, Xuân Toàn bày tỏ.
Xuân Toàn (phải) năm nào cũng tất bật chuẩn bị sự kiện Trung thu cho công ty
Bên cạnh đó, Xuân Toàn cũng có những “kiếp nạn” riêng. Toàn chia sẻ: “Năm ngoái, mình còn đang làm việc tại một công ty cũ, khi đó mình có liên hệ với một đội múa lân đến để biểu diễn. Do một vài lí do, nên sát giờ chương trình diễn ra rồi mà đội lân vẫn chưa tới, mình cũng sốt ruột gọi điện cho họ nhưng vẫn không kịp giờ.
May mắn bên mình đang sẵn 1 đầu lân để trang trí khu check-in, mình đã lôi cái đầu lân đấy ra, lên YouTube mở nhạc trống cheng,... rồi mình và một bạn nữa tự đội đầu lân đó để múa ‘chữa cháy’ chương trình. Thật sự là lúc đó mọi người cũng thấy bất ngờ và cười ầm lên vì sự ngốc nghếch của chúng mình. Dù vậy, đó là một trong những kiếp nạn mình nhớ mãi đến bây giờ”.
Vừa lên ý tưởng, đôi khi phải kiêm luôn MC hoặc múa lân nếu đội múa lân thuê không kịp tới
Còn với Hà Phương, truyền thống của công ty cô nàng đều tổ chức các chương trình đêm hội hoặc workshop làm đồ thủ công trước Trung thu. Cũng chính bởi vậy mà Hà Phương từng trải qua khá nhiều câu chuyện dở khóc, dở cười.
Theo đó, có năm cô sẽ tổ chức workshop làm bánh, làm mặt nạ, đèn lồng,... cho nhân sự có thể đưa các con tới tham dự. Cái khó khăn nhất chính là việc lựa chọn đơn vị đồng tổ chức. “Mặc dù làm việc có hợp đồng nhưng đôi khi không tránh được các rủi ro như đồ đạc phía bên làm workshop chưa chuẩn bị kĩ, thiếu số lượng,... Hay đôi khi do thời tiết không ủng hộ, có nhiều người đăng ký nhưng sát giờ tới lại chỉ vài người”, Hà Phương kể.
Cô nàng nói thêm: “Tổ chức cũng mệt rồi những khi kết thúc có lẽ còn ác mộng hơn… Vì đối tượng hướng đến toàn các bạn nhỏ, sau khi vui chơi, team sự kiện sẽ là người trực tiếp thu dọn ‘chiến trường’. Và khi đó đã mệt nhoài rồi thì đây chính là kiếp nạn của mình”.