Nhiều người luôn có hi vọng rằng kết hôn là sự kiện chỉ có một lần trong đời mình. Tuy nhiên, xã hội bây giờ tỉ lệ ly hôn ngày càng cao.
Hôn nhân chỉ là sự khởi đầu cho cuộc sống tiếp nối sau đó. Chúng ta thường băn khoăn không biết nên cưới người yêu mình hay cưới người mình yêu. Dù chọn cách nào cũng không thể thoát khỏi những mâu thuẫn do hôn nhân mang lại. Nếu không xử lý kịp thời những biến cố thì ly hôn là điều khó lòng tránh khỏi.
Sau khi kết hôn, có ba giai đoạn thử thách khó trải qua. Nó như những bài toán khó vậy, các cặp vợ chồng “sống sót” qua những giai đoạn này thì mới có thể êm ấm dài lâu.
Giai đoạn 1: Chuyển biến sau kết hôn
Tình yêu luôn được miêu tả bằng nhiều từ ngữ hoa mĩ, nó là viên kẹo ngọt ngào, là ngọn đèn vàng ấm áp trong đêm tối. Nhưng hôn nhân thì sao? Hôn nhân là dầu, muối, mắm, là tiền bạc, là những điều hiện thực.
Đối với những người mới cưới, còn giữ được sự tươi mới của hôn nhân thì có thể hai bên vẫn còn tốt. Nhưng dần dần, họ sẽ bắt đầu cảm thấy được sự chuyển biến của giai đoạn từ yêu sang kết hôn. Sẽ có nhiều điều khác biệt, thậm chí ảnh hưởng trực tiếp đến tình cảm của vợ chồng.
Để vượt qua giai đoạn này, đầu tiên cần tinh thần. Chúng ta phải thích ứng với khoảng cách nội tâm và hiểu bản chất của hôn nhân một cách tích cực. Hãy tự nhủ rằng cuộc sống là một câu chuyện thực tế chứ không phải cổ tích. Một cuộc hôn nhân tốt đẹp cần hai tâm hồn thú vị, thấu hiểu cho nhau và muốn làm nhau hạnh phúc.
Ảnh minh hoạ.
Giai đoạn thứ hai: Sinh con
Đối với các cặp vợ chồng, việc mang thai là điều đáng mong chờ và đôi khi là điều kỳ diệu nhất trong cuộc sống của họ. Tuy nhiên, nó cũng là một thử thách lớn.
Nhiều người tin vào câu nói: “Phụ nữ khi sinh con mới hiểu đàn ông có yêu mình hay không”. Bạn thử nghĩ xem, trong thời gian người vợ mang thai, 10 tháng đó gia đình sẽ có những biến động nhất định. Đàn ông đối mặt với sự tự chủ của bản thân, đối mặt với sự thấu hiểu, yêu thương, dịu dàng của mình… Có thể nói rằng, giai đoạn vợ mang thai đàn ông cũng có những biến chuyển trong tâm sinh lý nhất định.
Vợ có thai sẽ cáu kỉnh, suy nghĩ nhiều, đàn ông cần hết sức nhẫn nại, bao dung. Sau khi vợ sinh con là cả tấn áp lực khác đổ ập xuống. Từ chuyện kinh tế, chuyện vợ chồng, chăm sóc con, đối nội đối ngoại hoặc đối phó với sự khác biệt khi chăm sóc con cái… Có thể nói rằng nhiều cặp đôi cũng “ngã ngựa” ngay ở giai đoạn này và khiến hôn nhân căng thẳng.
Ảnh minh hoạ.
Giai đoạn thứ ba: Khủng hoảng tuổi trung niên
Ở độ tuổi 38 - 50, mối quan hệ của hai bạn có thể trở nên nhạt nhẽo hơn. Bố mẹ đã già, con cái thì lớn và có cuộc sống riêng. Sẽ ra sao nếu bạn và người ấy bước vào độ tuổi trung niên khi mọi thứ không còn mặn mà? Cả hai có thể hỗ trợ nhau điều gì và còn điều gì lạ để thu hút nhau nữa?
Đôi khi, ở giai đoạn này hai vợ chồng bắt đầu không còn tìm thấy tiếng nói chung và rất đau khổ, không chịu đựng nổi. Tình trạng mối quan hệ của hai bên giống như một vũng nước đọng. Không còn gì mới mẻ, không còn muốn tìm hiểu nhau. Thực tế trong cuộc sống, nhiều cuộc hôn nhân chấm dứt ở giai đoạn này. Hai bên cảm thấy con cái lớn không còn vướng bận, cũng chẳng cần để ý quá nhiều nữa và bắt đầu thoải mái đi tìm niềm vui cho mình. Niềm vui đó bạn đời không trao được, họ sẽ kiếm ở chỗ khác. Bởi vậy, rất nhiều đôi “vấp” ngay ở giai đoạn này và hôn nhân không thể tiếp tục.
Bởi vậy trong cuộc sống, hai bên cần biết cách quan tâm nhau, học cách cho đi và thường xuyên chuẩn bị những điều bất ngờ thú vị với đối phương.
Hôn nhân không hề dễ dàng và phải được trân trọng mỗi ngày. Chẳng có cuộc hôn nhân nào hoàn hảo, kiểu gì nó cũng có những thiếu sót và lỗ hổng. Tuy nhiên xét ở một phương diện nào đó, hôn nhân cũng có thể trở thành “hầm trú ẩn” của bạn trong cuộc sống nhiều bão táp này. Cả hai hãy cố gắng để xây dựng một cuộc hôn nhân bền vững và vượt qua những khó khăn nhất của các giai đoạn hôn nhân nhé.