Nếu hiện tại đang ở độ tuổi 20-30, bạn muốn trở thành người như thế nào khi đến tuổi trung niên?
Thêm 10 năm hay 20 nữa, cũng đều như nhau. Bạn vẫn là bạn, điều thay đổi theo thời gian chính là nội hàm, thế giới quan và cách nhìn nhận cuộc đời bằng đôi mắt như thế nào.
Đến tuổi trung niên, thậm chí là lão niên, luôn giữ vững sơ tâm và duy trì 6 điều này, cuộc đời viên mãn bất ngờ.
Học: Quá trình liên tục, không phải tìm kiếm điểm kết thúc
Một người thích đọc khác có nhiều điểm khác biệt với người không đọc sách. Tất nhiên, không đọc sách cũng không có hại, chỉ là người đọc nhiều sách có cơ hội “nhìn thấy” những thứ, những nơi, những điều mà họ khó lòng tận mắt trải nghiệm.
Ví dụ, bạn có thể có cái nhìn sơ lược về cuộc đời của một người bằng cách đọc tiểu sử; đọc sách về tâm lý học để hiểu rõ hơn về tình trạng của chính mình; đọc sách lịch sử để nhìn thấy những gì đã xảy ra trên thế giới này...
Đọc sách cho phép bạn du hành trong lịch sử, tương lai, hiện thực và hư không, sau đó khám phá ra nhiều khả năng hơn trong cuộc sống của bản thân.
Đọc và học nên là quá trình diễn ra liên tục, chứ không phải quá trình đợi đến điểm đích. Bởi lẽ thế giới này có quá nhiều thứ, thậm chí con người dành cả một đời cũng không thể hiểu hết.
Cải thiện bản thân bằng cách đọc sách, và chỉ khi đó, bạn mới có thể gặp được những người tốt hơn, những mối quan hệ có được đều do tố chất của chính bạn quyết định.
Bạn là người như thế nào sẽ quyết định bạn sở hữu kiểu bạn bè nào. Đây là một thực tế!
Cô đơn: Dành những khoảng lặng cho bản thân
Một người không thể tận hưởng sự cô đơn mới là người cô đơn thật sự.
Nhiều người tham gia vào các cuộc tụ họp mỗi ngày, và họ không thể khiến bản thân bình tĩnh lại vì sợ ở một mình, sợ chỉ mỗi bản thân loay hoay trong thế giới này. Do đó, họ cần một môi trường năng động để tìm cảm giác tồn tại của chính mình. Đây là biểu hiện của sự cô đơn mà nhiều người không hề nhận ra.
Sống một mình và tìm thấy niềm vui trong cô độc thực ra là trạng thái sống cao cấp của con người, bởi lẽ bạn phải biết cách chăm sóc cho những nhu cầu nội tâm của mình.
Một ngày nào đó bạn sẽ hiểu rằng dù bạn có cố gắng thế nào thì cũng không có nhiều người thực sự quan tâm. Họ chỉ muốn xem kết quả, quá trình khó khăn như thế nào không phải là chuyện đáng lưu tâm.
Do đó, hãy rèn luyện trở thành người biết tận hưởng sự cô đơn, vẫn có bạn bè để chia sẻ, song song với đó là khoảng lặng dành riêng cho mình.
Điều bản thân thích: 100 lý do không đáng giá bằng một sự khởi đầu
Đời người ngắn ngủi, nếu không thể làm điều mình thích thì sống cuộc đời này chẳng phải lãng phí sao? Chỉ bằng cách làm những gì bạn thích, mới có thể thực sự kích thích tiềm năng và tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống.
Có người nói muốn mở cửa hàng hoa nhưng vẫn trì hoãn vì cho rằng điều kiện chưa chín muồi. Vậy tại sao không tạo ra điều kiện?
Cho rằng không thể viết bài viết hay vì nghĩ rằng tập giấy không đủ đẹp, không gian không đủ lý tưởng.
Không chạy bộ hàng ngày vì không mua được đôi giày thể thao mình thích.
Lười đi du lịch vì chưa mua được máy ảnh ưng ý...
Tìm cho mình rất nhiều lý do, như một cái cớ để không bắt tay vào làm. Trên thực tế, đó là sự trì hoãn, lười nhát và thói quen “giẫm chân tại chỗ trong vùng an toàn”.
Rất nhiều chuyện, chỉ cần dám đi bước đầu tiên, bạn sẽ không thể dừng lại.
Mối quan hệ: Có khoảng cách mới có sự tôn trọng
Hãy là chính mình để thu hút người khác. Đừng cố gắng làm hài lòng tất cả mọi người, mối quan hệ giữa các cá nhân có được bằng cách làm hài lòng không thể bền lâu.
Chỉ bằng cách là chính mình, bạn mới có thể thu hút những người cùng chung quan điểm sống và có khả năng đồng hành lâu dài. Đồng thời, cũng đừng nghĩ rằng ai cũng có thể là bạn, nhiều mối quan hệ không cần phải quá thân thiết.
Bạn bè thân thiết đến mấy cũng phải biết giữ khoảng cách, bởi lẽ ai cũng có một giới hạn riêng. Vượt qua ranh giới này nhiều lần, tổn thương và thất vọng gom đủ, cuối cùng đường ai nấy đi.
Tình yêu: Hứa hẹn nhưng không sở hữu
Khi đủ trưởng thành, bạn mới hiểu bản thân không thể sở hữu bất cứ ai.
Bạn thích một người đến mức điên cuồng, nhưng không thể chiếm hữu đối phương. Họ vẫn là họ, và không bao giờ trở thành một phần của bạn. Những gì bạn có thể làm là đồng hành. Cố gắng chiếm hữu một ai đó khiến bạn trở thành tù nhân của cảm xúc.
Sau khi yêu, không ai có thể đảm bảo rằng bạn sẽ không gặp được một người hấp dẫn hơn, giàu có hơn, đẹp hơn, dịu dàng hơn, phù hợp với mong đợi hơn và hiểu bạn hơn.
Tình yêu không chỉ là sự bốc đồng và đam mê, mà còn có những lời hứa và cam kết. Tuy nhiên, hãy dung dị với mọi thứ, kể cả kết cục không thể trọn vẹn.
Mất mát: Tiệc nào cũng tan, trân quý hiện tại
Lớn lên, chúng ta phải chuẩn bị tinh thần để chấp nhận một số thực tế, chẳng hạn như cha mẹ già đi và xa rời con cái.
Trước khi đau buồn, hãy tự hỏi liệu bạn đã đền đáp công ơn của cha mẹ hay chưa. Dù bên ngoài bạn có hạnh phúc đến đâu, miễn là cha mẹ còn sống, bạn vẫn luôn cảm thấy mình như một đứa trẻ khi trở về với họ.
Nếu một ngày mở cánh cửa nơi quê nhà và không còn khuôn mặt quen thuộc mỉm cười với bạn, điều đó có nghĩa là trên đời này sẽ không còn ai yêu thương bạn một cách vị tha bằng mạng sống của họ nữa.
Ngoài cha mẹ, bạn bè cũng có thể rời xa. Trên đường đời, người đến kẻ đi. Họ có thể không theo kịp bạn, cũng có thể họ chọn những con đường khác. Bạn đừng buồn vì ai cũng có cuộc sống riêng.
Bạn bè rồi sẽ ra đi, người yêu cũng vậy.
20 tuổi, 40 tuổi hay 60 tuổi, hãy sống trọn từng phút giây. Đây là cách duy nhất để bạn không hối tiếc khi ngoảnh đầu nhìn lại những gì đã trải qua.