Tại một cuộc họp báo cáo tài chính của Pinduoduo (công ty thương mại điện tử là nền tảng nông nghiệp lớn nhất ở Trung Quốc) vào năm 2019, CEO Hoàng Tranh cho biết sẽ tăng lương cho gần 6.000 nhân viên của công ty.
Ngay khi tin tức được đưa ra, cư dân mạng đã bàn luận sôi nổi: "Sếp nhà người ta", "Tôi muốn làm việc tại Pinduoduo!" ….
Vào thời điểm vô số công ty đóng cửa, sa thải nhân viên và cắt giảm lương vì dịch bệnh Covid, tại sao Pinduoduo lại làm như vậy?
Một ông chủ như nào sẽ xứng đáng để nhân viên hết lòng đi theo?
Trong bài viết hôm nay, chúng ta cùng bàn về vấn đề này.
01. Tài sản quý giá nhất của công ty là nhân viên
Đầu năm 2020 là một năm vô cùng khó khăn tại Trung Quốc. Bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhiều công ty đã phải sa thải nhân viên và cắt giảm lương để vượt qua khó khăn.
Pinduoduo cũng bị ảnh hưởng, nhưng dù lợi nhuận có bị ảnh hưởng thì nó cũng không ảnh hưởng đến quyết định tăng lương cho gần 6.000 nhân viên trong công ty của CEO Hoàng Tranh.
Vào ngày 11/3, trong cuộc họp trực tuyến của công ty, Hoàng Tranh cho biết: "Công ty đã quyết định tăng lương cho hầu hết các thành viên trong nhóm thay vì yêu cầu họ chịu tác động tài chính ngắn hạn do dịch bệnh gây ra. Với những nhân viên đã không ngừng nỗ lực trong thời gian dịch bệnh, chúng tôi cũng sẽ thưởng thông qua hình thức tiền mặt ngắn hạn và các ưu đãi cổ phần dài hạn vì họ đã kiên trì các giá trị của công ty."
Chỉ một vài câu nói ngắn gọi nhưng cho thấy sự công nhận và tôn trọng những nỗ lực làm việc chăm chỉ của nhân viên, đồng thời là cách trung thực và hiệu quả nhất để thúc đẩy tinh thần làm việc của nhân viên.
Nói về Hoàng Tranh, một CEO cho biết: "Trình độ nhận thức của người sáng lập, là tầm cao thực sự của một công ty." Quả đúng là như vậy.
Trình độ nhận thức của ông chủ quyết định mức trần của công ty. Chúng ta hoàn toàn có thể thấy được điều đó từ thái độ và cách tiếp cận nhân viên của Hoàng Tranh.
Cố gắng hết sức để đảm bảo quyền lợi người lao động không bị tổn thất, không vì những thiệt hại do dịch bệnh gây ra mà khiến người lao động phải chịu thiệt thòi. So với những công ty không sẵn sàng trả lương đầy đủ cho nhân viên của họ trong thời kỳ dịch bệnh, có rất nhiều ý nghĩa đằng sau động thái này của Pinduoduo.
Hoàng Tranh biết rằng nhân viên là tài sản quý giá nhất của công ty và những nhân viên đánh giá cao giá trị của công ty, coi công việc là sự nghiệp của họ là một loại cổ phiếu chất lượng cao trong số các tài sản.
Hoàng Tranh là kiểu ông chủ mà trong công việc, anh sẵn sàng tin tưởng vào khả năng của nhân viên và sẵn sàng trao quyền quyết định cho nhân viên. Các nhân viên của Pinduoduo từng tiết lộ rằng anh hiếm khi quan tâm tới nghiệp vụ và cũng ít khi tổ chức các cuộc họp.
Ngoài việc đề cập đến việc tăng lương, Hoàng Tranh còn cho biết: "Nhiều người trẻ tuổi trong công ty đã đi đầu trong giai đoạn đặc biệt này và họ cũng sẽ trở thành những nhà lãnh đạo quan trọng của công ty trong tương lai."
Được biết, Pinduoduo hiện đang sử dụng hơn 6.000 người, với độ tuổi trung bình chỉ 27 tuổi.
Việc một công ty định hướng coi trọng nhân viên giành được chỗ đứng trên thị trường, đây có lẽ chỉ là chuyện một sớm một chiều. Pinduoduo đồng thời cũng đã chứng minh được vị thế của mình.
Tháng 9/2015, Pinduoduo được thành lập và chỉ ba năm sau, nó đã được niêm yết thành công với giá trị thị trường là 24 tỷ USD. Không còn nghi ngờ gì nữa, đằng sau sự phát triển nhanh chóng của công ty, có một nhóm nhân viên trẻ và có trách nhiệm.
"Bổn phận" là giá trị quan của Pinduoduo, và một trong những "bổn phận" mà Hoàng Tranh luôn nhấn mạnh đó là luôn đảm bảo rằng những nhân viên hết lòng vì công ty sẽ được khen thưởng xứng đáng.
Bất cứ lúc nào cũng không được chuyển rủi ro của doanh nghiệp sang nhân viên, để mọi nhân viên đi theo anh đều có thể tích lũy của cải và có khả năng nhảy vọt khi làm việc ở Pinduoduo, đó là điều mà vị CEO của công ty luôn yêu cầu cho chính mình.
Thời cổ đại có câu "đắc nhân tâm, đắc thiên hạ" (có được lòng người, có được cả thiên hạ), ngày nay, đó là, ông chủ có được lòng của nhân viên, có được cả thị trường.
Người sáng lập Pinduoduo, Hoành Tranh
02. Không có cấp dưới, chỉ có người đồng hành
Trong bộ phim hoạt hình "Đảo hải tặc", nhân vật Monkey D. Luffy từng nói: "Trên thuyền của tôi, không có thuộc hạ, chỉ có bạn đồng hành."
Chỉ đáng tiếc, rất nhiều ông chủ đã phớt lờ câu nói này.
Coi nhân viên như những người làm công ăn lương kém cỏi hơn mình, nghĩ đủ mọi cách để tiết kiệm chi phí từ nhân viên, tự cho mình thông minh mà không biết rằng bản thân đang đánh mất đi nhiều hơn những gì xứng đáng.
Đối với những nhà lãnh đạo có tầm nhìn dài hạn thì dù không có nhiều nhân viên, họ vẫn đối xử với những cộng sự cùng hội cùng thuyền, sát cánh chiến đấu bằng cả trái tim.
Tôi đã từng đi theo một ông chủ như vậy.
Khi còn trẻ, vì muốn kiếm tiền, một người có tính cách hướng nội như anh ấy vẫn xin vào làm ở bộ phận sale của một công ty, với quyết tâm mạnh mẽ, sau 10 năm, anh ấy trở thành giám đốc kinh doanh của công ty.
Sau đó, anh ấy nghỉ việc và thành lập một cơ sở đào tạo, vừa là sếp vừa làm nhân viên.
Bây giờ nghĩ lại, anh ấy là ông chủ khiêm tốn nhất mà tôi từng gặp, anh ấy tốt bụng và thân thiện, và cũng rất giỏi trong việc đặt đúng người vào những vị trí phù hợp nhất. Là một công ty mới thành lập, nhưng phúc lợi dành cho nhân viên không thua kém gì những công ty lớn, đóng đủ năm bảo hiểm xã hội và một quỹ nhà ở, cung cấp đồ ăn vặt thường xuyên.
Rất nhiều khi còn đích thân nấu mì mang đến công ty cho nhân viên.
Nếu đồng nghiệp gặp khó khăn, bất kể trong công việc hay cuộc sống, anh ấy sẽ giúp đỡ bất cứ khi nào có thể, khi người khác cười nhạo anh ấy là một ông chủ ngốc, anh ấy chỉ cười và không bao giờ đỏ mặt.
Anh ấy quan sát, thấy và ghi nhớ nỗ lực của nhân viên đối với công ty. Anh ấy không ngốc, bởi giúp đỡ người khác là giúp đỡ chính mình. Hầu hết tất cả nhân viên đều cố gắng hết sức cho công việc này, việc chủ động làm thêm giờ cũng là điều bình thường, không ai cảm thấy đây là thiệt thòi.
Tâm lý học có câu nói: "Khi con người ta dụng tâm, đại não mới có thể sáng tạo. Khi tâm trí không có gánh nặng, sức sáng tạo của não bộ mới mạnh nhất. Con người khi làm việc gì thì phải dùng đến trái tim trước, sau đó mới dùng đến bộ não, trái tim chỉ đạo cái đầu."
Một trong những thành tựu lớn nhất của một công ty là hầu hết nhân viên đều đạt được được tới trạng thái "trái tim chỉ đạo cái đầu".
Là một ông chủ, chỉ khi coi nhân viên là đối tác, có phúc cùng hưởng, nhân viên mới sẵn sàng sát cánh cùng công ty vượt qua khó khăn.
Reid Hoffman, tác giả của cuốn sách bán chạy nhất "The Alliance" và là người sáng lập LinkedIn, tin rằng trong thời đại Internet ngày nay, tư duy tuyển dụng truyền thống là quá cứng nhắc, nếu tiếp tục sử dụng nó, công ty sẽ không lớn mạnh hơn, và ông chủ có thể trở thành một chỉ huy tồi.
Các ông chủ có tầm nhìn xa trông rộng có thể nhìn thấu điều này, họ không quan tâm đến việc lợi ích ngắn hạn bị tổn hại, thay vào đó cam kết xây dựng các mối quan hệ lâu dài.
Jack Ma đã từng nói: "Thẻ mã số của mỗi một nhân viên đã nghỉ việc của Alibaba đều được bảo lưu. Mỗi nhân viên đã từng làm việc ở công ty đều có thẻ mã số công việc của riêng mình, dù chỉ làm việc trong một ngày."
Trong xã hội tương lai, chỉ những ông chủ biết xây dựng mối quan hệ lâu dài với nhân viên, công ty của anh ta mới có thể phát triển. Mối quan hệ giữa ông chủ và nhân viên không phải là mối quan hệ giữa người làm công ăn lương và nhà tuyển dụng, mà là một liên minh bền chặt, hai bên tập trung vào việc thực hiện mục tiêu chung, đôi bên thậm chí là đa bên cùng thắng.
03. Ông chủ giỏi, dám chi tiền cho nhân viên
Khi nói đến việc chi tiền cho nhân viên, ông chủ Huawei, Nhậm Chính Phi có lẽ là một trong những người giỏi nhất.
Có những nghiên cứu sinh tiến sĩ mới vào làm việc ở công ty nhưng đã sở hữu mức lương hàng năm là 2,01 triệu nhân dân tệ (khoảng 6,7 tỷ đồng), trong giai đoạn dịch bệnh, họ đã trợ cấp cho mỗi nhân viên văn phòng tại chỗ của Viện nghiên cứu tại Vũ Hán (tâm dịch Covid của Trung Quốc) 2.000 nhân dân tệ (khoảng 6,7 triệu đồng) mỗi ngày và 150 đô la Mỹ (khoảng 3.5 triệu đồng) mỗi ngày cho nhân viên ở ngoài vùng dịch.
Đối xử hào phóng với nhân viên, là phong cách nhất quán của Nhậm Chính Phi.
Tại Trung Quốc, sẵn sàng chi tiền cho nhân viên, trong lĩnh vực viễn thông có Huawei, bên mảng ẩm thực, có Haidilao.
CEO Trương Dũng của Hadilao
Nói đến Haidilao, có lẽ hầu như ai cũng biết. Dịch vụ gần như hoàn hảo của chuỗi nhà hàng này đã khiến các đồng nghiệp trong ngành lần lượt làm theo, nhưng dù có học hỏi thì cũng chỉ là bề ngoài chứ không phải bản chất.
Mỗi lần đến Haidilao, bạn sẽ có cảm giác rằng nhân viên của họ không phải đang làm việc mà là đang dụng tâm phát triển sự nghiệp của mình.
Sự trung thành của nhân viên Haidilao là năng lực cạnh tranh cốt lõi của công ty.
Trung Quốc có rất nhiều nhà hàng lẩu, tại sao chỉ có CEO Trương Dũng được coi là "nhân vật cấp thần" trong ngành ăn uống?
Đó là bởi Trương Dũng sẵn sàng chi tiền cho nhân viên của mình.
Nhà sáng lập Trương Dũng vốn có một xuất thân bình thường, với niềm tin rằng "bàn tay có thể thay đổi số phận", anh luôn hy vọng rằng tất cả nhân viên đều có thể kiếm tiền, thậm chí là nhiều tiền ở Haidilao.
Trương Dũng từng nói: "Tôi muốn lấy ra một phần lợi nhuận và chia cho hai nhóm người. Một nhóm là khách hàng, và nhóm còn lại là nhân viên của tôi. Đó là lý do tại sao bạn thấy ở Haidilao, bạn được "lời" nhiều như vậy, đó là lý do tại sao, nhân viên của Haidilao được ở kí túc đẹp như vậy, nhận được những đãi ngộ mà nhiều doanh nghiệp khác không có như vậy. Đây cũng là nguyên nhân nhiều doanh nghiệp khác không thể bắt chước theo Haidilao được."
Mức lương cao hơn nhiều so với toàn ngành và những lợi ích mà nhiều công ty không dám cung cấp: ký túc xá nhân viên được bố trí trong một khu dân cư cao cấp, cha mẹ của nhân viên ở quê nhà cũng nhận được tiền thưởng hàng tháng của con cái; cha mẹ của nhân viên không có bảo hiểm xã hội có thể được đóng bảo hiểm xã hội…
Đây đều là những bằng chứng cho thấy Trương Dũng sẵn sàng chi tiền cho nhân viên của mình ra sao, nó đồng thời cũng là nguyên nhân quan trọng khiến Haidilao luôn là một tên tuổi hàng đầu trong ngành ẩm thực trong suốt nhiều năm liền như vậy.
Theo thuyết nhu cầu của Maslow, khi một người đạt được các nhu cầu cơ bản về sinh lý, an toàn và xã hội, anh ta sẽ mong muốn được tôn trọng và được thể hiện bản thân.
Muốn khởi nghiệp, tầm nhìn của nhà lãnh đạo là vô cùng quan trọng. Để đánh giá một người có giỏi giang hay không, không cần nhìn vào lý lịch của anh ta, chỉ cần nhìn xem có bao nhiêu nhân viên đã gắn bó với anh ta và trong bao nhiêu năm, bạn cũng có thể phán đoán ra được điều gì đó.
Một mình dù có bước đi nhanh đến đâu, nếu không có cộng sự bên cạnh bổ trợ, nâng đỡ thì cũng chỉ nên được những thành công nhỏ, khó mà đạt được thành công lớn. Chỉ khi một nhóm người đoàn kết như một và học hỏi từ những điểm mạnh của nhau, họ mới có thể tiến xa hơn. Dưới sự lãnh đạo của một ông chủ tốt, một người phất lên, "cả họ" được nhờ.
Nhân viên là nền tảng cho sự phát triển của công ty, một người sếp tốt là người có thể nhìn nhận, yêu mến và tôn trọng nhân viên.
Đi theo một người sếp tốt, trưởng thành là một quá trình tất yếu, và thành công là kết quả sớm chiều.