9X bỏ công việc ổn định, mở "tạp hóa xanh" tạo việc làm cho người khiếm thị

Ngoài việc lan tỏa lối sống xanh, giảm thiểu rác thải nhựa, tiệm "tạp hóa xanh" của Kim Hằng còn là nơi tạo ra việc làm cho người khiếm thị.

Phạm Thị Kim Hằng (SN 1995, TP HCM) hiện đang điều hành một doanh nghiệp xã hội, là sáng lập của gần 10 thương hiệu các sản phẩm thân thiện với môi trường. Năm 2019, Hằng bắt đầu mở ra "tiệm tạp hóa xanh" nhằm lan tỏa lối sống xanh, góp phần bảo vệ môi trường và tạo việc làm cho những người khuyết tật.

Tiệm "tạp hóa xanh" của Kim Hằng có đa dạng các dòng sản phẩm sống xanh. "Tạp hóa xanh" chủ yếu có 2 loại sản phẩm gồm: sản phẩm được Hằng và cộng sự tự nghiên cứu, sản xuất từ các nguyên liệu thiên nhiên hay tái chế từ nylon... và sản phẩm nhập từ bên ngoài về.

Kim Hằng chia sẻ: "Mình muốn 'xoa dịu' các vấn đề xã hội và môi trường bằng hoạt động hàng ngày. Vậy nên mình quyết định bắt đầu hành trình làm doanh nghiệp xã hội, mở 'tạp hóa xanh', làm ra những sản phẩm từ các nguyên liệu thiên nhiên, được tái chế từ nylon... vừa bảo vệ môi trường, vừa có việc làm cho nhóm người yếu thế".

9X bỏ công việc ổn định, mở tạp hóa xanh tạo việc làm cho người khiếm thị - Ảnh 1.

Phạm Thị Kim Hằng (SN 1995, TP HCM)

Bỏ việc với mức lương gần 20 triệu đồng/tháng, mở tiệm tạp hóa xanh, giảm rác thải nhựa

Năm 2019, khi đang làm một công việc ổn định với mức lương gần 20 triệu đồng/tháng, Kim Hằng đã quyết định từ bỏ công việc này để mở tiệm "tạp hóa xanh".

"Mình muốn mỗi ngày trôi qua mình không cảm thấy tiếc vì những điều mình chỉ mới đang nghĩ mà chưa làm được. Với mình, việc mỗi ngày tạo ra được giá trị cho cuộc sống hấp dẫn hơn rất nhiều so mức lương", 9X nói.

9X bỏ công việc ổn định, mở tạp hóa xanh tạo việc làm cho người khiếm thị - Ảnh 2.

Kim Hằng cho biết, khi mới thành lập "tạp hóa xanh", cô gặp phải nhiều khó khăn. Lúc đó, đã có một lời mời làm việc tại nước ngoài với mức lương là 40 triệu đồng/tháng nhưng Hằng từ chối. Cô vẫn quyết định ở lại Việt Nam, tiếp tục thực hiện những điều bản thân đang ấp ủ.

9X chia sẻ: "Mình biết chắc chắn mình không có gì để tiếc nuối khi đưa ra lựa chọn như vậy. Còn về lương thì với mình có thực lực thật sự thì dù có làm gì rồi cũng có thể chạm được những con số đó thôi nên mình không quá quan trọng".

Với Hằng, khó khăn nhất khi quyết định "bước khỏi vùng an toàn" là làm sao để gia đình và những người thân xung quanh tin vào những gì cô đang làm. Hằng chia sẻ: "Vì những thứ mình làm còn mới nên việc thuyết phục mọi người hiểu mình rất khó. Ngoài áp lực trên thương trường, trong việc kinh doanh thì áp lực gia đình là nặng nhất vì mình không muốn người thân phải buồn và thất vọng về mình".

Hiện tại, tiệm "tạp hóa xanh" của Kim Hằng có gần 200 sản phẩm đa dạng. Một số sản phẩm có thể kể đến như: sản phẩm chăm sóc cơ thể (xà bông, nước hoa, dầu gội dầu xả...), sản phẩm chăm sóc nhà cửa (tô chén gáo dừa, nước rửa chén...), quà tặng (quà lưu niệm đồ đá, búp bê, bông hoa, sổ tay, bút tre), thời trang tái chế (túi xách, ba lô, bóp ví)... Các sản phẩm đều là sản phẩm xanh từ các nguyên liệu thiên nhiên, được tái chế từ túi nylon, giúp giảm thiểu rác thải nhựa.

Để có thêm nguồn nguyên liệu đầu vào làm ra những sản phẩm thủ công, thân thiện với môi trường, Kim Hằng đã tạo ra nhiều chiến dịch, điển hình là "Đổi nilon lấy nông sản". Đồng thời, những chiến dịch này cũng khiến tiệm "tạp hóa xanh" của Hằng được biết đến rộng rãi hơn.

Giấc mơ tạo việc làm cho người khiếm thị thuở nhỏ nay đã thành hiện thực

Ngoài bảo vệ môi trường, tiệm "tạp hóa xanh" này còn là nơi làm việc của nhiều người khiếm thị. Kim Hằng cho biết, mô hình đưa người khiếm thị vào vận hành là điều mà cô ấp ủ từ nhỏ. Hiện nay, tại "tạp hóa xanh" của Hằng, người khiếm thị tham gia vào công việc vận hành, chăm sóc khách hàng, marketing.

Hằng chia sẻ: "Ba mình là người khiếm thị, hiểu được những khó khăn mà ba và những người khiếm thị phải trải qua, từ nhỏ mình đã quyết tâm sau này học xong sẽ làm gì đó thật có ích cho người khiếm thị. Khi hình thành mô hình tạp hóa xanh, mình triển khai kế hoạch mở chuỗi cho các bạn khiếm thị quản lý và phát triển để chứng minh người khiếm thị vẫn có thể làm tốt như người sáng mắt, thậm chí có thể hơn một vài người".

Nói về kỷ niệm đặc biệt với người khiếm thị làm việc tại "tạp hóa xanh", Kim Hằng kể: "Mình rất ấn tượng những lúc các bạn khoe mình những thành quả các bạn đạt được, ví dụ như: ý tưởng video được lên xu hướng, bán được đơn hàng đầu tiên… Lúc đó, mình rất vui vì đã biết các bạn đã thật sự bước ra khỏi vùng an toàn".

Mong muốn của Hằng trong tương lai là nhân rộng mô hình để ngày càng có nhiều người dễ tiếp cận với các sản phẩm xanh và đưa người khiếm thị vào môi trường làm việc này nhiều hơn.