Rước hơn 300 chú chó “lang thang cơ nhỡ” về chăm
Ở một khoảng đất heo hút thuộc Bến Cát, Bình Dương, ngay sát mép sông Thị Tính, chị Nguyễn Thị Tuyết Phương đang cưu mang hơn 300 chú chó và vài chục con mèo. Bầy chó mèo này, theo cách chị Phương nói, đều có xuất thân “đầu đường xó chợ”, được chị chuộc về từ các lò mổ, giải cứu khi vô tình thấy trên đường, hoặc đau bệnh bị chủ cũ vứt bỏ.
Thương chúng, chị gom lại trong “mái ấm” (xây dựng trên khu đất của ba), chăm sóc chúng, nựng nịu gọi là “các bé”. Thấy người lạ đến, chúng sẽ bị kích động, sủa ầm ĩ; nhưng riêng chị Phương hoặc người chăm sóc phụ đến, chúng lại rất quấn quýt, nhao ra đòi chơi cùng, nhảy chồm lên người như thể hiện tình cảm.
“Không đi ra đường thì thôi, chứ đi ra đường thấy người ta chở chó đi bán, mình bị ám ảnh, lại phải chạy theo năn nỉ mua mang về”, Phương tiết lộ. “Mái ấm” của chị được bắt đầu từ vài năm trước. Thời điểm đó, chị đang nuôi hai mấy chú chó để làm thú cưng. Nhưng một con trong đàn đi lạc, Phương đi lang thang khắp nơi mấy ngày để tìm mà không thấy.
Chị Phương cưu mang bầy chó lớn, hơn 300 con và vài chục con mèo
Chị nhớ lại: “Mình vào lò mổ tìm nhưng cũng biệt tăm không thấy bé đâu. Nhưng vào trong đó, thấy các bé khác đang chờ đến lượt bị thịt, mình lại xúc động. Lần đó, mình mua 60 bé về luôn, tốn gần 50 triệu. Mình phải thuyết phục chủ lò mổ rất nhiều, thực ra họ không muốn bán đâu, mà năn nỉ dữ lắm, dụ là nếu họ bán từ từ thì lâu, còn bán cho mình một lần hết bầy luôn, khỏi cực.
Lúc đó mang về 60 bé, mình chưa hình dung được gì, cũng không có chuẩn bị trước, nghĩ là nuôi hai mấy con thì có thêm cũng vậy. Trước ở đây chỉ có hàng rào xung quanh đất thôi, các bé lạ chỗ nên chạy loạn lên, mình phải làm hàng rào, tôn lợp xung quanh. Chuồng trước nhỏ nhỏ, sau phải làm chuồng lớn vì phát sinh thêm.
Cứ vậy, không biết duyên số sao mà giờ mình nuôi hơn 300 bé rồi. Ba mẹ phản đối dữ dội vì mình đang còn trẻ, còn công việc; nhưng lỡ đem tụi nó về thì đâu giao cho người khác được hay trả lại đâu, mình cố thôi. Mà bị la riết thì mình không về nhà nữa, làm lì luôn, ba mẹ la chán thì cũng thôi à!”.
Mỗi tháng tốn 60 triệu tiền nuôi chó
Hiện tại, buổi tối Phương không về nhà với gia đình mà ngủ luôn ở trong “mái ấm”. Chị tự tin mình ở đây rất an toàn, phần vì khu đất heo hút này ở xa trung tâm, xa đường lộ, lối vào vắng vẻ, khó đi nên không ai dám vô; phần vì “tụi nhỏ đông dữ lắm”, lại bảo vệ cô chủ rất gắt gao.
Tối tối, những người bạn 4 chân của Phương sẽ được trải giường, đắp chăn cho ngủ, còn Phương giăng võng ở ngay cạnh. Vì chăm sóc bầy chó từ chiều đến đêm, sáng hôm sau mới có người thay ca, Phương thật thà thừa nhận: “Ẵm tụi nó nhiều, nấu cơm, cho ăn nữa, nên đồ đạc mặc trên người không sạch được”.
Phương làm nghề chăm sóc sắc đẹp, nên ban ngày, có người gọi thì đi, đến chiều lại về với bầy chó. Chị từng kết hôn nhưng đã “nghỉ chơi” mười mấy năm rồi. Con gái của Phương sống ở nhà ông bà ngoại.
Còn về phần mình, Phương không có nhiều thời gian giao tiếp với người ngoài, cũng không có ý định hẹn hò, chủ yếu dành thời gian chăm sóc “các bé” 4 chân.
“Chưa bao giờ mình có một giấc ngủ đàng hoàng, nhiều khi chỉ cần 1 tiếng động nhỏ là coi như suốt đêm đó mình không chợp mắt được. Nhiều khi cực quá, mình chỉ ước tụi nhỏ biết tự dọn dẹp chỗ ngủ (cười)”, Phương hóm hỉnh nói.
Làm được bao nhiêu tiền, Phương đắp đổi nuôi bầy chó cả. Nhưng cũng có khi thiếu, cô lên Facebook xin quyên góp, bạn bè cũng mỗi người mỗi tay hỗ trợ chút đỉnh. Chi phí nuôi bầy chó hiện tại của Phương là khoảng 60 triệu/tháng, tiền thuê người chăm phụ là 11 triệu đồng, còn lại là tiền ăn và thuốc men.
Bầy chó được cho ăn 1 ngày 2 bữa, ăn sáng bằng thức ăn khô, hạt dành cho chó, chiều Phương nấu cơm. Mỗi ngày tính ra hết khoảng 50kg gạo, 30 - 40kg rau xanh, hoặc 40 - 50kg củ quả (như bí, su su, củ cải…), 6kg thịt. Những con ốm bệnh nặng, yếu sức hoặc chó nhỏ sẽ được bồi dưỡng bằng cháo thịt gà, cháo xương…
Rau củ phục vụ cho bầy chó ăn mỗi ngày lên đến hàng chục ký
Tiền thuốc men, khám bệnh cho bầy chó cũng tốn chi phí lớn. Tất cả chó do Phương nuôi đều được triệt sản để tránh việc đàn bị mở rộng. Chúng cũng được tiêm ngừa, khám chữa bệnh. “Một số bệnh viện thú y lớn, phòng khám biết mình nuôi mấy bé vất vả nên cũng cho nợ, trả dần viện phí, cũng khó khi kẹt quá, mình phải hô lên nhờ cộng đồng mạng giúp đỡ thêm.
Mình cố gắng nuôi các bé tốt nhất có thể, chăm sóc cẩn thận để cho chúng cơ hội sống cuộc đời thứ hai. Cũng có người ngỏ ý muốn cho mình mấy bé họ đang nuôi mà già, bệnh hoặc họ chán, mình cũng phải nói rõ là không nhận. Mình hy vọng ai đã nuôi các bé thì yêu thương, chăm sóc các bé, không bỏ rơi chúng, tội nghiệp lắm!”.
Tuy vất vả, Phương vẫn thấy hạnh phúc
(Ảnh: Nhi Nguyễn, Độc lạ Bình Dương)