"Con cái là lộc trời cho", nhưng nhiều người chờ mãi, chờ hoài chẳng thấy lộc rơi trúng đầu. Nhiều cặp vợ chồng vì thế mà cuộc hôn nhân phải đi đến đường cùng. Nhưng không phải ai cũng dễ dàng từ bỏ như vậy! Một vài cặp đôi mà tôi biết, họ vẫn cố gắng từng ngày, bỏ ngoài tai những lời nói chẳng mấy dễ nghe của họ hàng, thậm chí là cha mẹ đôi bên, để đi đến kết cục viên mãn hơn.
Hiếm muộn hơn 2 năm, vợ chồng chị Ngọc Yến (27 tuổi, Phú Thọ) có cuộc sống chẳng dễ dàng gì. Áp lực không phải từ chồng, mà từ gia đình chồng nên càng khó sống. Nhiều suy nghĩ tiêu cực cứ kéo dài mãi, thậm chí đã có lúc chị nghĩ: "Thà ban đầu tìm người không cần có con mà cưới. Cuộc đời thì quá ngắn ngủi, mà suốt ngày phải sống trong lo sợ và tủi hờn như vậy, thật quá phí một kiếp người!". Mạnh miệng là vậy, nhưng vợ chồng Ngọc Yến vẫn không từ bỏ hy vọng được làm cha mẹ.
Và chắc chắn, quả ngọt cũng sẽ đến với những người luôn biết cố gắng!
Bị nói "vô phúc" khi không có con
25 tuổi mới kết hôn đã bị kêu là già, nhưng đến 27 tuổi vẫn chưa có con, người ta lại dùng từ ngữ quá khó nghe để miêu tả. Hành trình có được đứa con đầu lòng của Ngọc Yến, ắt hẳn sẽ chạm đến cảm xúc của rất nhiều người có chung hoàn cảnh:
"Gia đình hai bên đều không có điều kiện khá giả gì. Biết được tin khó có con, cũng không có tiền để chạy chữa được ngay. Bác sĩ không gọi đây là bệnh, nhưng họ hàng thân thích lúc nào cũng gán cho mình cái mác "vô phúc". Những lời nói nghiệt ngã đó, mình nghe rồi để đó, chẳng phản bác lại gì. Vì hiện thực luôn phũ phàng như vậy. Có giải thích thế nào, thì lỗi lầm vẫn đổ lên đầu người phụ nữ", Yến thủ thỉ.
Không sinh được con là chuyện áp lực nhất của những người phụ nữ. (Ảnh minh họa Pinterest)
Thậm chí có khoảng thời gian, gia đình chồng của Yến quá nóng ruột. Mẹ chồng cô cũng tìm đủ các phương pháp dân gian, thăm khám đủ các thầy thuốc bắc để có hi vọng. Hơn 1 năm trời không khả quan, không khí trong nhà chồng bắt đầu thay đổi.
"Trước đây mẹ nhiệt tình thế nào, thì bây giờ lại lạnh nhạt không tưởng. Bữa cơm trong nhà dần trở nên gượng gạo. Có hôm rớt nước mắt vì tủi thân. May thay, tụi mình đều đi làm xa, không cần thường xuyên đối mặt với gia đình. Trong mỗi cuộc gọi, vẫn có lời than vãn. Biết ông bà muốn bồng cháu, nhưng khi đó vợ chồng mình vẫn chưa tích đủ tiền để chạy chữa. Áp lực cuộc sống, công việc chưa đủ, giờ đến áp lực con cái nữa. Mọi thứ cứ bế tắc tại đó, cảm tưởng như mình bị quật ngã bởi cuộc đời này vậy!", cô nhớ lại.
Sau khoảng 1 năm không có tiến triển gì, Ngọc Yến và chồng quyết định can thiệp sinh học. Số tiền lấy từ việc bán bớt mảnh đất mà chồng Yến tích góp trước đó. Chênh lệch lúc mua và bán, lời khoảng 600 triệu. "Bán miếng đất này quả thực rất tiếc. Nhưng mình đã có tuổi, bác sĩ cũng tư vấn làm càng sớm càng tốt. Tốn tiền mà có được con, cũng đáng!", Yến nói.
Đánh đổi bao nhiêu cũng xứng đáng
Nhiều người quan niệm, con cái chỉ là sự lựa chọn, không phải nghĩa vụ bắt buộc phải thực hiện. Nhưng với một số người, con cái như một niềm tin, lẽ sống và là hạnh phúc thiêng liêng nhất họ từng cảm nhận. Họ hi sinh sức khỏe, thời gian, tiền bạc... chỉ để đổi lấy cơ hội được làm mẹ. Ngọc Yến đã làm như vậy!
Để có con, Yến đã phải đánh đổi luôn cả công việc với mức thu nhập hơn 30 triệu/tháng để có thời gian dồn toàn tâm toàn lực cho việc có con. Hỏi mình có nuối tiếc điều gì không? "Mình chỉ hối tiếc vì không làm điều này sớm hơn", Yến đáp không cần suy nghĩ.
Làm mẹ là điều tuyệt vời nhất! (Ảnh minh họa Pinterest)
Yến kể về hành trình kiếm con của mình: "Thời điểm đi khám, mình bị chuẩn đoán mắc hội chứng đa nang, bị nhiều trứng nhưng nhỏ và khó thụ thai. Thêm nữa, chồng mình cũng gặp một số vấn đề khác về sức khỏe. Khả năng có con theo phương pháp tự nhiên gần như bằng không. Biết được tin này, cả hai vợ chồng đều sốc. Nhưng cũng vì vậy mà hiểu và thông cảm cho nhau hơn.
Trước đây, mình từng có dấu hiệu mỗi khi đến chu kỳ phụ nữ, người cực kỳ khó chịu, thiếu máu và đau dữ dội. Có những lần kéo dài gần 2 tuần. Do suy nghĩ chủ quan, nên mình mặc định đấy là triệu chứng mà phụ nữ ai cũng sẽ gặp. Sau này lúc đi khám tiền sinh sản, mình mới vỡ lẽ. Vậy nên, nếu có dấu hiệu bất thường, mình khuyên chị em phụ nữ hãy đi khám ngay. Đừng để gặp phải tình trạng như mình.
Lúc bắt đầu quá trình kiếm con, vợ chồng mình động viên nhau nhất định phải vượt qua được. Khoảng 3 tháng trước khi tiêm kích trứng cho một số trứng nhỏ vỡ ra, chỉ để lại một số lượng trứng nhất định có không gian để phát triển. Bác sĩ tư vấn mình cần bổ sung một số chất để bổ trứng. Quan tâm hơn đến những loại thực phẩm nạp vào cơ thể, như: bơ, đậu, mè, hàu và các loại cải xanh... Đặc biệt nhất, là phải giữ cho tinh thần thoải mái. Khi chất lượng trứng ổn hơn rồi, thì mới bắt đầu quá trình lấy trứng để cấy thai.
Tụi mình lựa chọn phương pháp thụ tinh ống nghiệm (IVF). Vì cả 2 đều có vấn đề về sức khỏe sinh sản, nên phải chuyển phôi đến 2 lần. Quá trình cấy trứng, chuyển phôi và chờ đợi kéo dài 4 tháng. Lần đầu chuyển phôi bị hỏng, do bị lệch cửa sổ làm tổ. Đến lần 2 thì may mắn hơn, cuối cùng cũng đậu thai sau 2 tuần chuyển phôi. Tổng chi phí hết hơn 180 triệu đồng".
Cảm giác có được một sinh linh bé nhỏ trong người mình, thật sự quá thiêng liêng. Mọi đau đớn trước đó đều cảm thấy xứng đáng. Sau khi sinh con, Yến không thể trở lại công việc cũ, cũng phải dành thời gian cho gia đình, ưu tiên chồng và con nhưng cô hài lòng với cuộc sống hiện tại.
Có hạnh phúc nào mà không phải đánh đổi?
Chuyện sinh con vốn dĩ không đơn giản. Không phải thích sinh là sinh, không thích thì thôi. Khả năng tài chính, sức khỏe, tâm lý ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng và quyết định của mỗi người. Nhưng vẫn có những người phụ nữ, họ ao ước và sẵn lòng hi sinh tất cả để có một đứa con. Người mẹ như vậy, nhất định sẽ cho ra đời những đứa trẻ thật ngoan!