''Bí quyết sinh tồn'' với công việc freelancer suốt 25 năm

Xu hướng làm việc tự do đang được nhiều người yêu thích và lựa chọn. Nhưng có phải ai cũng có thể trở thành freelancer không?

"Tôi không phù hợp với công việc văn phòng và cũng gặp khó khăn trong việc kết giao, tôi có nên trở thành một freelancer không?".

Đó là câu hỏi của nhiều bạn trẻ đang ấp ủ giấc mơ làm việc tự do. Không còn phải lo lắng về “bão sa thải” hay sự ngột ngạt, thiếu tự do khi làm công việc văn phòng, freelancer đang là nghề nghiệp mong muốn mà nhiều bạn trẻ hướng đến. Nhưng liệu bạn có đủ tố chất và phù hợp với công việc này?

Tác giả Shin Ye-hee, người đã làm việc với tư cách là một họa sĩ truyện tranh tự do trong hơn 25 năm, đã chia sẻ “bí quyết sinh tồn” của cô và để lại lời khuyên thực tế cho những ai đang mơ ước trở thành freelancer.

Cần nhiều sự nỗ lực hơn làm công sở

Tác giả Shin đã gây dựng tên tuổi của mình với tư cách là một họa sĩ truyện tranh bằng cách đăng tải bộ “Truyện tranh cuộc sống” mô tả cuộc sống hàng ngày của chính cô lên trang web trực tuyến “Freechal”. Sau đó, cô đã hợp tác với nhiều công ty và tổ chức lớn, bao gồm Samsung, LG, Amorepacific, Korean Air, Asiana, Viện Ngôn ngữ Quốc gia Hàn Quốc, Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc và Bảo tàng Dân gian Quốc gia Hàn Quốc.

Bí quyết sinh tồn với công việc freelancer suốt 25 năm - Ảnh 1.

Tác giả Shin Ye-hee

Shin cho biết: "Mọi người xung quanh tôi đã hỏi rằng: Làm thế nào mà bạn có thể làm việc cho nhiều công ty lớn với tư cách freelancer trong thời gian dài như thế?

Tôi nói: Thật dễ dàng để nhận công việc đầu tiên. Việc bạn nhận được công việc đầu tiên, hoàn thành tốt và nhận được tiền lương là điều bình thường. Tuy nhiên, tôi không nghĩ điều này có nghĩa là công ty đã thiết lập mối quan hệ công việc với bạn".

Tác giả Shin nhấn mạnh: “Mối quan hệ thực sự là khi công ty giao cho tôi công việc thứ hai. Có nghĩa là lần trước tôi đã làm việc rất tốt nên công ty lại tìm tôi để hợp tác đúng chứ? Để có được điều này, tôi phải nỗ lực rất nhiều cho công ty.

Tôi đã nghe những câu như thế này rất nhiều từ mọi người xung quanh: ‘Ồ, tôi không giỏi việc tổ chức cuộc sống và tôi cũng không thích gặp gỡ mọi người, nên tôi muốn trở thành một freelancer’. Những lúc như thế, tôi luôn khuyên họ hãy suy nghĩ lại”.

“Thực tế có rất nhiều thứ mà bạn phải từ bỏ và hy sinh. Bạn cũng phải tuân thủ cam kết về thời gian sít sao, và bạn phải có trạng thái tốt nhất, sẵn sàng phản hồi mỗi khi công ty liên lạc. ‘Tôi thật sự thích thú và hạnh phúc khi làm việc với công ty này’, bạn cần truyền tải điều này cho họ thấy”, Shin cho biết.

Đừng trông chờ vào một công việc thú vị

Đồng thời, họa sĩ Shin cho rằng công việc freelancer không hoàn toàn là “màu hồng” khi thỉnh thoảng bạn vẫn sẽ cảm thấy chán nản và muốn bỏ cuộc.

“Để làm một công việc thú vị là gần như không thể. Nếu bạn trông chờ một công việc thú vị, nó sẽ không đến. Bù lại, hãy chủ động thay đổi góc nhìn, sẽ dễ dàng và hiệu quả hơn nếu bạn làm cho công việc trông có vẻ thú vị”, Shin giải thích.

Bí quyết sinh tồn với công việc freelancer suốt 25 năm - Ảnh 2.

Ảnh minh họa (Nguồn: Newsis)

“Giao tiếp với đối tác là điều quan trọng để mọi thứ diễn ra suôn sẻ. Thay vì chán nản, tôi cố gắng duy trì trạng thái tốt một cách có ý thức”.

Về bí quyết để làm việc tốt trong một tập thể, Shin nói: “Cho dù bạn làm việc tự do hay là nhân viên chính thức, tôi nghĩ bạn cần có sự thông cảm đối với đối phương. Trên thực tế, quyền hạn của các nhà quản lý cấp trung như trưởng phòng, phó phòng, giám đốc… là có giới hạn. Họ cũng cần phải báo cáo công việc với cấp trên. Nếu có sai sót, họ cũng sẽ bị cấp trên mắng rất nhiều nên sẽ muốn giải quyết mọi chuyện trong êm đẹp, dĩ hòa vi quý.

Bạn có thể cho rằng lối suy nghĩ ‘tốt là tốt’ là một kiểu tư duy lỗi thời. Tuy nhiên, tôi cho rằng, để làm việc thật hiệu quả thì điều quan trọng là phải đảm bảo không có bất kỳ lời phàn nàn nào. Tôi nghĩ điều đó rất có giá trị nếu bạn làm việc tròn trịa và không quá gai góc trong tổ chức”.