Lâm Thị Mỹ Tiên (25 tuổi) hiện đang sống và làm nghề nông tại xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên (tỉnh Bình Dương). Cô gái trẻ từng là du học sinh tại Hà Lan và có một công việc ổn định tại SkyTeam Airline Alliance, một trong 3 liên minh hàng không lớn nhất thế giới cùng với OneWorld và Star Alliance. Tuy nhiên vào cuối năm 2019, Tiên quyết định từ bỏ cơ hội nghề nghiệp với mức thu nhập cao tại châu u để quay về Việt Nam gắn bó với nghề nông.
Chia sẻ về lý do quay về, Tiên cho biết, hơn 3 năm du học tại Hà Lan, cô có cơ hội được đi du lịch nhiều quốc gia như: Pháp, Ý, Đức, Na Uy… và đặc biệt bị thu hút bởi thành tựu về nền nông nghiệp của họ. Cụ thể, trong chuyến du lịch tại Amalfi (Ý), Tiên đã bị ấn tượng bởi những trái chanh vàng. Cô chia sẻ trước đây bán đảo này không có gì nổi bật, nhưng từ khi họ biết tận dụng loại quả này để làm du lịch thì nơi này thành vùng đất triệu đô. Thế nên, cô cũng mong muốn làm được điều này cho vùng đất Hiếu Liêm của mình.
Nhìn lại thực tế tại khu vườn của gia đình, Tiên thường được nghe kể về những câu chuyện khó khăn trong kinh doanh như được mùa mất giá, thương lái ép giá, trái cây sau khi thu hoạch bảo quản không được lâu… Đam mê về nông nghiệp cộng với những khó khăn hiện có của gia đình đã thôi thúc cô gái trẻ trở về nước và kế nghiệp.
Quyết định này của cô khiến nhiều người bất ngờ. Họ hoài nghi rằng do Tiên không đủ năng lực để tìm kiếm cơ hội làm việc ở trời u nên mới về nước. Nhưng Tiên không giải thích mà chứng minh bằng hành động. Cô gái bỏ ra 2 năm ở vườn để hiểu về nghề và tìm ra những khó khăn mà vườn mình đang gặp phải. “Tôi mang tinh thần học hỏi và kết nối với chính mảnh vườn của mình để tìm ra nguồn gốc của vấn đề để tìm ra hướng giải quyết”, Tiên bộc bạch.
Trong khoảng thời gian trực tiếp trồng và bán cam quýt, Tiên nhận ra 2 vấn đề lớn dẫn đến việc luôn bị ép giá không đạt được lợi nhuận tối đa. Một trong hai vấn đề hiện do nông sản tại Hiếu Liêm mình chỉ dừng lại ở mức bán tươi, chưa có sản phẩm chế biến sau thu hoạch. Thế nên, với những kinh nghiệm cô đã thu gom được trong quá trình học hỏi tại những quốc gia khác, Tiên lựa chọn giải pháp sẽ chế biến cam quýt thành những sản phẩm khác mang lại nhiều giá trị và thời gian bảo quản lâu hơn.
Được biết, nghề trồng cam, quýt có từ đời ông nội của cô, Tiên là đời thứ ba tiếp tục theo nghề. “Cái nghề này do ông bà nội tôi gầy dựng. Chính nó đã nuôi sống gia đình và mở ra cơ hội giúp cô được đi du học, nhưng hiện nay cam quýt mất giá, dẫn đến việc nhiều nhà vườn từ bỏ nó. Tôi cũng muốn quay về để tìm cách giữ được sản nghiệp của gia đình”, cô gái trẻ trăn trở.
Ngoài ra, mỗi khi làm việc tại vườn cô nàng còn thường xuyên quay lại những video về khu vườn và chia sẻ kinh nghiệm mình học hỏi được để đăng lên trang trang cá nhân. Cô gái trẻ tâm sự: “Tôi không mong chờ mình sẽ giúp cam, quýt tăng giá trở lại, nhưng tôi tin với việc truyền thông chia sẻ kiến thức và câu chuyện làm nông có thể sẽ giúp cam, quýt Hiếu Liêm đến gần hơn với người tiêu dùng trong nước”. Tiên bộc bạch, hiện tại kênh của cô kén người xem và theo dõi rất ít nhưng họ đều là những người cảm thấy quan tâm thực thụ kiến thức, kinh nghiệm mà cô chia sẻ.
Sau 4 năm về vườn, giữa năm 2022, Mỹ Tiên đã tự thành lập thương hiệu C Farm của riêng mình. Trong năm vừa qua, với 10 ha vườn cam, quýt thí điểm cô nông dân trẻ thu về 3-4 tỷ đồng. Trong tương lai, Tiên còn dự định sẽ xây dựng mô hình kinh doanh theo giải pháp chế biến cam, quýt thay vì bán sản phẩm tươi cho thương lái.
Bạn bè của Tiên bây giờ là những cô, chú nông dân. Sống tại vườn, cô bạn trẻ mới thật sự hiểu được những vất vả mà nông dân họ phải trải qua để tạo ra những trái ngọt cho người tiêu dùng. Hiểu được điều ấy, Tiên càng thêm tin vào con đường mà cô chọn, bởi cô biết nó thứ cô đang bảo vệ không chỉ là sản nghiệp của gia đình mà còn là cuộc sống mưu sinh hàng chục người đang làm việc tại vườn nhà cô.
Hiện Mỹ Tiên cảm thấy biết ơn công việc và những tháng ngày bình yên, hạnh phúc bên gia đình tại làng quê được cô bạn đùa vui là “cái chốn chẳng ai biết đến”. “Việc từ bỏ cơ hội công việc ở trời Tây quay về làm nông dân là điều không hề dễ dàng với tôi. Tuy còn nhiều cơ hội để quay lại Hà Lan thế nhưng tôi nghĩ mình gắn bó với nghề này rồi. Tôi ý thức được nhiệm vụ của mình là chia sẻ, học hỏi để giúp nông sản Việt ngày càng khẳng định được vị thế của mình”, Tiên bày tỏ.