“Hãy nói thẳng với tất cả nhân sự chúng ta rằng khó khăn các bạn đều biết, hiện nay không phải lúc đòi hỏi tôi 'Sao chưa tăng lương', hay 'Chị ơi, anh ơi, sắp đến Tết rồi, có thưởng hay không?'. Bây giờ là lúc trả lời câu hỏi 'Chúng ta có tồn tại hay không?’
Chúng ta không tồn tại qua Tết này thì đừng nói lương thưởng, ngay cả chỗ làm của các anh chị ngày hôm nay chưa chắc đã còn. Bất kỳ doanh nghiệp lớn hay nhỏ giờ đều cần siết chặt đội ngũ, đoàn kết lại, tiết kiệm tất cả các khoản chi phí, làm sao giữ được tiền mặt trong tay, làm sao giữ được từng khách hàng cũ… để duy trì hoạt động của mình”, trích chia sẻ của sếp Hoàng Nam Tiến (Phó Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học FPT) trong một sự kiện gần đây.
Ông Hoàng Nam Tiến - Phó Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học FPT.
Trên cương vị của những người quản lý doanh nghiệp hiện nay, tiên quyết phải duy trì được sự sống còn của doanh nghiệp, thì chia sẻ của vị CEO hoàn toàn có lý.
Tuy nhiên, tuyên bố: Hiện nay không phải lúc đòi hỏi “Sao chưa tăng lương', hay “Chị ơi, anh ơi, sắp đến Tết rồi, có thưởng hay không?” của sếp Tiến khi chỉ còn vài tháng nữa là hết năm 2023 khiến dân đi làm thuê xôn xao.
Hơn ai hết, họ là những người đã cố gắng đồng hành cùng doanh nghiệp trong một năm đầy khó khăn, những người dù muốn nhảy việc nhưng vẫn kiên trì ở lại, đều đang mong chờ lương thưởng cuối năm. Đến lúc này yêu cầu họ không đặt vấn đề về lương thưởng liệu có vô lý?
“Nếu không thể lo được cho chính mình, làm sao có thể nghĩ đến công ty?”
Khi nghe chia sẻ của sếp Hoàng Nam Tiến, Phan Đức (27 tuổi, nhân viên nội dung tại TP.HCM) có ý kiến rằng: “Là một nhân viên trong thời đại kinh tế đang có quá nhiều biến động, mình biết rõ vấn đề mà nhiều công ty mắc phải. Sa thải nhân sự hàng loạt, giảm lương, cắt phụ cấp... những chuyện cần làm thì công ty cũng đã làm rồi.
Biết là nhân viên phải cảm thông với những khó khăn của công ty, nhưng chuyện gì cũng phải có giới hạn của nó. Mình nghĩ rằng việc hỏi han, hoặc thậm chí là yêu cầu thưởng Tết là chuyện hết sức bình thường đối với một nhân viên. Còn nếu như các sếp bắt mình phải suy nghĩ như họ thì mình không làm được, vì suy cho cùng mình cũng chỉ làm công ăn lương.”
Thanh Ngân (25 tuổi, nhân viên văn phòng cho công ty tư vấn du học ở TP.HCM) cũng đồng tình nói rằng: “Sếp không muốn nhân viên đòi hỏi thưởng Tết là vì sếp lo lắng cho doanh nghiệp. Đương nhiên, nhân viên chúng mình cũng có mối lo riêng trước mắt như nhà thuê, ăn uống, trợ cấp cho gia đình… Nếu mình không thể lo được cho chính mình, làm sao mình có thể nghĩ đến công ty.”
Thanh Ngân nêu quan điểm rằng ai cũng phải nghĩ cho bản thân mình trước tiên.
Bỏ việc vì nghe chỉ được nhận… quà Tết
Phan Đức nói thêm, bạn hiểu câu của CEO Hoàng Nam Tiến: "Qua Tết này chưa chắc chúng ta còn tồn tại hay không" có nghĩa là sếp đang nhắc nhở nhân viên nên trân trọng những gì mình có chứ không nên đòi hỏi, còn có việc làm là may lắm rồi.
Tuy nhiên: “Mình biết hiện tại tìm việc mới rất khó khăn, nhưng sếp nói như vậy chẳng phải là phủ nhận hết mọi con đường sống hay sao? Mình tin là cơ hội làm việc cho sếp không phải là con đường duy nhất để mình tồn tại.”
Bạn Hoài Lâm (26 tuổi, vừa nghỉ việc văn phòng) kể rằng vì thấy thị trường đang đóng băng tuyển dụng, bạn quyết định cố nán lại công ty làm hòng nhận lương ổn định và đợi thưởng tháng 13. Tuy nhiên, sau nhiều tháng công ty cắt mất lương hiệu suất, mới nhất thông báo sẽ có quà Tết chứ không có lương tháng 13, bạn đã quyết định nghỉ việc.
“Hiện tại, mình đã về quê nhận việc freelance, đồng thời mở lớp dạy kĩ năng cho các em nhỏ. Chưa biết đây là quyết định đúng hay sai, và năm sau mình có phải vào lại TP.HCM để tiếp tục làm văn phòng hay không, nhưng mình nghĩ nếu công ty không thể đáp ứng nhu cầu thu nhập của mình thì ở lại cũng chịu cảnh khó khăn tài chính chẳng khác gì nghỉ việc. Mình không được đòi hỏi thì mình sẽ lựa chọn.”
Anh Hoài Lâm cho rằng nếu không được làm văn phòng thì vẫn còn nhiều cơ hội làm việc khác.
Liệu các sếp có đang “quay xe"?
Nhiều dân văn phòng cho rằng việc đòi tiền thưởng là một quyền lợi nếu xứng đáng. Họ lặp đi lặp lại rằng vấn đề lương thưởng, cụ thể là tháng lương tháng 13 nếu đã được công ty nhắc đến khi phỏng vấn tuyển dụng, đây là thoả thuận giữa công ty với nhân viên. Vì vậy việc nhắc cho sếp nhớ quyền lợi của mình để được thực hiện thì tại sao “không phải lúc"?
“Ứng viên cũng vì lương thưởng phù hợp mới gật đầu vào làm, làm ròng rã đến cuối năm bảo không nên đòi hỏi lương thưởng chẳng khác nào công ty đang ‘quay xe’ với chúng mình?” - Thanh Ngân bày tỏ quan điểm.
“Sếp ở công ty của mình chưa đề cập đến vấn đề thưởng Tết năm nay sẽ khoảng bao nhiêu, tuy nhiên chúng mình đều hy vọng không đến mức thấp, chứ chưa hề nghĩ là sẽ không có thưởng. Nhân viên cũng đóng vai trò quyết định ‘sống còn’ của công ty chứ không chỉ công ty quyết định ‘sống còn’ của nhân viên. Vì vậy nếu sếp không cho phép đặt vấn đề về lương thưởng có nghĩa là sếp đang phủi bỏ công sức của chúng mình…” - Chị An Nguyễn (28 tuổi, biên tập video tại công ty truyền thông ở TP.HCM).