Nhân sự thông thường dù có muốn nhảy việc ở giai đoạn nào đi nữa, đều cố nán lại làm việc qua mùa cuối năm để nhận trọn khoản thưởng Tết Âm lịch rồi mới nộp đơn nghỉ việc. Tức là, sau một kì nghỉ Tết, thường rơi vào khoảng tháng 2, tháng 3 hàng năm, đây là giai đoạn ồ ạt nhân sự chọn cho mình lối đi khác, rời bỏ công ty cũ vì những phù hợp không thể đổi dời, vì muốn có một khởi đầu mới cho một năm mới khởi sắc hơn.
Tuy nhiên, thị trường lao động tại Việt Nam hiện nay đang diễn ra nhiều cơn sa thải khiến nhân sự nhát chân hơn. Thế nên không chỉ nhìn vào thời điểm, nhân sự còn phải cân nhắc kĩ lưỡng tình hình tuyển dụng của các doanh nghiệp, tình hình kinh tế chung của thị trường, để có những quyết định thận trọng, đúng đắn.
Tại sao dân văn phòng ấn định đây là thời cơ tốt?
Sau Tết cũng là mùa tuyển dụng, nhiều nhân sự thực chất đã ra quyết định từ trước Tết và phải tiếp tục làm việc thêm 1 tháng theo quy định, thế nên sau Tết bộ phận nhân sự thông báo tuyển dụng ngay để tìm thêm nhân sự mới thay thế kịp thời. Thấy nhiều cơ hội việc làm tốt xuất hiện, tất nhiên cũng thúc đẩy dân văn phòng ra quyết định nhanh hơn, dạn dĩ nhảy việc hơn.
Chị Vy Hồ chia sẻ: "Mình làm việc ở một công ty nhỏ, vẫn biết là phúc lợi sẽ không đủ đầy như các công ty lớn, thế nhưng không có khoản thưởng cuối năm làm mình khá hụt hẫng và quyết định tìm một nơi làm việc mới tốt hơn. Cả năm cố gắng làm việc, hoàn thành tốt mọi thứ được giao, nhưng thưởng chỉ rơi xuống các bậc leader, sau Tết cũng không có khoản 'lì xì' để bù lại. So với mặt bằng chung bạn bè, mức lương đã không cao, đến thưởng Tết mà còn không có thì công ty này có thật sự tốt?"
Ảnh minh hoạ - Nguồn: pexels
Chị Thuyên An cũng có một quyết định nghỉ việc sau đợi thưởng cuối năm: "Tết mà, mình cần nhiều khoản để đón Tết, đi chơi, mừng lì xì... nên phải đợi sau Tết xong mới an tâm nghỉ việc. Vả lại cuối năm ai cũng tất bật chạy deadline, ít có vị trí trống để mình ứng tuyển nên rải CV xin việc cuối năm cũng không mấy khả thi.
Đầu năm mới, những gì chưa tốt mình muốn bỏ lại ở năm cũ, muốn để bản thân bắt đầu những trải nghiệm mới, đến một nơi mới, để học được nhiều điều hay ho hơn. Và giải pháp cho những điều này là thay đổi môi trường làm việc".
Ngoài ra, hội văn phòng hiện nay đang đề cao môi trường làm việc, các xu hướng tự do cho bản thân trong công việc cũng như quan tâm đến các giá trị khác ngoài lương. Thế nên nếu công ty chỉ đáp ứng được khoản lương mà các nhu cầu về văn hoá doanh nghiệp không đáp ứng, đồng nghiệp độc hại, quy chuẩn cũ kĩ... cũng là nguyên nhân khiến dân văn phòng chọn "một cuộc sống mới vào năm mới".
Với 2023, đầu năm chưa hẳn là thời điểm nhảy việc
Theo chị Đỗ Hồng Thoan - Trưởng phòng Tuyển dụng HBR Holdings: "Năm 2023 là thời điểm sôi động cho công cuộc quay trở lại làm việc sau thời kỳ Covid kéo dài. Nhưng hình thức làm việc 'hybrid working' vẫn đang là lựa chọn cũng như ưu thế mà doanh nghiệp đưa ra để thu hút ứng viên.
Chị Đỗ Hồng Thoan - Trưởng phòng Tuyển dụng HBR Holdings
Bên cạnh đó thì cũng không ít bài báo đưa tin về việc giảm lương, cắt giảm nhân sự số lượng lớn ở các khu công nghiệp, hay các công ty công nghệ lớn... Trên rất nhiều diễn đàn nhân sự các chuyên gia đưa ra nhận định rằng 2023 sẽ là một năm mà người lao động cần phải thích ứng linh hoạt với sự thay đổi của thị trường chính vì sự cạnh tranh sẽ gay gắt hơn khi tỉ lệ cắt giảm nhân sự tăng cao. Điều này cũng ảnh hưởng khá nhiều đến quyết định nhảy việc ở thời điểm hiện tại".
Chị Nguyệt Quang - CEO của công ty Giải pháp nhân sự EmOi cũng đưa ra nhận định: "Năm 2023 khá đặc biệt vì tình trạng nhảy việc giảm rất nhiều, từ dân công sở đến người đi làm trong các xí nghiệp nhà máy, thậm chí cấp độ lao động phổ thông như giúp việc, lái xe cũng hầu như đều quay lại với nơi làm việc cũ. Có thể thấy tin đăng tuyển cũng như tin tìm việc giảm nhiều so với các năm trước.
Các doanh nghiệp nếu không liên quan các biến động kinh tế gần đây hoặc không phải chịu ảnh hưởng của thị trường bất động sản, thì cũng đang rất cẩn thận trong việc tuyển dụng thêm nhân sự. Nhưng đồng thời họ cũng không cắt giảm nhiều, và tìm cách tối ưu hoá lực lượng lao động hiện có".
Theo khảo sát Báo cáo lương năm 2023 của Navigos Group với trên 4.100 đáp viên cấp bậc công việc quản lý bộ phận và đã có kinh nghiệm làm việc, đứng trước biến động kinh tế đang tiềm ẩn nhiều thách thức hiện nay, bên cạnh các kỳ vọng về lương, thưởng và phúc lợi nếu nhảy việc, người lao động cũng có mong muốn về sự an toàn nghề nghiệp, đặt thêm nhiều kỳ vọng khác vào doanh nghiệp ở hiện tại thay vì nhảy việc.
Gần một nửa số lượng người lao động tham gia khảo sát (chiếm tỷ lệ là 44.28%) chưa có ý định thay đổi công việc mới trừ khi tìm thấy cơ hội mới tốt hơn. Lựa chọn ở lại làm việc "càng lâu càng tốt" đứng vị trí thứ 2 với tỷ lệ là 16.25%. Đặc biệt, muốn gắn bó với công việc từ "1 - 2 năm" đứng cuối danh sách với tỷ lệ là 6.75%. Lý giải điều này, tâm lý muốn chắc chắn và an toàn đang có nhiều ảnh hưởng đến người lao động, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều biến chuyển như hiện tại.
Ảnh: Khảo sát lương năm 2023 của Navigos Group
Chuẩn bị kĩ trước khi ra quyết định
Trước tình hình thị trường kinh doanh hiện tại, Nguyệt Quang chia sẻ thêm: "Nếu muốn nhảy việc ở giai đoạn nhạy cảm như lúc này, cần nhất là tìm hiểu kĩ mong muốn của bản thân, chuẩn bị tài chính tốt để có thể lo cho bản thân và gia đình trong thời gian tìm việc. Nếu đã nhận được lời mời thì cũng phải tìm hiểu rõ nơi chuẩn bị chuyển đến về khả năng ổn định trong giai đoạn kinh tế khó khăn trước mắt".
Theo chị Đỗ Hồng Thoan, cần có lưu ý và khảo sát như sau nếu muốn nhảy việc:
"Không chỉ dân văn phòng mà mình nghĩ đối tượng lao động nào cũng nên đặt lên bàn cân để tìm ra ưu tiên và tập trung của mình ở năm 2023, khi mà hàng ngày chúng ta nghe đến các cụm từ như cắt giảm nhân sự, sa thải hàng loạt, suy thoái kinh tế hay AI... Vì vậy cần có sự cân đối về tiền bạc để không chịu áp lực tài chính trong giải đoạn nhảy việc.
Bên cạnh đó cũng nên thăm dò các cơ hội và tìm hiểu thật kỹ ngành nghề mà bạn hướng tới. Mở rộng tối đa network để tìm kiếm cơ hội việc làm mới.
Xác định xem công việc sắp tới mình có cần thêm kỹ năng mới nào không thì hãy ngay lập tức phân bổ thời gian để học tập kỹ năng mới đó.
Cuối cùng thì nên để lại ấn tượng tốt đẹp ở doanh nghiệp cũ trước khi nghỉ việc. Mọi người luôn truyền tai nhau các bí quyết làm sao để ứng tuyển thành công nhưng lại ít ai chỉ cho bạn rằng mình nên nghỉ việc một cách văn minh như thế nào. Mạnh lưới nhân sự giữa các doanh nghiệp rất rộng lớn vì vậy rất có thể những hành động không tích cực của bạn ở công ty cũ sẽ đến tai HR của công ty bạn muốn ứng tuyển".
Ảnh minh hoạ - Nguồn: pexels