Nếu như công việc văn phòng, bàn giấy được nhiều bạn trẻ ưu tiên lựa chọn vì quan niệm “an nhàn, ổn định” thì thị trường làm việc tự do cũng nhộn nhịp không kém. Không chỉ vậy, nhiều bạn trẻ Gen Z sau khi trải nghiệm cuộc sống của dân văn phòng, vì nhiều lý do đã lựa chọn nghỉ việc để trở thành freelancer.
“Mình đã nghỉ việc để làm việc tự do như thế nào?”, đó là lời mở đầu cho bài chia sẻ trong một group về freelancer của cậu bạn Nguyễn Đức Vũ (SN 2002). Hiện, Vũ đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội.
“Sau nhiều đắn đo, cách đây vài tháng mình đã chính thức xin nghỉ việc ở công ty để trở thành người làm việc tự do… Mình vẫn chỉ nghĩ rằng mình sẽ làm việc ở công ty và nhận thêm job ở ngoài làm khi có thời gian rảnh. Nhưng hiện tại, mình đã quyết định nghỉ làm để trở thành một freelancer full time”, cậu bạn chia sẻ thêm.
Đức Vũ
Thoát khỏi giới hạn giờ hành chính và 4 bức tường ở văn phòng
Chia sẻ cụ thể về nguyên nhân dẫn đến quyết định trên, Vũ cho rằng công việc văn phòng tuy có ổn định, nhưng vẫn giới hạn khả năng phát triển của bản thân ở một mức độ nào đó.
“Lý do mình đi tới quyết định nghỉ việc văn phòng để trở thành freelancer là vì mình cảm thấy tiến độ và khả năng phát triển của bản thân bị giới hạn lại trong một mức thời gian và không gian. Cụ thể ở đây là giờ hành chính và 4 bức tường ở văn phòng. Có thể với mọi người thì như vậy là bình thường, nhưng đối với một người bay bổng, mơ mộng như mình thì việc ngồi cùng một chỗ, làm cùng một việc trong nhiều ngày liên tục thật sự rất khó để sáng tạo và học hỏi thêm.
Mình biết đến freelancer cách đây cũng rất lâu rồi, hồi mà khái niệm “Làm việc tự do” còn mới lạ và bắt đầu nhen nhóm xuất hiện ở Việt Nam, trong các group việc làm. Khi cảm thấy mình nên thay đổi và bắt đầu một cuộc hành trình mới, mình đã chọn freelance để khám phá sâu hơn về bản thân mình.”
Ngoài ra, thu nhập “khủng” cũng là một lý do khiến nhiều bạn trẻ chọn lựa con đường freelancer. Nếu như công việc văn phòng có mức lương cố định và chỉ tăng một phần nhỏ theo từng thời gian, thì khi làm freelancer, bạn sẽ nhận được thu nhập “tỷ lệ thuận” với sức “cày” của bản thân.
“Nếu nói về tổng thu nhập freelancer có cao hơn văn phòng không? Thì mình sẽ trả lời là có. Nhưng còn tùy thuộc vào sự chăm chỉ, đánh đổi sức khỏe và thời gian của bạn. Bởi vì nếu ở văn phòng bạn làm nhiều hơn gấp 5 gấp 10 lần thì lương cũng sẽ không dao động quá nhiều. Nhưng khi làm freelancer, bạn làm gấp 5 gấp 10 thì thu nhập cũng tăng lên từng đó”, cậu bạn giải thích.
Vừa được tự do vừa đánh mất tự do
Mặt khác, những thứ mà công việc tự do mang lại cũng là một điều hết sức hấp dẫn. Vừa làm việc vừa đi du lịch, tự do lựa chọn công việc mong muốn, tự do quyết định thời gian làm việc… hẳn là những trải nghiệm mà nhiều bạn trẻ mong muốn.
“Mình được sự tự do. Đúng như tên gọi của nó, mình sẽ vừa là chủ vừa là nhân viên. Mình được tự lựa chọn công việc, tự lựa chọn cách làm việc và tự đánh giá hiệu quả của mình. Như mình đã nói ở trên, mình nghỉ văn phòng vì mình cảm thấy không thể sáng tạo khi ngồi một chỗ, ngày qua ngày để làm việc nên khi làm freelancer mình được tự do trong không gian và thời gian mình muốn. Mình có thể làm việc ở mọi nơi, kể cả khi đi du lịch, miễn là tiến độ công việc đúng như timeline mình đặt ra”, cậu bạn cho biết.
Tuy vậy, công việc nào cũng sẽ có những điều “được và mất” của riêng mình. Bên cạnh việc “được” khá nhiều thứ mà ai cũng mơ ước như đã liệt kê, thì cậu bạn cũng cho biết đã mất đi nhiều thứ khác.
Công việc freelancer đã “ngốn” kha khá thời gian có thể khiến bạn bỏ qua thời gian giải trí lẫn cơ hội gặp gỡ, giao lưu và kết bạn.
“Khi làm việc tự do, bạn cũng sẽ phải chấp nhận rằng công việc có thể kéo dài cả ngày, giống như “tăng ca” vậy, nhưng không được trả thêm lương. Việc mình tự do trong giờ giấc làm việc cũng là một thách thức đối với mình trong việc quản lý thời gian, nếu không cẩn thận sẽ có những ngày bạn ngồi rảnh cả ngày hoặc những ngày làm cả đêm chưa xong.
Do đó, mình vừa có được tự do, mình cũng vừa đánh mất nó. Hơn nữa, mình cũng mất đi sự kết nối với mọi người. Ngày nào mình cũng ngồi ở nhà làm việc, hoặc cùng lắm là ra cafe nên không có đồng nghiệp để thi thoảng tám chuyện, hỏi han nhau. Thành ra cô đơn lại trở thành một thói quen sống của mình. Mình dần dần ít gặp gỡ mọi người, ít những buổi tụ tập hơn một phần vì công việc trải dài, phần nữa vì mình đã ngại giao tiếp với xã hội hơn”.
Đối với suy nghĩ “làm việc freelancer thật ra không màu hồng, mà thậm chí còn bỏ nhiều thời gian hơn công việc văn phòng và phải có mặt bất kỳ khi nào khách hàng yêu cầu”, Vũ cũng tỏ ra khá đồng tình.
“Mình đồng ý một phần. Nếu bạn làm freelancer nhưng bạn chỉ có nhu cầu thu nhập vừa đủ để ăn uống, thi thoảng cafe vài tuần một lần thì bạn chỉ cần làm 2-3 tiếng một ngày là đã đáp ứng đủ. Nhưng nếu bạn thật sự muốn “sống” với cái nghề này thì việc làm 22h/24h, một ngày chỉ được ngủ 2h là chuyện bình thường khi công việc này chưa xong, công việc kia đã hối deadline. Ngoài ra thì việc xây dựng hình ảnh cá nhân, thương hiệu cá nhân, các mối quan hệ, uy tín, tìm job… cũng tốn rất nhiều thời gian và công sức nữa”.
Ảnh: NVCC