Câu đố Tiếng Việt: "Cá gì tên giống cây đàn?"

Bạn có đoán được câu đố thú vị này không?

Cá là loài động vật có hộp sọ, sống dưới nước, thiếu chân tay và chỉ tồn tại được trong nước. Số lượng chính xác của các loài cá trên thế giới vẫn chưa xác định vì con người tin rằng còn nhiều loài cá chưa được phát hiện. Tuy nhiên, các nhà khoa học ước tính, tổng số loài cá trên thế giới khoảng 33.600. Các loài cá tồn tại trên toàn cầu, có đặc điểm, môi trường sống và tên gọi khác nhau.

Có nhiều loài cá nghe tên rất lạ, chẳng hạn như loài cá được nhắc đến ở câu đố chữ trong chương trình Nhanh như chớp:

"Cá gì tên giống cây đàn?".

Câu đố Tiếng Việt: Cá gì tên giống cây đàn? - Ảnh 1.

Nguồn: Nhanh như chớp.

Sau khi nghe MC Trường Giang đọc câu đố, người chơi nhanh chóng liệt kê hàng loạt các loại đàn: Đàn ghi-ta, đàn tranh, đàn bầu, đàn tam thập lục,… nhưng vẫn không tìm được đáp án. Câu đố này thật "hack não", cần nhiều thời gian mới có thể suy đoán được.

Nếu bạn cũng chưa có câu trả lời có thể tham khảo đáp án chương trình công bố: CÁ TỲ BÀ.

Cho những ai chưa biết: Cá tỳ bà và đàn tỳ bà chỉ giống nhau về tên gọi chứ thực tế không liên quan gì đâu nhé. Cá tỳ bà và một số loài cá khác thường được mọi người gọi chung là cá dọn bể. Loài cá này sống chủ yếu ở những nơi nước tĩnh. Chúng cũng có thể sống tốt ở cả những khu vực nước sâu cho tới ao cạn, không quan trọng ở đó là vùng nước ngọt hay nước lợ.

Cá tỳ bà khá hiền lành, dễ nuôi và có thể sống hoà bình với nhiều loài cá cảnh khác. Không chỉ vậy, đây là một trong những giống cá có khả năng chịu đựng cực kỳ tốt đối với môi trường nước bị ô nhiễm, nước tù,…

Thức ăn chủ yếu của cá tỳ bà trong môi trường bể thuỷ sinh là rong rêu bám trên kính, thức ăn thừa của những loài cá khác cùng bể. Cũng có lúc chúng tranh ăn khi ngoi lên mặt nước nhưng không nhiều. Chính vì tập tính như vậy, người chơi cá rất ưa thích lựa chọn giống cá này với mục đích vệ sinh cho bể cá cảnh, giảm bớt thời gian cho người nuôi.

Câu đố Tiếng Việt: Cá gì tên giống cây đàn? - Ảnh 2.

Cá tỳ bà. (Ảnh minh họa)

Cá tỳ bà có màu sắc tự nhiên khá đa dạng và bắt mắt, hoàn toàn có thể coi như một cá thể làm cảnh. Tuy nhiên, đây là loài cá phàm ăn và lớn rất nhanh nên người nuôi cần lưu ý chỉ nuôi 1 con/1 bể thuỷ sinh, tránh nuôi nhiều để xảy ra tình trạng chúng lấn át các loài cá khác.

Cá tỳ bà hiện nay trên thị trường cá cảnh nước ta gồm 2 loại phổ biến, đó là: Cá tỳ bà bướm và cá tỳ bà beo. Cá tỳ bà bướm có vẻ ngoài độc đáo và bắt mắt. Chúng có hình dáng như một con cá sam thu nhỏ, phần bụng bám sát lấy mặt kính hoặc lá cây để cọ sát và hút rêu bẩn.

Còn cá tỳ bà beo có kích thước khá lớn. Nếu sống trong môi trường nước thích hợp, chúng có thể đạt tới 3kg. Một nhược điểm của loại cá này là không chỉ ăn rong bẩn trong bể, đôi khi chúng còn bám vào mình của những con cá khác để hút nhớt khiến những con cá này bị xước vây hoặc chậm phát triển và dễ chết hơn.

Phần lớn hiện nay cá tỳ bà chỉ được nuôi ghép với các loài cá khác với mục đích cơ bản là vệ sinh môi trường bể thuỷ sinh. Chúng có thể sống tốt khi bể không có hệ thống lọc nước, sục khí. Cá tỳ bà ưa thích rong rêu, thức ăn thừa và những loại cây thuỷ sinh. Đối với loài cá này, chúng ta hầu như không cần cho ăn hoặc nếu có chỉ cần cho rất ít. Các loại thức ăn thích hợp có thể là thực vật, mùn bã hay côn trùng nhỏ,…