Hàng năm, tạp chí Inc. mời các CEO từ nhiều công ty tư nhân phát triển nhanh nhất ở Mỹ để hoàn thành cuộc khảo sát chuyên sâu. Mục đích là để biết những CEO đó là ai, họ bắt đầu sự nghiệp như thế nào và điều gì đã khiến họ thành công… Qua mỗi cuộc khảo sát, tạp chí nhận được nhiều câu trả lời thú vị và phong phú.
Cuộc khảo sát mới nhất (công bố ngày 18/8) của Inc. được thực hiện với 1.086 CEO đến từ các công ty có mặt trong danh sách 2022 Inc. 5000 (các công ty thành công nhất ở Mỹ). Kết quả cho thấy 64% CEO thức dậy 6 giờ sáng hoặc sớm hơn.
Tổng biên tập Scott Omelianuk của Inc. cho biết ông không ngạc nhiên vì kết quả này. Buổi sáng có thể là một trong những khoảng thời gian yên tĩnh trong lịch trình hàng ngày của bất kỳ CEO nào.
"Đối với nhiều doanh nhân mà tôi nói chuyện, buổi sáng là thời điểm đặc biệt để tập trung", Omelianuk chia sẻ. "Đó là khoảng thời gian yên tĩnh cho phép bạn tập trung vào các vấn đề, cho dù đó là lập danh sách hay suy nghĩ về chiến lược công việc".
Thời gian để tập trung làm việc có đáng để hy sinh giấc ngủ không?
Các nhà khoa học về giấc ngủ cho rằng con người cần ngủ đủ 7-9 tiếng mỗi đêm, bất kể bạn dậy sớm hay muộn. Ngủ đúng giấc có thể cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần của bạn, đồng thời giúp bạn làm việc hiệu quả hơn.
Dù điều hành một trong những công ty lớn nhất thế giới, tỷ phú Jeff Bezos vẫn duy trì thói quen ngủ đủ 8 tiếng. Điều này giúp ông luôn tràn đầy năng lượng và suy nghĩ tốt hơn. "Tôi đi ngủ và dậy sớm. Tôi thích đọc báo, uống cà phê và ăn sáng với các con trước khi chúng đến trường", Jeff Bezos nói.
Một số chuyên gia lập luận rằng con người có xu hướng làm việc hiệu quả hơn vào những giờ đầu của buổi sáng. Đơn giản là vì thời gian đó bạn ít bị sao nhãng hơn. Đây cũng là lời tâm sự mà CEO Tim Cook của Apple đã chia sẻ để giải thích cho thói quen dậy sớm của bản thân.
"Tôi có thể kiểm soát mọi thứ vào buổi sáng tốt hơn so với những thời điểm khác trong ngày", Tim Cook chia sẻ. CEO 62 tuổi từng bật mí rằng ông bắt đầu mỗi ngày bằng cách dậy vào khoảng thời gian trước 4 giờ sáng.
Những lợi ích khi thức dậy sớm
Một số CEO và chủ doanh nghiệp có thói quen sử dụng buổi sáng như một giờ làm việc không bị gián đoạn. Ví dụ, tỷ phú giàu nhất thế giới Elon Musk thường kiểm tra các email quan trọng trong nửa giờ sau khi thức dậy. Dù vậy, ông cho rằng đây là thói quen không lành mạnh và muốn thay thế bằng các bài tập thể dục để có thể trạng tốt hơn.
Hay Tim Cook dành một giờ đầu tiên mỗi sáng để đọc bình luận của người dùng về các sản phẩm của Apple. Trong một giờ tiếp theo, ông tập thể dục buổi sáng để giảm căng thẳng.
Việc thức dậy sớm có thể khó khăn với những cú đêm. Song thói quen này mang lại nhiều lợi ích tuyệt vời, bao gồm cải thiện chất lượng giấc ngủ, sức khỏe tinh thần và năng suất làm việc.
Giúp bạn tập trung
Theo Healthline, bộ não không "thức giấc" ngay khi chúng ta tỉnh dậy vào buổi sáng. Đó là lý do chúng ta có xu hướng cảm thấy chệnh choạng và mất phương hướng khi đứng dậy sau khi tỉnh giấc.
Quán tính này của giấc ngủ là một phần thường xuyên của quá trình thức giấc. Tuy nhiên, quán tính có thể kéo dài trong vòng một tiếng hoặc hơn. Điều này khiến bạn khó tập trung và hoàn thành công việc nếu bật dậy quá nhanh. Do vậy, việc thức dậy sớm hơn giúp bạn có thêm thời gian để tỉnh táo và tập trung hơn.
Cải thiện sức khoẻ tinh thần
Ngoài ra, người thức dậy sớm có suy nghĩ tích cực hơn so với những cú đêm. Họ được cho là lạc quan, dễ chịu, tận tâm và hài lòng với cuộc sống. Phụ nữ dậy sớm cũng ít có nguy cơ mắc các bệnh tâm thần, chẳng hạn như trầm cảm hoặc lo lắng.
Những người thức dậy sớm cũng thường đi ngủ sớm hơn. Khi bạn ngủ theo khuyến nghị từ 7 đến 9 tiếng, cơ thể và tâm trí của bạn có đủ thời gian để tự phục hồi, giúp cơ thể và tinh thần khỏe mạnh hơn.
Có thời gian tập thể dục
Đối với những người bận rộn, buổi sáng sớm có thể là thời gian duy nhất để tập thể dục. Việc tập thể dục buổi sáng giúp bạn cảm thấy tràn đầy năng lượng, đối với cả sức khỏe thể chất và tinh thần. Tập thể dục làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim, cải thiện tâm trạng, điều chỉnh lượng đường trong máu, kiểm soát cân nặng, cải thiện chức năng nhận thức và nhiều lợi ích khác.
Tổng hợp