Từ lâu, hình tượng con hổ đã đi vào đời sống văn hóa của người Việt Nam trong nhiều lĩnh vực như: Văn hóa, xã hội, kinh tế… Có rất nhiều tên gọi cho loài hổ như cọp, hùm, beo, chúa sơn lâm. Ngoài ra, hổ còn được người dân gọi bằng một cái tên thú vị khác là "Ông ba mươi". Tuy nhiên, có bao giờ bạn thắc mắc cái tên này bắt nguồn từ đâu, được lưu truyền từ bao giờ?
Tên gọi "Ông ba mươi" bắt nguồn từ một câu chuyện cổ tích Việt Nam. Chuyện kể rằng, thời xưa có một người sống ở thiên cung tên là Phạm Nhĩ. Anh ta có tên gọi như vậy bởi có đôi tai rất thính và khỏe. Thậm chí, có người còn đánh đu được trên đôi tai anh. Phạm Nhĩ vốn có nhiều tài phép, lại có sức khỏe hơn người nên thường xuyên đi gây sự với người khác.
Cậy khỏe bắt nạt yếu, anh ta càng ngày càng trở nên kiêu căng, cao ngạo. Thậm chí, Phạm Nhĩ còn nghĩ rằng mình phải được làm vua nhà trời nên đã tự chiêu mộ vài bộ hạ náo loạn thiên cung. Thấy vậy, Ngọc Hoàng ra lệnh cho nhiều tướng tài, thần giỏi đấu sức nhưng không người nào là đối thủ của Phạm Nhĩ. Quá hoảng hốt, Ngọc Hoàng đã đến cầu cứu Đức Phật.
Khi Đức Phật xuất hiện, Phạm Nhĩ lao tới nhưng không ngờ sa vào túi thần của Phật và bị giam giữ. Sau đó, Đức Phật lệnh cho Ngọc Hoàng không được giết mà phải trừng phạt Phạm Nhĩ. Ngọc Hoàng tuân lệnh đày Phạm Nhĩ xuống trần thế làm kiếp con vật.
Tuy tước hết tài phép nhưng Ngọc Hoàng vẫn giữ lại sức khỏe hơn người để Phạm Nhĩ trở thành chúa tể sơn lâm. Ngoài ra, Ngọc Hoàng cũng khiến đôi tai của hắn bớt thính để không nghe ngóng được chuyện trên thiên đình, trần gian. Và cuối cùng, Ngọc Hoàng thoái bỏ đôi cánh để Phạm Nhĩ không thể bay về trời náo loạn. Từ đó, trong dân gian có câu ca dao: "Trời sinh hùm chẳng có vây/Hùm mà có cánh, hùm bay lên trời".
Câu ca dao để gợi nhớ đến khi xưa Phạm Nhĩ đã đại náo thiên cung. Tuy chịu kiếp loài vật nhưng dòng dõi của Phạm Nhĩ vẫn nối nhau làm chúa tể sơn lâm, gieo nỗi khiếp sợ cho muôn loài. Vì vậy, nhà vua quy định mỗi khi ai bắt giết được hổ đều được thưởng 30 quan tiền vì loại trừ được một con vật hung dữ. Nhưng đồng thời cũng phạt đánh 30 trượng để oan hồn con vật không tức giận. Từ đó, do khiếp sợ nên không ai dám gọi thẳng tên hổ mà chỉ kêu "Ông ba mươi".
Cũng tương tự như vậy nhưng đến thời nhà Nguyễn, người ta lại kể một câu chuyện khác rằng ai bắt sống được hổ sẽ được thưởng 30 quan tiền. Ngược lại, nếu giết hổ sẽ bị phạt 30 quan tiền và đánh 30 roi. Sở dĩ có điều luật này bởi trước khi lên ngôi, vua Gia Long - Nguyễn Anh lúc bị quân Tây Sơn truy đuổi vào rừng nếu không nhờ một con hổ đem thịt đến sẽ không có thức ăn để sống qua ngày. Vua chịu ơn hổ và sau khi lên ngôi, nhà vua đã lập miếu thờ hổ tại vùng Mô Xoài thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Ngoài ra, dân gian còn lưu truyền một câu chuyện khác rằng muốn được ăn Tết yên ấm, không bị quấy nhiễu thì người dân cần cúng tế cho hổ vào đúng đêm 30 Tết. Vì thế, hổ mới có tên gọi là "ông ba mươi".