Thay đổi thái độ sống sau căn bệnh ung thư

Liya Shuster-Bier, cô gái người Mỹ gốc Nga, nhập cư đến New York cùng cha mẹ. Cô học đại học theo diện học bổng, từng làm việc tại một tập đoàn tài chính lớn và sau đó là một công ty khởi nghiệp tại Boston.
Thay đổi thái độ sống sau căn bệnh ung thư - Ảnh 1.

Liya Shuster- Bier: "Xây dựng cảm giác thân thuộc và yêu thương trở thành ưu tiên hàng đầu kể từ khi tôi bị ung thư" - Ảnh: CNBC

Cô hoàn thành bằng MBA tại ĐH Wharton, một trong những ngôi trường kinh doanh tốp đầu xếp hạng thế giới.

"Tất cả những gì tôi thấy là kỳ thi tiếp theo, kỳ thực tập tiếp theo, công việc tiếp theo", cô nói. Nhưng vào tháng 1-2018, sáu tháng sau khi tốt nghiệp ĐH Wharton, cô nhận kết quả mắc ung thư hạch không Hodgkin hiếm gặp, một loại ung thư ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch của cơ thể.

Cuộc chiến hơn một năm rưỡi của Shuster-Bier với căn bệnh này cuối cùng đã làm thay đổi hoàn toàn những ưu tiên trong cuộc sống và thái độ của cô với công việc. Khi nhận kết quả chẩn đoán, Shuster-Bier đang làm việc tại công ty gây quỹ cộng đồng.

Trong sáu đợt hóa trị, cô cố gắng duy trì cuộc sống và lịch làm việc bình thường ngay cả khi nhập viện.

Rồi bệnh tái phát, việc điều trị đòi hỏi cả xạ trị và cấy ghép tế bào gốc, buộc cô phải tạm dừng thói quen sinh hoạt hằng ngày. Bác sĩ yêu cầu Shuster-Bier ký cam kết không làm việc trong vòng 100 ngày, không chỉ vì muốn cô nghỉ ngơi mà nếu làm việc sẽ khiến quá trình chữa bệnh chậm lại.

Là người nghiện công việc và làm lĩnh vực tài chính lâu năm, Shuster-Bier nhận ra hầu hết mọi người đều dành thời gian tại nơi làm việc. Cô thừa nhận cách sống bao năm qua chỉ đang hủy hoại bản thân, cả sức khỏe và tinh thần.

Năm 2019, tình trạng bệnh thuyên giảm, Shuster-Bier và chồng gom góp tiền thành lập Alula, một nền tảng cung cấp các sản phẩm giúp bệnh nhân ung thư kiểm soát các triệu chứng khi điều trị như buồn nôn và đau đầu, huy động được 2 triệu USD tiền đầu tư.

Mặc dù cuộc sống của một doanh nhân thường bận rộn và không ngừng nghỉ, Shuster-Bier vẫn giữ phong cách sinh hoạt ổn định sau khi điều trị ung thư.

Cô chú ý đến thời gian ngủ, loại thức ăn nạp vào cơ thể và thời gian dành cho gia đình. Mỗi sáng, Shuster-Bier dẫn chú chó cưng đi dạo một đoạn, cũng là giúp cô vận động, tập thể dục hằng ngày.

Một số nghiên cứu cho thấy nhịp điệu có thể giúp con người tập trung và giúp họ bình tĩnh lại. Khi đi bộ, bạn vừa làm quen với nhịp điệu, vừa hít thở không khí trong lành nên có tác dụng thực sự tốt. Shuster-Bier cũng tranh thủ lúc đi bộ buổi sáng để kết nối với những người mình thương yêu.

"Tôi cố gắng gọi cho một người bạn vào mỗi buổi sáng", cô nói. Hoặc đôi khi cô nhắn tin cho cha mẹ và chị gái.

Cô nói việc xây dựng cảm giác thân thuộc và yêu thương đã trở thành ưu tiên hàng đầu kể từ khi cô bị ung thư.

"Đây là chiếc la bàn mới của tôi trong cuộc sống. Chúng ta làm việc quá nhiều, để làm gì? Có cách nào làm ít hơn nhưng vẫn hoàn thành công việc không?", cô chia sẻ và nói thêm: "Hãy tự hỏi bản thân, điều gì đang nuôi dưỡng bạn sau tất cả những nỗ lực mà bạn đang làm hằng ngày? Với tôi, điều quan trọng hiện giờ là nuôi dưỡng cuộc sống mỗi ngày".