Bài tâm sự đầy cay đắng của người đàn ông họ Trương 36 tuổi trên mạng xã hội Trung Quốc đã thu hút rất nhiều sự chú ý của cư dân mạng nước này.
Chăm mẹ suốt 8 năm trời chẳng bằng 3 giỏ quà của vợ chồng anh trai
Tôi họ Trương, năm nay 36 tuổi, hiện tại tôi đã lập gia đình được 8 năm. Vì hoàn cảnh gia đình tôi trước đây rất khó khăn, bố mẹ tôi khi đó không thể cùng lúc lo cho cả hai anh em ăn học. Do anh trai tôi thông minh hơn nên bố mẹ quyết định sẽ đầu tư cho anh học lên đại học còn tôi chỉ học xong cấp ba đã nghỉ học để đi học nghề.
Bản thân tôi cũng thấy mình không quá giỏi trong việc đèn sách nên chủ động thôi học, cũng không hề thấy tủi thân hay ấm ức về quyết định này. Thay vào đó tôi đi học nghề sửa chữa và mở một cửa hàng nhỏ ở thị trấn. Mặc dù công việc vất vả nhưng thu nhập hàng tháng của tôi cũng rất khá, điều này khiến tôi cảm thấy rất tự hào. Tuy nhiên mẹ tôi không đánh giá cao những nỗ lực này. Bà thường so sánh tôi với anh trai. Mẹ cho rằng tôi không giỏi giang kiếm nhiều tiền bằng anh mình.
Mọi chuyện cứ như vậy cho tới năm tôi 26 tuổi thì gia đình gặp biến cố lớn. Bố tôi không may gặp tai nạn giao thông, dù được đưa đi cấp cứu ngay sau đó nhưng ông vẫn không qua khỏi.
Sau cú sốc tâm lý đó, sức khỏe của mẹ tôi kém hẳn đi. Bà làm việc thêm vài năm thì nghỉ ở nhà không đi làm nữa. Anh trai công tác nước ngoài cả năm chẳng về được 2 lần. Tôi thì cũng bận việc trên thị trấn nên chỉ về được vào cuối tuần. Mỗi lần về thăm mẹ, nhìn bà một mình lủi thủi trong căn nhà nhỏ ở quê mà tôi không khỏi đau lòng. Tôi cố gắng thuyết phục mẹ lên thị trấn ở cùng tôi để tiện chăm sóc thì bà kiên quyết không chịu.
Chăm mẹ suốt 8 năm chẳng bằng 3 giỏ quà của nhà anh trai. Ảnh minh họa
Tới năm tôi 28 tuổi, trong một lần về quê thăm mẹ, tôi vô tình gặp được người vợ hiện tại của mình. Nhà vợ tôi tuy không quá giàu có nhưng bù lại cả nhà lại rất tốt bụng và tình cảm. Vợ tôi thuộc kiểu người chất phác, không khéo ăn khéo nói nhưng lại rất chăm chỉ, thật thà và biết quan tâm người khác.
Khi biết hoàn cảnh của tôi, vợ tôi rất thấu hiểu và thông cảm. Thậm chí sau khi cưới, vợ tôi chủ động ngỏ lời ở lại quê chăm mẹ để tôi yên tâm lên thị trấn làm việc. Tôi cố gắng kiếm tiền thêm 2 năm thì cũng chuyển về quê cùng vợ chăm sóc mẹ.
Cứ như vậy vợ chồng tôi tận tâm chăm sóc mẹ suốt 8 năm trời, vốn nghĩ rằng bằng ấy thời gian sẽ nhận được sự yêu quý của mẹ. Chẳng ngờ là trong mắt mẹ tôi, gia đình anh trai vẫn luôn hơn hẳn chúng tôi.
Cả năm trời gia đình anh trai mới về thăm mẹ dịp Tết nhưng bà luôn hết lời khen ngợi con trai lớn hiếu thảo. Bà đi khoe hết làng trên ngõ dưới về 3 giỏ quà quý mà vợ chồng anh chị biếu dịp đầu năm. Còn vợ chồng tôi quanh năm ở cạnh chăm sóc khi bà đau ốm thì chẳng bao giờ được nhận một lời khen. Thậm chí vợ tôi còn nhiều lần bị mẹ chê bai mắng mỏ vì không làm đúng ý bà.
Mọi chuyện tới đỉnh điểm khi anh trai gửi tôi một bao lì xì đỏ để mua quà cho 2 đứa cháu nhỏ. Mẹ tôi vô tình trông thấy và cho rằng anh trai lần nào về cũng cho tôi rất nhiều tiền để tôi lấy tiền đó chăm bà.
Bà bóng gió nói với vợ con tôi rằng: "Vợ chồng anh trai lần nào về cũng quà cáp biếu tặng còn cho cả tiền. Đúng là làm anh gánh vác gia đình, đã lo toan cho mẹ già giờ còn lo cho cả các em."
Ảnh minh họa
Khi nghe những lời này từ mẹ, tôi vừa tủi thân vừa tức giận. Bao năm chăm sóc mẹ, chúng tôi chẳng lấy một đồng từ anh trai. Ấy vậy mà suốt 8 năm vợ chồng tôi chẳng được mẹ khen lấy một lời. Trong mắt mẹ anh trai lúc nào cũng là tốt nhất, giỏi nhất.
Cái kết của sự thiên vị...
Sau một đêm trăn trở, tôi quyết định đưa vợ con quay lại mở cửa hàng ở thị trấn. Mẹ tôi sốc với quyết định này của tôi và mắng tôi là đồ bất hiếu. Tôi chẳng buồn giải thích gì thêm. Trước khi đi, tôi để lại quyển sổ tiết kiệm trước đó với khoản tiền 30.000 NDT (khoảng hơn 100 triệu đồng).
Hàng tháng vợ chồng tôi chắt bóp chi tiêu vừa nuôi 2 đứa con vừa nuôi mẹ già nên cũng chẳng để ra được là bao. Khoản tiền này vốn là khoản tiền hàng tháng tôi tích góp để riêng cho mẹ phòng sau này mẹ đau ốm đi viện. Riêng khoản tiền anh trai gửi về suốt 8 năm qua những lần mẹ đi viện, tôi luôn để riêng. Khoản tiền đó là 50.000 NDT (khoảng 170 triệu), tôi chưa từng động vào 1 lần nào mà luôn để phòng lỡ sau mẹ đau ốm. Giờ tôi cũng gửi lại hết số tiền đó cho mẹ.
Sự thiên vị trong nhiều năm của mẹ khiến trái tim người con thứ tổn thương. Ảnh minh họa
Xong xuôi tôi bàn bạc với anh trai, cả hai sẽ cùng góp tiền thuê giúp việc chăm sóc mẹ. Mẹ tôi sau khi hiểu ra mọi chuyện thì khóc lóc xin lỗi và mong vợ chồng tôi quay lại. Anh trai cũng hết lời khuyên can giảng hòa tôi vẫn luôn cảm thấy giữa mình và mẹ có khoảng cách nhất định. Sự thiên vị trong nhiều năm của mẹ khiến trái tim tôi tổn thương vô cùng, và tôi cũng không biết vết sẹo đó bao giờ mới liền lại.