Chàng trai 25 tuổi bỏ nghề Y ra đảo Phú Quý học đánh cá và sống tiết kiệm mỗi ngày

Có những người dù còn rất trẻ đã biết mình muốn gì. Nhưng liệu có mấy ai sẵn sàng đánh đổi những thứ mình đang có để theo đuổi đam mê?

"Tuổi 25, bỏ Hà Nội ra đảo Phú Quý sống.

Tuổi 25, bỏ nghề Y danh giá để chọn làm 'ngư dân'".

Đây là một trong những quyết định khiến cuộc sống của chàng trai trẻ Đặng Hà Đức (25 tuổi, Phú Thọ) rẽ sang trang mới.

“Mỗi ngày trôi qua trên đảo là một ngày hạnh phúc”! Nhưng “tệp đính kèm” lại là những bàn tán và khó hiểu: “Tại sao một người còn quá trẻ, tiền đồ sáng lạn, lương lậu ổn định lại nghỉ việc, về nơi xa xôi đó để sống làm gì?”.

Đặng Hà Đức (25 tuổi, Phú Thọ) - Chuyên gia khúc xạ nhãn khoa 25 tuổi chọn nghỉ việc, bỏ phố ra đảo để được trải nghiệm những điều mới.

Đối với những câu hỏi tương tự như thế, Đức chỉ có một câu trả lời duy nhất.

Chẳng ai muốn con mình bỏ nghề Y để ra đảo sống, nhưng…

Sau khi tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội, Đức trở thành một chuyên gia khúc xạ nhãn khoa tại Bệnh viện mắt tư nhân tại Hà Nội.

Không chỉ là niềm tự hào của ba mẹ, công việc này cũng mang đến cho Đức một mức lương ổn định, khoảng 20 triệu/tháng. Sống độc thân nên với mức thu nhập đều đặn này, tài chính của Đức có phần dễ thở, thậm chí còn có riêng cho mình một khoản tiết kiệm kha khá.

Nhưng ở bề chìm của cuộc sống ấy, những áp lực từ công việc và cuộc sống, Đức đắn đo: "Liệu đây có thực sự là một cuộc sống bản thân mong muốn hay không?".

Lặp đi lặp lại một câu hỏi, nhưng đáp án lại chỉ có một, đó là “không”. Vậy nên, quyết định nghỉ việc, bỏ phố ra đảo sống của chàng trai trẻ cũng từ đó mà ra.

Chàng trai 25 tuổi bỏ nghề Y ra đảo Phú Quý học đánh cá và sống tiết kiệm mỗi ngày - Ảnh 2.

Chẳng dễ dàng gì để đánh đổi hết những thứ mình đang có để chạy theo đam mê được trải nghiệm.

Chẳng dễ dàng gì để đánh đổi hết những thứ như: nghề Y danh giá, niềm tự hào của gia đình, thu nhập ổn định,... để đi về hướng mọi thứ đang rất mông lung. Vậy nên khi tâm sự những điều này với mẹ, Đức nhận về phản ứng bị sốc của mẹ. Dĩ nhiên, chẳng ai muốn con mình lại bỏ nghề Y để ra đảo sống.

Nhưng niềm đam mê được sống tự do, được trải nghiệm những điều mới lạ, và khao khát sống hạnh phúc khi còn trẻ đã giúp Đức có được sự thấu hiểu và đồng thuận từ mẹ. Gia đình cuối cùng cũng đồng ý và ủng hộ cậu. Còn bạn bè thì đương nhiên, họ chỉ thấy Đức sao can đảm quá!

Ra đảo, dĩ nhiên những nỗi lo về tương lai, tài chính và cả công việc chẳng thể biến mất. Nhưng tất cả những lo toan của tuổi trẻ được bù đắp lại bằng nụ cười hạnh phúc từ sáng đến tối, suy nghĩ táo bạo hơn về ước mơ. Hiện tại, những gì Đức có được gói gọn trong 4 chữ “hạnh phúc mỗi ngày”.

Trải nghiệm cuộc sống mới khiến Hà Đức cảm thấy hạnh phúc hơn.

Cuộc sống trên đảo: Phải tiết kiệm mỗi ngày, thu nhập bấp bênh để đổi lấy điều gì?

“Mình đã rời Hà Nội đến đảo Phú Quý từ tháng 7 đến nay đã được hơn 1 tháng. Hiện tại, đối với bản thân mình đang thấy cuộc sống trên đảo rất ổn, mỗi ngày trên đảo đều là 1 trải nghiệm mới mẻ chưa từng có.

Một trong những ngày trọn vẹn nhất của 25 năm đời mình: Dậy từ 4h sáng theo chân ngư dân ra khơi đánh cá, ngắm bình minh trên thuyền. Bơi được 2-3km xa ngoài biển, lặn ở độ sâu 9-10 mét. Chiều về, mình cùng hội 'Ăn rác biển' đi dọn dẹp vệ sinh quanh đảo. Tối đến, mình cùng những người bạn bắt hải sản, cắm trại và tâm sự cùng nhau về những trải nghiệm, ước mơ của từng người”, Đức nói về 1 ngày của mình khi ra đảo.

Mỗi ngày ở trên đảo, Đức lại được trải nghiệm những điều hoàn toàn mới.

Cứ thế, mỗi ngày trôi qua trên đảo là Đức lại có thêm một ngày hạnh phúc trong cuộc đời mình. Không còn những áp lực về công việc từ sáng đến tối, cuộc sống ồn ào vội vã ở phố thị, Đức chia sẻ bản thân có nhiều bạn bè và học được những bài học về sự yêu thương.

“Mình được sống những ngày 'vô tri' nhưng không vô ích. Từ một người ít cười nhưng giờ đây được cười đến mệt thì thôi. Lần đầu tiên được sống chậm lại, hòa mình vào thiên nhiên, được đánh cá, đi lặn, câu mực đêm,... Ngập tràn trong mình là sự biết ơn và được thoát ra khỏi vùng an toàn - nơi bố mẹ đã dày công vun vén”.

Chính vì được tiếp thêm sức mạnh, Đức trở lại với suy nghĩ bạo dạn hơn về công việc. Quyết định từ bỏ nghề Y, Đức rẽ hướng sang làm tự do và ấp ủ một dự án khởi nghiệp riêng cho chính mình. Số tiền được lấy từ khoản tiết kiệm của những năm tháng đi làm và tích lũy trước đây.

Cần chuẩn bị cả tài chính lẫn tinh thần trước khi bỏ phố ra đảo sống.

Tuy vậy, để có can đảm bỏ phố ra đảo sống, Đức cho biết cần phải tính toán thật kỹ về những khoản thu - chi, cũng như số tiền cần tiêu mỗi ngày ở trên đảo.

Đầu tiên là khoản ăn uống: “Trên đảo đồ ăn cực kỳ rẻ, cỡ bằng ⅓ so với Hà Nội. Một ngày mình sẽ tốn khoảng 60-70k tiền ăn, tiết kiệm hơn khi tự đi chợ và nấu nướng. Một số ngày sẽ tốn kém hơn nếu đi cafe hoặc gặp gỡ bạn bè”.

Thứ hai là khoản tốn kém nhất, tiền nhà và tiền xe. “Mình thuê nhà hết 2 triệu/tháng, thêm 1 triệu tiền xe”.

Đây là những chi phí cơ bản nhất để sống ổn ở trên đảo. Thu nhập từ công việc tự do cũng của Đức hiện tại chỉ mới chi trả được tiền nhà và tiền xe, số còn lại thì tiêu từ tiền tiết kiệm. Vậy nên, nếu muốn thay đổi hoàn toàn cuộc sống, Đức cho biết phải có sự chuẩn bị về mặt tài chính thật kỹ.

Bước sang một môi trường hoàn toàn khác, những điều Đức cần thích nghi còn rất nhiều. Nhưng đối với quyết định bỏ phố ra đảo của mình, anh chàng không hề hối hận.

“Câu chuyện của mình nhưng góc nhìn của bạn. Mình chỉ muốn chia sẻ những năng lượng tích cực, những bài học và trải nghiệm mới. Điều duy nhất mình của trước đây hay bây giờ vẫn luôn nỗ lực gìn giữ, đó là dám đối mặt với ước mơ. Thêm nữa là sự chuẩn bị cho một 'cuộc chiến' bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân, khám phá cuộc sống và tìm ra đam mê của chính mình”, Đức tâm sự.

Ảnh: NVCC