Mượn đất, bán hết vàng cưới mở lớp học 0 đồng
Anh Huỳnh Quang Khải (31 tuổi, ở phường Hiệp Thành, quận 12, TP.HCM) là người sáng lập ra lớp học tình thương 0 đồng mang tên Ngọc Việt vào năm 2009. Anh Khải tâm sự, ý nghĩa của từ Ngọc Việt là mỗi học sinh đến với lớp học của anh đều là những viên ngọc quý.
Những năm tháng ấu thơ, anh Khải thường được mẹ đưa đi tham gia các hoạt động từ thiện nên có lẽ anh đã thấm nhuần được tinh thần nhân ái, sẻ chia từ nhỏ. Hồi còn hoạt động ở đoàn thanh niên phường, anh Khải cũng đã từng đứng lớp để dạy học. Sau này, lớp học giải tán, thấy các bé không có lớp học, anh quyết định mở lớp học tại nhà miễn phí cho các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Ngày ấy, trước nhà anh Khải có miếng đất trống của các dì, các cậu. Anh mượn miếng đất, rồi được mọi người hỗ trợ mỗi người một chút để dựng lên lớp học cho bọn trẻ. Đến năm 2018, lớp học đông, lên đến hơn 100 học sinh, không có đủ chỗ ngồi cho các cháu nên anh Khải nảy ra ý tưởng xây lớp học đàng hoàng, rộng rãi hơn. "Miếng đất đó là của cậu Sáu nhà mình, nhưng cậu không ở đó. Mình nói với bà ngoại xin mượn miếng đất để làm lớp học, khi nào cậu về ở thì sẽ trả lại", anh Khải kể.
Bắt tay vào làm, anh Khải dự định chi phí hết khoảng 60 triệu đồng nhưng không ngờ lại có nhiều khoản phát sinh. Nghĩ rằng: "Chẳng nhẽ phát sinh thì lại không làm nữa?" nên anh bàn với vợ, bán hết số vàng được bố mẹ hai bên và họ hàng tặng hồi kết hôn để lo xây lớp học.
Vợ của anh Khải - chị Thanh Hà khi nghe ý tưởng của chồng thì buồn lắm nhưng vẫn đồng ý. "Mình nghĩ rằng việc chồng làm cũng xứng đáng nên đồng ý dù hơi buồn. Mình nói với anh là: 'Em thấy công việc đó cũng hợp lý, thôi anh cứ bán vàng đi'. Đến khi xây được lớp như vậy thì em vui lắm, tụi trẻ không phải trú mưa, tránh nắng nữa. Vàng thì mình có thể từ từ làm và dành dụm lại được, nhưng lớp học lúc đó mà không làm thì không biết bao giờ mới làm được", chị Hà bộc bạch. Những ngày chồng bận đi làm, chính chị Hà cũng là người đứng lớp dạy học cho bọn trẻ.
Tính đến nay, lớp học của anh Khải đã nhận khoảng 1000 lượt học sinh với nhiều hoàn cảnh đặc biệt khác nhau. Lớp học mở từ 18h30 - 21h, từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần, hoàn toàn miễn phí. Không chỉ có bàn ghế đàng hoàng, anh Khải còn lên mạng xã hội xin đồng phục cho học trò mặc. Thấy nhiều trò chiều đi làm rồi chạy qua lớp học luôn, không kịp ăn gì nên bị đói, ngất xỉu, anh Khải lại vừa mua, vừa xin đồ ăn cho các trò. Trong lớp học có đặt một chiếc xe đựng thực phẩm như: Bánh mì, mì ăn liền, cháo gói, sữa,... ai thích ăn gì thì lấy. Lâu lâu cũng có mạnh thường quân đến ủng hộ đồ ăn cho các bé.
Nhờ sự chung tay hỗ trợ của gia đình, bạn bè, mạnh thường quân mà lớp học của anh Khải mới có thể trụ vững được đến ngày hôm nay.
"Vắng cha từ nhỏ nên tôi thấu hiểu sự thiếu thốn của lũ trẻ"
Anh Khải kể, ở lớp học 0 đồng đa số là các bé ngoan, nhưng cũng có nhiều bạn ngỗ nghịch. Dẫu vậy, nhưng bạn này nếu rèn lại được thì đều rất vâng lời. Để rèn học trò, anh Khải dùng tình thương của mình. Ngoài dạy chữ, anh còn dạy các trò bài học về nhân cách sống. Những điều anh đã từng trải qua, những vấp ngã trong cuộc đời anh đều chia sẻ lại với các trò.
"Một ngày nói các con không nghe thì nói 2 ngày, 3 ngày, 4 ngày, mưa dầm thấm lâu các con sẽ nghe lời. Mình luôn suy nghĩ: 'Mình hết lòng vì các con thì các con sẽ hết lòng với mình'.
Ba của mình bỏ đi lúc mình hơn một tuổi. Nhà chỉ có 2 mẹ con. Đó là lý do vì sao mình rất thương, đồng cảm với mấy đứa nhỏ và lập ra lớp học tình thương này. Ngày xưa mỗi khi tan học, điều mình sợ nhất là thấy bố mẹ của các bạn đến đón rồi hỏi: 'Nay con đi học có ngoan không, có mệt không?' Mình cảm thấy ganh tỵ vì không được như họ. Mình sợ đến mức che mắt lại rồi chạy thật nhanh về nhà, mấy lần vì thế mà bị tông xe.
Phụ huynh nào đến lớp mà nói: 'Thầy ơi, tôi với bố cháu ly hôn rồi, tôi có một mình nuôi con thôi' thì nhất định mình sẽ nhận học trò đó", người thầy tâm huyết kể.
Được biết, công việc chính của anh Khải là hướng dẫn viên du lịch. Mỗi khi kết thúc tour, nếu khách quý mến thì thường típ thêm cho anh, khoảng 500.000 – 1.000.000 đồng/lần. Số tiền đó anh đưa vào quỹ để duy trì lớp học. Để tiết kiệm chi phí, anh thường mua sách, vở, dụng cụ học tập khuyến mại cho học trò. Tuy nhiên, anh lại thường mua rất nhiều, xếp đầy ở lớp học bởi anh sợ sau này có tuổi, không đi tour được nữa thì không có tiền mua đồ cho mấy đứa nhỏ.
Anh Khải cho hay, khó khăn lớn nhất của anh là thuyết phục học sinh đi học lâu dài. Bởi nhiều phụ huynh ở lớp của con anh vẫn giữ quan điểm rằng chỉ cần học để biết chữ thôi là nghỉ để đi làm. 14 năm rồi, suy nghĩ của nhiều người vẫn y nguyên như vậy.
Vào thời điểm dịch bệnh bùng phát mạnh ở TP.HCM vào giữa năm 2021, dù cuộc sống có nhiều khó khăn song anh Khải vẫn nảy ra ý tưởng thực hiện dự án suất cơm 0 đồng dành cho tuyến đầu chống dịch và các khu cách ly. Mỗi ngày bếp của anh Khải nấu cả nghìn phần cơm. Mẹ và gia đình, họ hàng, cả những anh chị công nhân thất nghiệp cũng tới phụ giúp anh.
Đến hiện tại, anh Khải vẫn chưa mua lại nhẫn cưới vì còn nhiều thứ phải lo. Trước mắt, anh muốn thay cái mái nhà vì nhà đã xây hơn 20 năm, mái đã quá cũ. Người đàn ông lương thiện gửi lời cảm ơn chân thành đến mẹ và vợ vì đã đồng hành, ủng hộ mình suốt thời gian qua.
Nguồn: Gõ cửa thăm nhà, Ảnh: FBNV