Buông bỏ, nghe thì có vẻ rất nhẹ nhàng, nhưng thật ra lại nặng nề hơn cả. Bởi lẽ khi buông bỏ, trước đó là quá trình đấu tranh nội tâm. Do đó rất ít người buông bỏ thật sự.
Cũng giống như việc bạn phải từ bỏ chấp niệm (tình yêu, tổn thương, quá khứ…), nhưng nó đã bén rễ ăn sâu, nhổ ra thì đành phải chấp nhận đau đớn.
Trên đời này có rất nhiều chuyện một khi cầm lên thì khó lòng đặt xuống.
Vậy, phải làm thế nào để buông bỏ chấp niệm?
Sống cho hiện tại. Tìm thấy những điều tốt đẹp nhỏ nhoi trong cuộc sống tầm thường.
Nhiều người có thói quen để ý, lưu tâm đến những chuyện dù không đáng kể. Đêm nào cũng trằn trọc suy nghĩ, ngủ không ngon, mãi đến khi vấn đề được giải quyết mới dám thở phào nhẹ nhõm.
Nhưng một số chuyện không cần bạn gấp gáp, chưa hoàn thành cũng không mang đến kết quả xấu. Chỉ là bạn không thể buông bỏ nỗi lo lắng trong lòng, phức tạp hóa vấn đề.
Chiêm nghiệm và mất mát đủ nhiều, người trưởng thành đều nhận ra: Điều trân quý nhất trên thế gian không phải là “những thứ khó có được” hoặc “điều đã mất đi”, mà là hạnh phúc được nắm lấy ở hiện tại.
Nhiều người quá chấp niệm trong quá khứ và lo lắng về tương lai. Họ tiếc nuối, tự dằn vặt mình vì những thứ đã qua hoặc chưa xảy ra, mà nhất thời xem nhẹ hạnh phúc của hiện tại.
Những chuyện này khiến chúng ta bỏ lỡ những điều tốt đẹp trong cuộc sống: Hoa nở bên đường, gió mát thổi qua khe tóc, chú chó nhỏ vui mừng dưới chân, nụ cười của cha mẹ già…
Bạn thấy đấy, đến khi bỏ lỡ thật nhiều, bạn lại một lần nữa tiếc nuối, thế là cả đời chỉ luẩn quẩn trong vòng hối tiếc không hồi kết. Ngoảnh đầu nhìn lại, bản thân chưa hề sống đúng nghĩa, ngay cả một chút hạnh phúc cũng hiếm hoi tội nghiệp.
Buông bỏ những không vui của ngày hôm qua, quên đi nỗi lo lắng cho ngày mai, tập trung vào hiện tại.
Tan ca, bạn có thể nằm dài trên giường, xem phim, chơi game, cuối tuần cùng bạn bè hẹn uống cafe, dắt thú cưng đi dạo, rảnh rỗi thì nấu cơm, tập thể dục, leo núi…
Bạn hoàn toàn có quyền lựa chọn sống vui vẻ hay phiền muộn, cởi mở hay sa đọa.
Đời người không thể tránh khỏi đau thương mất mát. Nhiều người chọn cách “đặt những cảm xúc tiêu cực này vào góc nào đó, đợi thời gian làm cho quên lãng, không cần quan tâm đến”.
Buông bỏ là một quá trình tu sửa nhận thức
Nói thì dễ, nhưng để quên thật sự, e rằng không phải ai cũng làm được, vì buông bỏ cũng là một quá trình tu sửa nhận thức.
Bạn muốn triệt để buông bỏ một thứ đã cầm trong tay thì phải biết cách phủ định nó từ nhận thức. Điều này thật sự khó khăn đối với không ít người.
Ví dụ như bỏ thói lười biếng, ngưng trì hoãn, buông bỏ thói quen suy nghĩ phức tạp hóa vấn đề…
Một biện pháp lý tưởng nhất là bạn phải “hủy diệt” chúng bằng hành động: Lười biếng thì phải hành động, trì hoãn thì phải làm ngay, tìm ra phương hướng giải quyết vấn đề để không suy nghĩ vớ vẩn…
Nếu như hành động cũng không thể giải quyết thì sự tình đã đến mức cực kỳ nghiêm trọng, không thể cứu vãn. Giống như việc mất đi người yêu, phạm lỗi sai rất lớn…
Niềm tin càng lớn, chấp niệm càng sâu cay. Bởi lẽ bạn sợ mất đi rồi sẽ không có thứ tốt hơn.
Lúc này, bạn không nên tìm cách làm thế nào để từ bỏ chấp niệm, mà là phải đối mặt với nỗi sợ hãi và đánh bại nó.
Phạm lỗi sai, nghiêm túc thừa nhận, lần sau không phạm phải điều tương tự. Người thương đã đi, nhớ nhung da diết cũng vô tác dụng, thôi thì sống vui vẻ để chào đón người mới. Cuộc đời không nên bị trói buộc bởi một người trong quá khứ.
Bất kể xảy ra chuyện gì, nghĩ theo hướng tích cực thì mọi chuyện mới chuyển biến suôn sẻ hơn, duy trì thái độ lạc quan, nhiều nút thắt cũng nhờ đó mà được tháo gỡ dễ dàng.
Nguồn: Zhihu