Ông Takefumi Kikusui, một trong các tác giả tham gia nghiên cứu, cho biết: "Chúng tôi chưa bao giờ nghe về việc động vật rơi nước mắt trong những tình huống vui vẻ, như đoàn tụ với chủ" - đó là lý do ông Takefumi và các đồng sự thực hiện nghiên cứu.
Các nhà khoa học Nhật Bản đã đo lượng nước mắt trong mắt chó bằng phương pháp xét nghiệm Schirmer. Trong thí nghiệm này, họ sẽ đặt một miếng giấy thấm dưới rìa mí mắt chó.
Để đánh giá trạng thái mắt chó lúc bình thường (không xúc động), họ cho chó tương tác bình thường với chủ.
Trong thí nghiệm gặp lại chủ sau 5 - 7 giờ xa cách, các nhà nghiên cứu nhận thấy các chú chó "tăng đáng kể" lượng nước mắt trong 5 phút sau khi gặp chủ.
Lượng nước mắt mừng vui của chó cũng nhiều hơn khi chúng gặp lại chủ so với gặp những người khác mà nó quen.
Theo các nhà nghiên cứu Nhật Bản, phản ứng khóc ở chó khi mừng vui có thể liên quan đến việc giải phóng oxytocin, còn được gọi là "hormone tình yêu", loại hormone tạo sự gắn kết.
Các nhà khoa học cũng tìm cách đánh giá liệu khi chó khóc, chúng có thể có tác động đến cảm xúc của chủ hay không.
Thí nghiệm yêu cầu chủ các chú chó đánh giá những bức ảnh khác nhau của chúng, trong đó có ảnh có và không có nước mắt nhân tạo, rồi chia sẻ họ thương chú chó nào hơn.
Kết quả, hình ảnh các chú chó với nước mắt nhân tạo lấy được cảm xúc tốt hơn so với ảnh không có nước mắt, theo Hãng tin AFP.
Nhà nghiên cứu Kikusui cho rằng "có thể những con chó biết khóc - có biểu hiện chảy nước mắt trong quá trình tương tác với chủ - sẽ được chủ chăm sóc nhiều hơn".
Các tác giả lưu ý, ở người, trẻ sơ sinh khóc cũng giúp chúng được cha mẹ chăm sóc nhiều hơn.
Nhờ được con người thuần hóa, chó đã phát triển các kỹ năng giao tiếp theo thời gian. Giao tiếp bằng mắt được chứng minh là có vai trò trong việc hình thành mối quan hệ giữa chó và chủ.