Có 1 thực tế, trong số những người bỏ phố về quê, tuy có hoàn cảnh, suy nghĩ, quan điểm sống khác nhau nhưng lý do họ quyết định trở về quê lại gần giống nhau.
Hầu hết tất cả đều đã làm việc chăm chỉ ở các công ty lớn, thậm chí có người đã khởi nghiệp kinh doanh riêng và đạt được thành công lớn ở nơi làm việc, nhưng họ cũng đã hy sinh không ít sự hạnh phúc và sức khỏe của mình. Quyết định về quê không hề đột ngột, khoảnh khắc họ thu dọn hành lý đối với người ngoài có vẻ điên rồ nhưng từ sâu bên trong, tất cả đã chuẩn bị sẵn sàng.
Có người chọn không bao giờ rời đi nữa, có người chọn làm “chim di cư”, còn có người vẫn hoang hoải giữa những quyết định.
Ở độ tuổi 30 trở đi, việc rời bỏ thành phố lớn để trở về quê hương nghe có vẻ mộng mơ, đem tới một cuộc sống mới nhẹ nhàng hơn, nhưng đó có thật sự là "thiên đường" hay không? Chúng ta cần tiết kiệm bao nhiêu mới có thể thực sự "sẵn sàng" cho quyết định này?
Dưới đây là câu chuyện của những người trong cuộc!
1. Qianqian (Tứ Xuyên, Trung Quốc): 32 tuổi
Sau khi tốt nghiệp đại học năm 2013, tôi làm việc ở Bắc Kinh được hai năm rồi cùng vợ chuyển đến Thành Đô.
Trong thời gian ở Bắc Kinh đó, tôi căng thẳng đến mức bị rụng tóc và bị hói một thời gian. Sau khi về Thành Đô sinh con, tôi làm truyền thông thêm 2 năm, áp lực cũng rất lớn, tóc lại rụng nhiều nên tôi quyết định nghỉ việc và mở cửa hàng hoa ở một khu phố gần đó.
Năm 2019, tôi hợp tác với một người bạn mở nhà hàng đồ ăn châu Âu, đầu bếp nói hy vọng có được nguồn nguyên liệu đảm bảo nên chúng tôi về quê ký một mảnh đất để làm trang trại. Tới một ngày, nhà hàng buộc phải đóng cửa nhưng trang trại vẫn duy trì được. Gia đình chúng tôi chỉ cần thuê nhà của một người cùng làng và chuyển đến cạnh trang trại sinh sống là được. Bây giờ gia đình ba người và bố mẹ chồng tôi sống ở nông thôn, chồng tôi là lập trình viên, hàng ngày anh ấy lái xe đến Thành Đô làm việc, tôi và bố mẹ chồng lo công việc kinh doanh trang trại.
Nếu bạn suy nghĩ kỹ thì việc về quê, hay đúng hơn là trở về quê là điều hiển nhiên với hoàn cảnh của gia đình tôi. Một mặt, chúng tôi tận dụng được trang trại này để sinh sống và tạo ra thu nhập. Mặt khác, tôi lớn lên ở nông thôn, trước khi vào đại học, tôi theo ông nội về làm ruộng ở nông thôn, tôi không còn lạ lẫm với cuộc sống nông thôn và cảm thấy mình được trở về nơi mình vốn thuộc về.
Những người duy nhất cảm nhận được sự thay đổi có thể là các con tôi. Chúng được sinh ra ở thành phố, trước khi về quê, các con tôi học trường mẫu giáo quốc tế. Do vậy, khi chuyển về quê, để các con có thể thích nghi với môi trường mới tốt hơn, 2 vợ chồng đều cố gắng đưa chúng đi tham quan thư viện, viện bảo tàng và các khu vui chơi trong thành phố mỗi dịp cuối tuần. May mắn, hiện tại, điều kiện giáo dục ở nông thôn đã vượt xa sự mong đợi của 2 vợ chồng, có xe đưa đón học sinh cũng giống hệt xe buýt ở thành phố.
Hiện tại, chúng đã quen với cuộc sống ở đây và đã là học sinh tiểu học. Sau khi bọn trẻ đi học, chúng tôi sẽ cùng nhau trồng hoa, trồng cây.
Trang trại trồng đủ lương thực cho gia đình chúng tôi quanh năm và 10 loại trái cây được trồng với quy mô lớn.
Tạm bỏ qua chuyện đó, tiền nong là vấn đề không nhỏ dù chúng tôi đã có kế hoạch và chuẩn bị rất kĩ trước khi chuyển về đây.
Tôi có thể liệt kê với các bạn một số khoản chi như sau: Xây dựng trang trại tốn 580.000 nhân dân tệ, ngôi nhà hiện tại của chúng tôi cũng đã trải qua một số lần cải tạo, về cơ bản chúng tôi tự làm, bao gồm mua gỗ, làm cửa, phá tường và lắp cửa sổ,... Nhìn chung chỉ tốn chừng 20.000 nhân dân tệ.
Về quê phải bỏ ra bao nhiêu tiền, tôi nghĩ còn tùy vào mức độ chi tiêu của mỗi người.
Còn lại hãy xem lý do tại sao bạn lại về quê, nếu là khởi nghiệp thì cũng không khác gì ở thành phố, chỉ là một con đường khác, kết quả vẫn như cũ mà thôi. Nhưng gia đình chúng tôi ưu tiên là chất lượng cuộc sống, kỹ năng và tâm lý còn quan trọng hơn việc chuẩn bị tài chính.
Giống như khi tôi trồng trọt ở trang trại, vì tôi đã từng giúp khách hàng thiết kế nhà hoa khi còn làm việc ở một cửa hàng hoa ở Thành Đô, cộng thêm “gen làm nông” đã khắc sâu vào xương khi tôi còn nhỏ nên tôi có thể làm được điều này trang trại luôn có thu hoạch trái cây.
Chỉ bằng cách kiểm tra kỹ năng của bản thân và biết mình muốn gì, bạn mới có thể tránh bị dụ dỗ bởi những câu chuyện trên Internet về việc đột ngột từ bỏ thành phố và trở về quê.
Tự cung tự cấp ba bữa một ngày nghe có vẻ tuyệt vời nhưng cũng không hề dễ dàng.
2. Tiểu Ngư (Chiết Giang, Trung Quốc): 30 tuổi
Vào tháng 6 năm 2023, tôi trở về quê hương ở Hàng Châu - nơi tôi đã làm việc và sinh sống được 6 năm. Trong mắt người ngoài, những năm tháng vừa qua của tôi được coi là suôn sẻ, tôi tốt nghiệp một trường đại học trọng điểm vào năm 2016, làm việc tại Huawei được 2 năm và làm việc trong ngành tài chính thêm 3 năm nữa. Sau đó, tôi chuyển qua làm kinh doanh riêng vào năm ngoái.
Tuy nhiên, càng ở bên ngoài lâu, tôi càng cảm thấy không thoải mái. Rời Hàng Châu không phải là một quyết định đột ngột. Bởi tất cả mọi thứ ở nơi này đều khiến tôi thấy ngột ngạt. Những điều người ngoài tưởng như vô hại (như giao thông, không khí,...) thực ra lại ảnh hưởng rất lớn đến tôi. Tôi bị viêm mũi, bệnh đã trở nên nghiêm trọng đến mức ảnh hưởng đến cuộc sống bình thường của tôi.
Quê hương của tôi ở Thuần An, tỉnh Chiết Giang. Sau khi về quê, không khí trong lành hơn rất nhiều, việc đầu tiên tôi làm là tập trung điều trị bệnh viêm mũi của mình. Thật may, tình hình sức khỏe của tôi đã được cải thiện đáng kể.
Tôi được quay trở lại cuộc sống trong mơ, làm việc lúc mặt trời mọc và nghỉ ngơi khi mặt trời lặn. Tần suất công việc và chế độ nghỉ ngơi của tôi đã được điều chỉnh. Mỗi ngày, tôi dành 2-3 giờ trồng hoa và làm ruộng, 2-3 giờ nấu ăn và 4 giờ để đọc sách. Chỉ sau vài tháng, tôi đã đọc được 10 cuốn sách.
Sau một hồi tính toán, 10.000 nhân dân tệ hiện có thể sử dụng trong một năm, số tiền này từng là chi phí hàng tháng của tôi ở Hàng Châu. Tôi tự trồng rau, tốn một ít tiền mua thịt, tiết kiệm rất nhiều chi phí.
Sau khi về, tôi đã tâm sự thẳng thắn với bố mẹ, nói rõ lý do và dự định của mình, đồng thời nhấn mạnh sự cạnh tranh và áp lực bên ngoài khốc liệt như thế nào. Đây không phải là cường điệu, và họ có thể thực sự không hiểu, nhưng tôi vẫn chọn nói ra.
Về quê, tôi xây kênh làm video ngắn, tỷ lệ xem các video ngắn ở cuộc sống của tôi tại vùng nông thôn vượt xa sự mong đợi của tôi.
Từ trải nghiệm thực tế của mình, tôi cho người xem thấy được cuộc sống ngoài đời như thế nào. Không làm màu, không tô điểm thêm những gì vốn là cuộc sống ở đây. Chi phí hàng tháng cho cuộc sống ở nông thôn thấp nhưng cũng không hề dễ dàng. Việc tự tay làm vườn vốn được coi là lý tưởng nhưng càng khó khăn hơn. Nhất là trong những khoảng thời gian như mùa hè vừa qua, ruộng lúa làng khô hạn, đất nứt nẻ, lúa không ra bông, chưa thu hoạch được.
Trải qua quãng thời gian đó, tôi đã cân nhắc việc quay trở lại thành phố dù cuộc sống ở quê nghe có vẻ tiết kiệm, nhưng không phải là một thành phố lớn. Tôi có thể đến Vân Nam và Quý Châu để thăm, hoặc tôi có thể sống ở một quận hoặc vùng ngoại ô mới gần Hàng Châu. Nguyên tắc là tôi muốn ở xa hơn một chút, gần nông thôn và đồng ruộng hơn, không còn dính líu đến trung tâm của thành phố.
3. Chunsheng (Phúc Kiến, Trung Quốc): 29 tuổi
Quê tôi ở Phúc Kiến. Sau khi tốt nghiệp đại học năm 2016, tôi làm việc ở Quảng Châu với vai trò chuyên viên viết bài quảng cáo. Mức lương hàng tháng khi làm công việc đầu tiên của tôi là 4.500 nhân dân tệ. Tôi thường xuyên phải làm thêm giờ, thậm chí làm qua đêm. Sau nửa năm, tôi cảm thấy không khỏe và bị viêm dạ dày. Thời điểm công việc được trả lương mức cao nhất là 9.000 nhân dân tệ sau thuế, nhưng tôi chỉ có thể tiết kiệm nhiều nhất là 1000 - 2000 nhân dân tệ mỗi tháng.
Năm 2020, tôi bắt đầu làm công việc phụ online là bán trà đặc sản của quê hương. Khi việc livestream trở nên phổ biến, công việc phụ cũng bắt đầu khá lên và tôi bắt đầu nghĩ đến việc về quê.
Tôi tìm hiểu thì thấy, chi phí sinh hoạt ở nông thôn không cao, việc trở về nơi xuất xứ có thể giúp tôi quảng bá sản phẩm tốt hơn, điều này sẽ giúp ích cho công việc kinh doanh phụ của tôi. Nghĩ rằng ở các thành phố lớn, lương không cao, thời gian đi lại dài và không có cách nào tiết kiệm được nên tôi quyết định bỏ phố về quê.
Khi đưa ra quyết định vào thời điểm đó, một lý do rất quan trọng là thu nhập từ công việc kinh doanh phụ của tôi thậm chí còn cao hơn nhiều lần so với công việc chính. Vào thời điểm đó, thu nhập hàng tháng của tôi từ công việc kinh doanh phụ là hơn 10.000 nhân dân tệ. Sau khi về quê, dựa vào lợi thế của quê hương, bố tôi pha trà, tôi chụp ảnh rồi đăng tải và bán trên mạng, thu nhập hàng tháng từ 20.000 đến 30.000 nhân dân tệ.
Livestream cũng là 1 bước giúp thu nhập của tôi khá hơn. Ban đầu, tôi rất xấu hổ. Nhưng bây giờ làm đã lâu nên tôi có thể thoải mái trò chuyện.
Bây giờ nhìn lại mới thấy, cuộc sống của tôi bớt căng thẳng hơn rất nhiều. Số tiền chi tiêu 1 tháng không nhiều. Tôi ngủ rất ngon khi ở quê, cơ thể rất thoải mái, không có cảm giác như có nhiều thứ đè nặng trong lòng. Khi làm việc ở thành phố lớn, tôi luôn có cảm giác mình không ngủ đủ giấc, dù có chợp mắt được vào buổi trưa nhưng tôi vẫn không có cảm giác mình ngủ đủ giấc.
Nhưng điều làm tôi khó chịu khi trở về là phải chịu đựng nỗi cô đơn. Ở nông thôn, không có ai trên đường sau khi trời tối lúc 8 giờ tối. Những người tôi tiếp xúc nhiều nhất là bố mẹ và shipper. Trong khi đó, bố mẹ thúc giục rất nhiều về chuyện kết hôn và đó là vấn đề duy nhất khiến tôi suy nghĩ.
Tuy nhiên, việc quay trở lại thành phố để làm việc là không thực tế. Thu nhập hiện tại của tôi dù tệ đến đâu vẫn tốt hơn đi làm.
Còn bạn, bạn nghĩ sao?