Chuyên gia Harvard: Người thành công dùng 7 cách đặc biệt để giao tiếp, muốn khôn khéo đừng chỉ "nói bằng miệng"

Làm thế nào để trở thành một người nói chuyện lôi cuốn và thú vị? Hãy học theo 7 cách đặc biệt để giao tiếp của người thành công, do chính các chuyên gia Harvard nghiên cứu và tiết lộ.

Theo CNBC, “Bạn khỏe không?” là ba từ vô dụng nhất để mở đầu một cuộc trò chuyện. Người hỏi không thực sự muốn biết và người trả lời cũng không thực sự để tâm. Kết quả nhận được sẽ là một cơ hội bị lãng phí, thời gian trao đổi vô nghĩa với kết nối bằng con số 0.

Để tận dụng tối đa các cơ hội giao tiếp, những nhà nghiên cứu Harvard đã chỉ ra rằng, đặt câu hỏi là một cách hiệu quả nhưng đồng phải, phải đảm bảo đó là câu hỏi có ý nghĩa.

Trong một loạt các thử nghiệm, họ đã phân tích hơn 300 cuộc trò chuyện trực tuyến và đưa ra kết luận: “Khi đặt nhiều câu hỏi hơn, họ sẽ có khả năng nhận được phản hồi cao hơn, miễn là câu hỏi đó chứa đựng sự lắng nghe, thấu hiểu và quan tâm”.

Để làm được điều này, những người thành công thường có 7 cách đặc biệt để giao tiếp, giúp duy trì một cuộc trò chuyện có ý nghĩa:

1. Bắt đầu kết nối bằng 3C

Một câu hỏi hiệu quả thường đảm bảo 3C sau đây: Có tính xác thực - Có sự kết nối - Có một chủ đề cho họ biết bạn là ai

Theo đó, các nhà nghiên cứu Harvard gợi ý một số câu hỏi khả quan để bắt đầu cuộc trò chuyện là:

“Tâm trí bạn hiện tại thế nào?”

“Tuần này bạn mong chờ điều gì vậy?”

“Bạn làm tôi nhớ đến một người nổi tiếng, nhưng lại chẳng nghĩ ra tên. Bạn có là họ hàng với nghệ sĩ nào không vậy?”

2. Đừng chỉ “cập nhật”

Nhiều người bắt đầu đối thoại bằng một vấn đề mang tính “cập nhật” chẳng hạn như giao thông, thể thao, thời tiết, v.v. Theo các chuyên gia, cách trò chuyện này không hề hấp dẫn chút nào, trừ khi đó là mối quan tâm thực sự của đối phương.

Những người giỏi giao tiếp thường đưa chủ đề vượt khỏi những thông tin sáo rỗng đó, chuyển sang những thứ quan trọng hơn và mang tính cá nhân hơn cho cả đôi bên.

Chuyên gia Harvard: Người thành công dùng 7 cách đặc biệt để giao tiếp, muốn khôn khéo đừng chỉ nói bằng miệng - Ảnh 1.

3. Hãy nắm bắt thời điểm và quan sát môi trường xung quanh bạn

“Mở mắt trước khi bạn mở miệng.”

Hãy tìm thứ gì đó xung quanh làm trọng tâm, chẳng hạn như tác phẩm nghệ thuật trên tường, một đồ dùng kỳ quặc hoặc hình ảnh gia đình trên bàn của đối phương, mũ bảo hiểm, tiền xu rải rác từ các quốc gia khác nhau, v.v.

Nhất định phải có thứ gì đó thú vị để khơi mào cho cuộc nói chuyện, giúp dẫn dắt mọi thứ tới những chủ đề độc đáo.

4. Chia sẻ một số tin tức

Nếu bạn có “tin tức”, hãy chia sẻ nó: “Tôi đã nhận nuôi một con mèo rất xinh vào cuối tuần trước” hoặc “Con trai tôi đã biết đạp xe lần đầu tiên vào ngày hôm qua!”

Tin hay không thì tùy, hầu hết mọi người thực sự muốn biết thêm về những người khác, đặc biệt nếu cả hai đều làm việc tại cùng một công ty. Điều này cũng giúp mọi người hiểu thêm về nhau.

5. Hãy chủ động bắt đầu trước

Trong những trường hợp có thể, bạn nên chủ động bắt đầu ở thời điểm thích hợp. Đừng chỉ ngồi một chỗ và chờ đợi người khác mở lời, đặc biệt là khi bạn có điều muốn chia sẻ.

Nếu chỉ chờ đợi, 2 điều sau đây có thể sẽ xảy ra: Một là, người khác sẽ đưa ra nhận xét mà bạn cũng đang ấp ủ trong đầu; Hai là, những đồng nghiệp sẽ đưa đẩy mạch câu chuyện và khiến bạn “bị lạc” trong đó, bỏ lỡ cơ hội lên tiếng của mình.

Chuyên gia Harvard: Người thành công dùng 7 cách đặc biệt để giao tiếp, muốn khôn khéo đừng chỉ nói bằng miệng - Ảnh 2.

6. Không chỉ “nói bằng miệng”

Bên cạnh những lời nói được thốt ra, bạn đừng quên rằng, giọng nói, nét mặt và giao tiếp bằng mắt cũng là phương tiện hữu ích để truyền tải suy nghĩ của bản thân.

Đừng bao giờ quên việc nhìn thẳng vào người đối diện trong khi giao tiếp, mỉm cười để giúp giọng nói của mình nhẹ nhàng hơn. Không chỉ những gì bạn nói, mà chính cách bạn nói cũng sẽ giúp gia tăng sự kết nối với những người xung quanh.

7. Tạo ra dòng chảy

Khi đã có một chủ đề để khai thác, những người giỏi giao tiếp thường khéo léo đưa câu chuyện vào một dòng chảy, để những câu hỏi và câu trả lời xuất hiện một cách tự nhiên. Nó tuân theo một trật tự từ cấp độ nhỏ tới cấp độ lớn, từ những vấn đề ngoài rìa đến vấn đề mật thiết hơn.

Khi đã có dòng chảy, cuộc trò chuyện sẽ diễn ra thuận lợi mà cả hai không còn phải “vắt óc suy nghĩ” cách đón lời nhau. Đó mới là thời điểm mà giao tiếp thực sự có ý nghĩa, giúp gắn kết mối quan hệ của cả hai trở nên thân thiết hơn, đem lại những thông tin giá trị.

Điều quan trọng nhất là: Cứ làm đi.

Đối với người hướng nội, bắt đầu một cuộc trò chuyện có vẻ khó khăn. Nhưng nếu bạn không dám lên tiếng, trong mắt mọi người, bạn sẽ có nguy cơ trở nên vô hình, trở thành người ngoài cuộc.

Mong muốn trì hoãn đương nhiên sẽ xuất hiện và khiến bạn do dự. Nhưng hãy nhớ rằng, chỉ khi bạn nỗ lực lên tiếng, những người khác sẽ lắng nghe và mới bắt đầu kết nối với bạn.

Theo CNBC