Cô gái trẻ bỏ lương 20 triệu rời Thủ đô về quê để… “đổ khuôn” và cái kết “làm không kịp giao cho khách”

Một cô gái quyết định từ bỏ công việc ổn định, trực tiếp đối diện với gia đình, để theo đuổi đam mê làm đồ thủ công.

Thời gian gần đây có thêm một trend mới trên mạng xã hội khiến những người mê đồ gốm sứ hay đồ thủ công không thể làm ngơ. Không phải là những hoa văn tinh xảo hay những kiểu dáng cầu kỳ, mà đôi khi chỉ là những món đồ đơn thuần như lọ hoa, khay để cốc, hũ đựng nến... với mảng màu "loang lổ" đầy ngẫu hứng lại kích thích sự tò mò của mọi người.

Nhìn qua thì có vẻ những món đồ trên khá đơn giản, và dễ làm nhưng thực tế để hoàn thành một sản phẩm như vậy mất tới 2 ngày với đủ các công đoạn từ đổ khuôn đến pha màu và chờ khô.

Đoạn clip 1 phút nhưng thực tế có thể mất tới 2 ngày để làm ra một sản phẩm

Lê Dương (kênh Tiktoke @leedecor113) - người trực tiếp làm ra những món đồ nhỏ xinh thú vị này, chia sẻ: "Để hoàn thành một sản phẩm mình mất ít nhất 3 tiếng: Đầu tiên là pha màu, sau đó trộn, khuấy bột, đổ khuôn. Chờ khô 1 - 2 tiếng rồi bắt đầu gỡ khỏi khuôn. Sau khi gỡ xong phải chờ khô thêm 2 ngày nữa, rồi mới bôi lớp phủ và đổ nến vào (nếu là hũ đựng nến), cuối cùng là đóng gói gửi đi".

Ghé vào kênh TikTok của Dương, bạn sẽ gặp những clip rất thú vị về quá trình đổ khuôn, pha màu... cùng cách nói chuyện gần gũi, thân thiện của cô nàng.

Nói về những chiếc khuôn có độ mềm dẻo đặc biệt của mình, Dương chia sẻ: "Những chiếc khuôn mà mình tự tạo ra sẽ mất khá nhiều công sức. Ví dụ như phải lên bản vẽ 3D, sau đó in test, in ra thì sẽ pha silicon để đổ thành khuôn, khi đã có chiếc khuôn rồi thì mình mới bắt tay vào đổ vật liệu để xem có thành hay hỏng. Còn nếu không, bạn có thể tìm mua khuôn silicon để làm bánh cũng có thể đổ khuôn được".

Sản phẩm "đổ khuôn" được tạo ra như thế nào?

Công việc "đổ khuôn xi măng trắng" và câu chuyện bố mẹ chẳng biết con gái đang làm gì

Dương gọi đây là bộ môn "đổ khuôn xi măng trắng" vì sản phẩm tạo ra là những chiếc hũ, khay được đổ khuôn với chất liệu từ bằng xi măng trắng hoặc bột nhập khẩu ecolite, jesmonite-2. Sau khi pha bột thành hỗn hợp, Dương sẽ đổ vào khuôn và chờ cứng.

Những hũ này gỡ khỏi khuôn sẽ có độ cứng khác nhau tùy loại bột và xi măng thì dễ vỡ hơn. Hũ sau khi gỡ sẽ được bôi lớp phủ để tạo độ bóng mịn, không bụi, an toàn. Sản phẩm có thể dùng để đựng nến, cắm hoa khô, làm đồ decor... nhưng không dùng đựng thực phẩm.

Trên trang cá nhân, Dương tâm sự: "Bố mẹ thường xuyên thắc mắc về công việc hiện tại của mình, bố mẹ còn tưởng mình ngồi nhà chơi tô tượng, rồi bảo cứ ở nhà nghịch linh tinh thế này đến bao giờ. Không thấy mình đi làm ở công ty, bố mẹ còn bảo mình về quê, không cho ở Hà Nội nữa để đỡ tốn kém.

Thật sự, mình nghĩ không riêng gì nhà mình mà bố mẹ ai cũng vậy, rất khó để phụ huynh chấp nhận việc con cái họ từ bỏ một chỗ làm ổn định để bắt tay vào cái nghề 'tay chân' như thế này. Thậm chí bố mẹ còn nghĩ mình chỉ mải chạy theo đam mê, sống lông bông ngày qua ngày, không biết đến bao giờ mới kiếm được tiền".

Và bây giờ Dương vẫn đang một mình "đương đầu" với suy nghĩ về sự ổn định của cả gia đình từ bố mẹ đến các anh trai của cô.

Từ bỏ công việc với mức lương 20 triệu về nhà làm đồ thủ công

Cô gái trẻ bỏ lương 20 triệu rời Thủ đô về quê để… “đổ khuôn” và cái kết “làm không kịp giao cho khách” - Ảnh 6.

Lê Dương trong chương trình "Cafe sáng" của đài VTV.

Trước khi trở thành một "người đổ khuôn", công việc của Dương là thiết kế đồ họa, cô cũng nhận trang trí các buổi tiệc như: lễ kỷ niệm, tiệc sinh nhật, tiệc đầy tháng...

Dương chia sẻ: "Trước khi làm đổ khuôn mình làm thiết kế đồ hoạ, lương trung bình của mình là khoảng 20 triệu, chưa kể những khoản làm ngoài khác. Nên lúc thay đổi như vậy mình cũng khá sốc. Nhưng làm thiết kế thì áp lực rất nhiều, rồi sức khỏe cả thể chất lẫn tinh thần cũng bị ảnh hưởng, nên mình quyết định nghỉ việc để theo đuổi đam mê làm đồ thủ công".

Trong một lần tình cờ nhận thiết kế một buổi tiệc nhỏ, Dương muốn tạo ra những món đồ trang trí theo đúng tông màu của buổi tiệc nhưng vẫn phải lạ mắt, không bị trùng với bất kỳ ai. Và các sản phẩm đổ khuôn ra đời từ đó.

Cô thử mày mò với xi măng trắng, tự pha màu và lựa chọn các loại khuôn khác nhau. Lúc đầu thất bại liên tục, vì Dương chưa tìm ra công thức trộn bột cũng như thời gian chờ khô để tạo độ cứng nhất định cho sản phẩm, nên bị vỡ khá nhiều. Mà thực tế, đến tận bây giờ khi đã quen tay, cũng không ít lần sản phẩm của Dương gặp sự cố.

Sự cố dễ gặp nhất là khi Dương thử nghiệm một công thức pha bột mới, cô phải thử rất nhiều lần, rất nhiều sản phẩm bị vỡ, mới có thể tìm ra công thức tạo độ cứng phù hợp. Hoặc những hôm thời tiết ẩm ướt, mưa gió cả ngày khiến thời gian chờ khô cũng sẽ lâu hơn bình thường. Hoặc hy hữu nhất phải kể đến mất bao công mới tạo ra được một sản phẩm hoàn chỉnh thì khi chuyển đến tay khách hàng lại bị vỡ vụn.

Đổ vỡ đôi khi lại là sự khởi đầu mới

Một hôm, tình cờ mẹ Dương lấy chiếc đĩa ra để đựng đồ ăn, nó là chiếc đĩa thân thuộc gắn bó với gia đình đã nhiều năm, nhưng chẳng may bị rơi vỡ. Cả nhà ai cũng tiếc, tưởng phải bỏ đi một món đồ thân thuộc. Nhưng Dương tìm cách để hàn gắn lại những mảnh vỡ ấy và từ đó sáng tạo thêm một phiên bản mới cho những sản phẩm "đổ khuôn" của cô.

"Mình đã xếp các mảnh vỡ vào và thực hiện các thao tác đổ khuôn như thông thường để làm ra một chiếc khay mới cho mẹ mình. Những mảnh đĩa vỡ trở thành những chi tiết nhấn nhá tô điểm thêm cho chiếc khay. Đối với mình trong nghề này, việc đổ vỡ đôi khi lại là một sự khởi đầu mới" - Dương tâm sự.

Cô gái trẻ bỏ lương 20 triệu rời Thủ đô về quê để… “đổ khuôn” và cái kết “làm không kịp giao cho khách” - Ảnh 10.

Và thế là những món đồ nhỏ xinh ra đời từ chính sự mày mò, gu thẩm mỹ và cả niềm đam mê của Dương. Lúc mới đầu chỉ làm để thỏa mãn sự tò mò cũng như mong muốn được tạo ra những món đồ trang trí, rồi cô bắt đầu bán được hũ nến đầu tiên với giá 145k, và giờ Dương đã có rất nhiều khách đặt hàng. Thậm chí những ngày đặc biệt như lễ Tết, 14/2, 8/3, tiệc sinh nhật... Dương còn không kịp làm để giao cho khách.

Hàng ngày cô nàng nhỏ nhắn này vẫn cần mẫn với bụi bặm, pha bột, phối màu, đổ khuôn... để làm ra những món đồ nhỏ xinh, góp phần tô điểm cho căn phòng của mọi người.