Cô gái Việt kể chuyện làm y tá ở Úc: Áp lực bủa vây, cuối tuần rảnh cũng không còn sức đi chơi, lương có như tưởng tượng?

Cô gái trẻ cũng thừa nhận cô trải qua không ít khó khăn kể từ khi "dấn thân" vào công việc này.

Ở một đất nước phát triển về lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe như Úc, việc thiếu hụt nhân lực trong ngành y tá, điều dưỡng là điều khó tránh khỏi. Đó là lý do nhiều bạn trẻ muốn sang Úc theo học ngành điều dưỡng và tiến xa hơn là trở thành một y tá làm việc tại các bệnh viện hàng đầu.

Với bất kỳ công việc nào cũng vậy, đều cần có sự nỗ lực hết mình bởi nguyên lý đơn giản không có gì gọi là "việc nhẹ lương cao". Nhưng riêng đối với ngành điều dưỡng, đôi khi người ta phải cống hiến sức lực nhiều hơn thù lao nhận được, bởi luôn có những khó khăn đặc thù khi chăm sóc người bệnh. Bởi không chỉ chăm sóc về mặt thể chất, y tá còn đóng vai trò động viên, tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho bệnh nhân.

Cô gái Việt kể chuyện làm y tá ở Úc: Áp lực bủa vây, cuối tuần rảnh cũng không còn sức đi chơi, lương có như tưởng tượng? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Vậy nghề y tá, điều dưỡng ở một quốc gia phát triển như ở Úc sẽ ra sao? Hãy xem chia sẻ của cô gái Việt ở Úc để có thêm góc nhìn về thứ nghề được coi là "hot" này nhé!

Trên tài khoản TikTok @emipnlu, cô nàng Emily Pham đã có rất nhiều chia sẻ thực tế về công việc làm y tá hồi sức gây mê ở thành phố Melbourne, bang Victoria (Úc).

Trong một video thu hút 5.000 lượt thích, Emily Pham cho biết những thông tin bổ ích về quá trình học tập của mình. Cô nói: "Học ngành này nhìn chung chỉ cần giỏi sinh học và đương nhiên là phải biết tiếng Anh, tính toán ở mức cơ bản và đặc biệt có kỹ năng giao tiếp tốt.

Lúc học thì phải thực tập không lương 800 tiếng. Năm nhất khá đơn giản, thầy cô sẽ dạy cho các bạn những kiến thức và kỹ năng cơ bản như nhịp tim, huyết áp, nhịp thở, nhiệt độ, đường máu... Bên cạnh đó, bạn cũng sẽ được học kỹ năng giao tiếp, luật trong ngành y, sinh học cơ thể con người.

Năm thứ 2 sẽ khá nặng khi học những kiến thức chuyên sâu về sinh học, về thuốc, các loại bệnh và kỹ năng lấy máu, thay băng vết thương...

Năm thứ 3 sẽ bớt căng thẳng hơn vì đa phần là ôn lại những kiến thức đã học ở năm 2. Tiếp tục phát triển kỹ năng suy nghĩ logic, đưa ra các tình huống để tập giải quyết vấn đề".

Trong một video khác, Emily Pham đã tự quay lại toàn bộ một ngày làm việc của mình ở bệnh viện với thời gian lên tới 10 tiếng. Cô nàng ra khỏi nhà từ lúc 7h45 phút sáng và bắt đầu làm việc từ 8h30 phút tới 19h tối, vì lý do bệnh viện thiếu nhân viên. "Ngày rất là dài!", cô nàng cảm thán.

Thực tế, công việc y tá từng là mơ ước đối với Emily Pham nhưng sau cùng, vì tương lai tốt đẹp hơn nên phải cố gắng dù có nhiều vất vả. Chính cô nàng chia sẻ rằng: "Dù ba mẹ không biết mình trải qua những gì, mình học hành ra sao nhưng ba mẹ luôn ủng hộ và tự hào về mình. Hồi cấp 3, mình thi được 95 điểm ATAR (viết tắt của Australian Tertiary Admission Ranking, là Điểm Xếp hạng Tuyển sinh Đại học Úc), mình khoe ba mẹ, mà ba mẹ không biết, còn hỏi vậy là cao hay thấp. Tuổi trẻ cố gắng một chút để sau này đỡ đần được cho gia đình".

Emily Pham cũng thừa nhận cô trải qua không ít khó khăn kể từ khi "dấn thân" vào công việc này. Cô nói: "Thời gian mình học y tá là thời gian khó khăn nhất. Học ở trên trường đã khó rồi, phải thi rồi còn phải đi làm kiếm tiền, đi thực tập không lương 800 tiếng. Có những ngày làm đêm xong về nhà ngủ được 2-3 tiếng xách cặp chạy thẳng lên trường. Làm nhiều như vậy nên lúc nào cũng phải ăn qua loa, vội vàng. Đi học thì không sao chứ đi thực tập là phải chăm người bệnh nên luôn phải cố gắng giữ tỉnh táo dù mình đã rất mệt. Du học sinh đã cô đơn rồi nhưng du học sinh ngành y tá lại càng cô đơn hơn vì ngày nghỉ mình rất mệt, không thể đi chơi được nữa. Đó là lý do mình ít khi giữ được mối quan hệ bạn bè lắm".

Vậy làm y tá lương có cao không? Cô nàng có tài khoản @notmy.manh, hiện đang làm y tá kiêm thợ sơn móng (thợ làm nail) ở thành phố Adelaide, bang South Australia, đã khẳng định rằng lương không cao như tưởng tượng của nhiều người.

Trả lời một câu bình luận của cư dân mạng rằng "y tá thì lắm tiền", cô nàng nói: "Đối với mình làm y tá lương không cao. Có thể do mình làm việc ở viện công và mình mới vào nghề".

Vấn đề lương chỉ là một phần trong bất kỳ công việc gì bởi còn nhiều yếu tố tác động. Chẳng hạn như trường hợp của Emily Pham, dù lương có thể không cao so với các ngành nghề khác nhưng đó là niềm đam mê, yêu thích của cô với nghề thì có thể chấp nhận. Quan trọng nhất là được sống và làm việc bằng tất cả sức trẻ, tình yêu của mình với công việc.

Đặc biệt lại là công việc chăm sóc sức khỏe, mang lại niềm vui cho người bệnh như nghề y tá, điều dưỡng. Nếu bạn cố gắng nỗ lực bằng tất cả khả năng của mình, chắc chắn, thứ bạn nhận lại không chỉ là những đồng tiền thù lao mà còn nhiều hơn thế!

Nguồn: Tổng hợp