27 tuổi nghỉ việc về làm "con gái toàn thời gian"
Một người phụ nữ 27 tuổi, đang làm việc tại Thâm Quyến, Trung Quốc, thì đột nhiên từ chức để về quê. Theo người này, cô muốn tìm lại đam mê cuộc sống nên sẽ "nghỉ hưu non" luôn từ bây giờ.
Với một khoản tiết kiệm trong tay, kế hoạch của cô là chi tiêu không quá 10 NDT/ngày (tương đương 33 nghìn VNĐ). Sở dĩ có thể làm được điều này vì cô sẽ sống chung nhà với bố mẹ, không tốn kém bất cứ khoản sinh hoạt phí nào cả.
Cô gái cho rằng, đây sẽ là "cuộc sống hưu trí thảnh thơi trong mơ" mà mình đang tìm kiếm bấy lâu.
Ảnh minh họa: Yahoo News
Tuy nhiên, mới về ở được vài ngày, cô đã bị bố mẹ hết sức phản đối. Họ khuyên nhủ bằng mọi cách để cô con gái 27 tuổi trở lại với công việc, nhưng đều xôi hỏng bỏng không. Cuối cùng, người cha đã nghĩ ra một phương pháp độc đáo.
Ông sẵn sàng chi một khoản tiền lớn để đặt cọc mua một ngôi nhà đứng tên con gái. Ngôi nhà có vị trí và phong cách rất đặc biệt, hợp gu con gái ngay từ cái nhìn đầu tiên. Thế nhưng, ông tuyên bố, ông chỉ giao nhà cho cô nếu chịu đi làm trở lại. Đồng thời, chi phí cải tạo và tiền trả góp mua nhà hàng tháng đều do cô tự mình lo liệu.
Người phụ nữ 27 tuổi ban đầu định từ chối, nhưng khi bố dắt đến xem nhà thì rơi vào tình trạng phân vân vô cùng. Ngôi nhà có vị trí và phong cách rất đặc biệt, khiến cô "mê" ngay từ cái nhìn đầu tiên. Ngay khi đó, trong đầu cô đã nảy ra vô số cách trang trí nhà cửa.
Cuối cùng, dưới sự sắp đặt của người cha, cô đã ký thành công hợp đồng mua nhà rồi được "đóng gói" chuyển chỗ ở ngay lập tức. Cô cũng nhanh chóng xin việc ngay ở quê hương để tiện bề chăm lo cho tổ ấm mới của mình.
Người cha cho rằng, bài học rút ra sau sự việc lần này là: "Phải tạo cho con cái một mục tiêu, biến mục tiêu đó thành động lực. Có như vậy, con mới thoát khỏi xu hướng ‘nằm yên’ của giới trẻ hiện nay."
Tranh cãi về trào lưu "nghỉ hưu non"
Trường hợp bỏ việc để nghỉ hưu của cô gái 27 tuổi ở Thâm Quyến đã được chia sẻ trên mạng xã hội Trung Quốc và nhanh chóng thu hút độ thảo luận cao. Cách đây một thời gian, cặp vợ chồng trung lưu không con cái ở Thượng Hải cũng quyết định về hưu sớm với một khoản tiền gửi tiết kiệm ở ngân hàng. Họ là những người theo trào lưu "nằm yên" hay còn gọi là "tang ping" gây nhiều tranh cãi ở đất nước tỷ dân này.
Về cơ bản xu hướng này ám chỉ lối sống chỉ nằm một chỗ mà không làm việc hay lao động nâng cao năng suất của cải xã hội. Thay vì cố gắng hướng tới các mục tiêu tích cực, lối sống này cổ súy cho việc từ bỏ hết mọi gánh nặng, chỉ tận hưởng cuộc sống.
Theo tờ The Paper, đôi vợ chồng ở Thượng Hải đều mất việc làm vào năm ngoái. Trước đó, người vợ 33 tuổi là nhà thiết kế trò chơi và chồng 43 tuổi làm việc trong lĩnh vực bất động sản. Sau một thời gian tìm việc làm không thành công, họ quyết định nghỉ hưu sớm và sống nhờ số tiền tiết kiệm 3 triệu NDT (khoảng 43.000 USD). Hai vợ chồng sống cùng 2 chú mèo và không có kế hoạch sinh con. Họ cũng không quá lo lắng về việc phụng dưỡng bố mẹ già vì đã có lương hưu và bảo hiểm y tế.
Cặp vợ chồng cho biết, họ đã có một căn hộ trong thành phố, một chiếc xe hơi và không có khoản nợ nào. Mặc dù lối sống mới phải tiết kiệm, cắt giảm mọi chi tiêu không cần thiết nhưng họ đã tìm thấy sự bình yên và không còn phải chịu đựng những lo lắng đeo bám họ trước đây khi còn đi làm. "Tôi không còn bị ám ảnh bởi tiếng đồng hồ báo thức, cũng chẳng cần quan tâm đến bất kỳ tin nhắn nào của khách hàng hay sếp", người vợ 33 tuổi cho biết.
Chỉ tính riêng khoảng lãi tiết kiệm ngân hàng, họ đã nhận khoảng 10.000 NDT (khoảng 1.455 USD) hàng tháng, đủ để chi tiêu nhiều việc. Cặp đôi ước tính số tiền tiết kiệm ngân hàng sẽ đủ để trang trải cuộc sống trong vòng 30 năm.
"Một số người hỏi chúng tôi: Khi 70 tuổi thì sẽ ra sao? Tôi trả lời đến lúc đó hãy nghĩ về nó; Hãy hạnh phúc trong mọi khoảnh khắc. Nếu cuối cùng, phải sống cuộc sống khó khăn thì đó là sự lựa chọn của tôi", người phụ nữ cho biết.
Tuy nhiên, lối sống này gặp nhiều ý kiến trái chiều. "Tôi ghen tị với cách sống của họ. Tôi cũng muốn làm như vậy nhưng không thể không nghĩ đến tuổi già của mình", một người bình luận.
Một người khác nói: "Họ rất can đảm để đưa ra quyết định này. Thực tế, 3 triệu NDT không phải là một con số quá lớn ở Trung Quốc. Vẫn chưa thể lường trước được các rủi ro lớn nào. Thứ nhất, không sản phẩm tài chính nào có thể đảm bảo cung cấp cho họ đều đặn 10.000 NDT một tháng. Nếu lãi suất thay đổi theo chiều đi xuống, họ sẽ mất khả năng cân đối thu chi. Thứ hai, họ thậm chí còn chưa tính đến yếu tố lạm phát. Cuối cùng, kế hoạch của họ chỉ có thể diễn ra trơn tru với điều kiện quan trọng là không bị bệnh nặng."
Một người khác thì bình luận: "Cảm giác an toàn không bắt nguồn từ số tiền bạn đang có mà từ số tiền bạn sẽ làm ra trong tương lai từ một công việc ổn định. Nếu chỉ tiêu tiền mà không có nguồn thu nhập thì chẳng mấy chốc tiền tiết kiệm cũng không còn"…