01
Cuối năm, một nhân viên trẻ ở công ty xin nghỉ việc, cậu ấy muốn tìm một công việc mới trên thành phố, trước khi nghỉ việc, cậu ấy mời đồng nghiệp ăn một bữa.
Trong lúc ăn, mọi người nói chuyện về nghề nghiệp, về thế hệ trẻ ngày nay.
Người đầu tiên mọi người nói tới là Hưng, cậu ấy làm việc ở công ty đã được 7,8 năm.
Hai năm sau khi tốt nghiệp, Hưng làm việc rất nghiêm túc, nhiệt huyết, cảm giác như cậu ấy không bao giờ làm hết việc trong một ngày.
Cậu ấy tham gia vào công tác tuyên truyền, đi công tác, phỏng vấn, viết bài, biên tập… tăng ca là chuyện thường thấy.
Có một khoảng thời gian tôi cũng thường xuyên phải tăng ca, nhưng lúc tôi về, bàn làm việc của cậu ấy vẫn sáng đèn.
Cũng có những lúc vì muốn tránh phải chờ đợi thang máy quá lâu ở công ty, tôi luôn đi làm sớm hơn 1 tiếng, nhưng khi đến cũng đã thấy Hưng ngồi ở bàn làm việc, tôi còn nghe thấy giọng cậu ấy đọc thành tiếng các văn bản tiếng Anh.
Không những vậy, cậu ấy cũng rất tích cực tham gia các hoạt động của công ty. Đại hội thể thao, đêm giao thừa, thi cầu lông… không hoạt động nào thiếu cậu ấy.
Rất nhiều đồng nghiệp thấy Hưng chưa có người yêu cũng vì quý mến mà rất nhiệt tình giới thiệu cho cậu ấy.
Ảnh minh họa: Pinterest
Sau này, tôi đổi bộ phận, cũng không gặp cậu ấy nhiều.
Vài năm sau, trên một chuyến xe công cộng, cậu ấy chào tôi, tôi suýt chút nữa không nhận ra cậu ấy, râu tóc bù xù, cơ thể cũng mập, trông khá xuề xòa, không có tinh thần.
Hỏi ra mới biết, cậu ấy có con rồi, tối nào cũng phải chăm con nên không có nhiều thời gian nghỉ ngơi, chăm chút cho ngoại hình.
Khi tôi hỏi về công việc, cậu ấy cười khổ nói: "Chẳng ra làm sao cả, đến đâu hay tới đó thôi".
Cậu ấy nói tiếp:
"Làm việc bao nhiêu năm, ngày nào cũng làm những công việc y hệt như vậy, chẳng có ý nghĩa gì, không còn sự nhiệt huyết như ngày xưa nữa. Hơn nữa cũng không được thăng chức tăng lương. Trả tôi bao nhiêu, tôi làm bấy nhiêu thôi".
Công việc, chỉ cần làm đủ chức trách là được rồi. Hơn nữa, kết hôn có con rồi cũng không còn nhiều thời gian, sức lực nữa, ngày ngày đối phó với chuyện cơm áo gạo tiền thôi cũng đủ lắm rồi.”
Thời gian thực sự là một con dao sắc bén, chỉ trong vài năm, một thanh niên đầy nhiệt huyết đã bị biến thành một ông chú trung niên béo ú.
Gần đây công ty đang tinh giản tổ chức, sáp nhập bộ phận của Hưng, nghe nói lãnh đạo mới không thích cậu ấy, luôn phê bình cậu ấy làm việc không chăm chỉ, không nghiêm túc.
Hưng muốn chuyển bộ phận, nhưng không bộ phận nào nhận cả.
Cậu ấy mới 30 tuổi, tốt nghiệp trường đại học có tiếng. Làm sao một chàng trai trẻ vốn năng động, nhiệt huyết lại có thể rơi vào hoàn cảnh bị lãnh đạo không thích và sợ bị sa thải? Không lẽ cứ gần đến tuổi trung niên, sự nghiệp của con người ta lại có một nút thắt ư?
Câu chuyện của Hưng khiến tôi nhớ về lời nhân vật Red trong "The Shawshank Redemption" từng nói:
"Khi bạn mới vào tù, bạn ghét những bức tường cao xung quanh mình; dần dần, bạn sẽ quen với việc sống trong đó, và cuối cùng bạn sẽ phát hiện ra rằng mình phải dựa vào nó để tồn tại. Cái này gọi là hệ thống hóa".
"Hệ thống hóa", nó giống như nồi nước ấm luộc ếch, là vùng an nhàn của công việc và cuộc sống, con người ta ai cũng có tính lười, dễ mắc kẹt trong đó không thoát ra được.
Vì thói quen, vì sợ thay đổi, cuối cùng họ từ bỏ hy vọng và chấp nhận thực tế.
Những người trẻ ngồi trong văn phòng, họ ở trong một "hệ thống", và đã quá muộn để thoát ra.
02
Long từng là một thư ký lãnh đạo, và hiện là giám đốc điều hành cấp cao, anh ấy từng kể cho tôi nghe về kinh nghiệm làm thư ký của mình.
Long nói, trong những năm làm thư ký lãnh đạo, anh ấy đã được tham gia nhiều hội nghị, cuộc họp và nghe gần như đầy đủ các bài phát biểu quan trọng của lãnh đạo.
Trước khi viết bài phát biểu cho lãnh đạo, anh ấy sẽ tìm tất cả biên bản các bài phát biểu, cuộc họp của lãnh đạo về chủ đề này, đọc đi đọc lại, nhai từng câu để hiểu ý, tư tưởng của lãnh đạo.
Anh ấy tự cho mình là lãnh đạo, nghĩ nếu mình là lãnh đạo thì trong trường hợp này anh sẽ nói gì?
Mỗi cuộc họp chỉ diễn ra trong hai giờ, nhưng Long thường viết bài phát biểu đến nửa đêm. Anh luôn suy nghĩ trong đầu rằng, tại sao lãnh đạo lại phải nói như vậy?
Không ngừng suy nghĩ, không ngừng trau chuốt. Với sự luyện tập có chủ ý theo cách này, khả năng sắp xếp, sàng lọc, suy ngẫm và suy nghĩ sâu sắc của anh ấy đã không ngừng được cải thiện.
Ảnh minh họa: Pinterest
Sự nghiêm túc và đầu tư cho mỗi nhiệm vụ của anh đều có thể được nhìn thấy qua từng con chữ trong văn bản mà anh gửi cho lãnh đạo. Sếp rất hài lòng, và luôn nhận xét về anh rằng: "Tôi không cần thay đổi một từ nào trong các bài phát biểu mà cậu Long viết".
Hàng ngày tiếp xúc với con chữ, sự nhàm chán trong mắt người khác này lại là cơ hội trong mắt anh ấy. Đi theo một người xuất sắc, anh ấy cũng không ngừng tiến bộ.
Long luôn học hỏi những điều tốt nhất của người khác và trở thành phiên bản giỏi nhất của chính mình.
Bằng cách này, anh từng bước tiến bộ, trở thành cây bút quyền lực nhất trong công ty, và cũng trở thành một quản lý xuất sắc.
Có những người trẻ, họ có thể chịu được sự nhàm chán của công việc, họ không lùi bước dù cũng phải ở bên trong những bức tường cao.
Trong lòng họ luôn nuôi hy vọng, âm thầm rèn luyện bản thân mạnh mẽ hơn, để rồi một khi gặp được cơ hội, họ sẽ sải cánh vút bay lên trời.
Trên thực tế, trong nhiều trường hợp, thứ trói chặt chúng ta không phải là là những bức tường cao đó, mà là chính chúng ta, chính suy nghĩ của bạn đã dựng lên một kim tự tháp cao vời vợi ngăn bạn với thế giới phát triển ngoài kia.
Chỉ bằng cách phá bỏ những bức tường trong tâm trí, bạn mới có thể giành lại cuộc sống của mình.
Người quyết định vận mệnh của bạn thực ra, luôn là chính bạn.
03
Romain Rolland từng nói: "Hầu hết mọi người đều đã chết ở độ tuổi hai mươi hoặc ba mươi, bởi khi ấy, họ trở thành cái bóng của chính mình, lặp lại con người cũ của bản thân".
Phần lớn các bạn trẻ ngồi văn phòng đều đang từ từ trở nên lười biếng, mất dũng khí bứt phá, không dám nghĩ cũng chẳng dám làm, họ dần dần bị "hệ thống hóa".
Ảnh minh họa: Pexels
Công việc có thể là cố định, cuộc sống cũng có thể như vậy, nhưng suy nghĩ của bạn thì sao?
Những người trẻ tuổi có mục tiêu rõ ràng và niềm tin vững chắc đều sớm đã vượt qua được những bức tường cao của cái gọi là "hệ thống hóa" và giành lại cuộc sống của mình.
Họ giống như "sự tồn tại kiểu USB" mà một CEO từng đề cập đến như này: thông tin độc lập, không cần cài đặt hệ thống, cắm và rút bất cứ lúc nào, cộng tác tự do. Họ đủ mạnh để rời khỏi một hệ thống nào đó bất cứ lúc nào.
Thứ bị “hệ thống hóa" không phải là công việc của bạn, cũng không phải môi trường của bạn, mà là suy nghĩ của bạn.
Đừng bao giờ từ bỏ hy vọng, đừng trở nên lười biếng, hãy tiếp tục với niềm tin vững chắc, và chỉ có bạn mới có thể tự cứu mình.
Nguồn: Zhihu