Giúp đỡ bạn bè, hỗ trợ gia đình và tìm cách hòa hợp với mọi người là một điều tuyệt vời. Nhưng việc sống quá tử tế lại có thể mang đến một loạt “tác dụng phụ” tiêu cực.
Tiến sĩ Robin Buckley, một chuyên viên viên về nhận thức hành vi chia sẻ: “Quá tử tế có thể đơn giản là một cách khác để mô tả một người không thoải mái với việc khiến người khác thất vọng. Sự khó chịu có thể xuất phát từ trải nghiệm bị từ chối trong quá khứ, khi bạn bày tỏ ý kiến nhưng không được mọi người đón nhận hoặc thậm chí là tiền sử gia đình độc hại.
Dù là điều gì đi nữa thì nó đã tiêm vào đầu bạn việc phải luôn nói “có”, luôn nhún nhường, nhẫn nhịn để thể hiện là một người tử tế”.
Vấn đề là nếu toàn bộ cuộc sống của bạn được định nghĩa bằng việc “tử tế” và làm mọi điều để hài lòng mọi người xung quanh vì bạn sợ phải nói “không”, điều đó có thể khiến bạn cảm thấy kiệt sức - và thậm chí là tức giận sau một thời gian bị dồn nén. Quá tử tế hoặc không sống thật với cảm xúc của mình sẽ dẫn đến sự oán giận sâu sắc, những cảm xúc tiêu cực.
Khi bạn luôn sẵn sàng phục vụ người khác, bạn có xu hướng mất đi ý thức về con người của mình, bạn muốn gì và cảm giác của mình như thế nào. Điều này khiến bạn gần như không thể có những mối quan hệ chân thật.
Dưới đây là danh sách các dấu hiệu cho thấy bạn đang hơi sa đà vào việc trở thành một người “tử tế” quá mức, cũng như các mẹo để đạt được sự cân bằng tốt hơn.
“Xin lỗi” là câu cửa miệng
Những người quá tử tế có xu hướng thu mình và xin lỗi về mọi thứ, bất kể điều gì, dù bản thân đúng hay sai. Ngay cả khi mục đích của bạn là trở nên lịch sự và dễ gần, thì việc xin lỗi 24/7 hoàn toàn không cần thiết, và làm điều đó quá thường xuyên thậm chí có thể khiến từ “xin lỗi” mất đi ý nghĩa của nó.
Nhu cầu của bạn không bao giờ được đáp ứng
Người tử tế quá mức có xu hướng thu hút những người thích dựa dẫm, nhờ vả, ví như người yêu lười biếng, bạn bè luôn cần giúp đỡ, các thành viên trong gia đình với loạt những yêu cầu...
Câu chuyện sẽ bắt đầu trở nên tệ đi khi ở chiều ngược lại, những người này không bao giờ hiện diện khi bạn cần. Vì vậy, hãy xem nó như một dấu hiệu nếu bạn cảm thấy nhu cầu của mình không bao giờ được đáp ứng.
Bạn có thể nhận thấy rằng bạn không bao giờ có thời gian để đạt được mục tiêu của riêng mình hoặc những người trong cuộc sống của bạn hiếm khi đứng ra giúp đỡ bạn. Quá tử tế sẽ khiến mọi người có xu hướng để bạn thất vọng, bởi vì họ biết dù bạn cảm thấy khó chịu thì cũng sẽ không nói ra.
Cách để thay đổi từng bước một đó là cố gắng trung thực hơn về nhu cầu của bạn. Hãy cho bạn bè/người thân/người yêu của bạn biết rằng bạn mong muốn lời khuyên và sự hỗ trợ của họ.
Bạn cảm thấy phẫn nộ sau khi nói “vâng”
Bạn sẽ biết mình đang trở nên quá tử tế nếu bạn cảm thấy bực bội sau khi nói “có” với ai đó. Nếu bạn liên tục đồng ý làm mọi việc vì bạn muốn được yêu thích, chứ không phải vì bạn thực sự có thời gian và năng lượng, sự oán giận sẽ bắt đầu hình thành.
Mặc dù điều này không thể thay đổi trong một sớm một chiều, nhưng hãy tập nói “không” thường xuyên hơn. Hãy dành tất cả những lời đồng ý đó cho những thứ và những người thực sự quan trọng với bạn.
Nếu bạn lo lắng, hãy trả lời từ chối qua tin nhắn và tránh xa điện thoại, thứ có thể kết nối bạn với đối tượng nhờ vả. Làm như vậy sẽ giúp bạn tránh cảm giác tội lỗi và nguy cơ bị lung lay quyết định.
Bạn tránh đối đầu bằng mọi giá
Không thích tranh luận và đối đầu với người khác. Những người quá tử tế thường để những điều tồi tệ xảy đến với mình vì quá ngại lên tiếng, hoặc lo lắng rằng việc đáp trả sẽ làm thay đổi quan điểm của ai đó về họ.
Hãy tập trở nên quyết đoán, ngay cả khi lời nói đó khiến bạn trông lạnh lùng. Quyết đoán không có nghĩa là bạn phải xấu tính hoặc thô lỗ. Nó chỉ đơn giản là yêu cầu bạn đứng lên vì chính mình.