Một cuộc khảo sát với hơn 3.800 người tham gia trên LinkedIn cho thấy 55% sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn khi làm việc từ xa so với tại văn phòng. Ngoài ra, Wall Street Journal tiết lộ rằng 69% người tham gia khảo sát muốn làm việc từ xa trong ít nhất một nửa thời gian của tuần làm việc.
Thay vì tranh cãi về lợi ích của việc làm việc tại nhà so với làm việc tại văn phòng, chúng ta cần sự linh hoạt để tận dụng lợi thế tốt nhất của cả hai cách làm việc tùy thuộc vào nhiệm vụ trong tay hoặc trách nhiệm cá nhân bên ngoài văn phòng. Do đó, nhiều tổ chức đang thử nghiệm cách làm việc kết hợp.
Một mô hình phổ biến là có tất cả mọi người trong văn phòng từ Thứ Ba đến Thứ Năm với khả năng làm việc tại nhà vào Thứ Sáu và Thứ Hai để đảm bảo nhân viên có thể tận dụng tốt nhất cả hai cách làm việc trong tuần làm việc của họ.
Lý do nhiều Gen Z khắp thế giới không thích làm việc ở văn phòng 8 tiếng/ngày
Chỉ riêng ở Mỹ, số người đã bỏ việc vào năm ngoái lên đến 47,4 triệu, con số này chiếm hơn 1/4 tổng lực lượng lao động tại xứ cờ hoa. Tổ chức Great Resignation cũng đã cung cấp cho các nhà tuyển dụng một lời cảnh tỉnh và một thông điệp rõ ràng rằng việc thu hút và giữ chân nhân tài sẽ đòi hỏi một cách tiếp cận mới, nhất là đối với tầng lớp trẻ tài năng, năng động như Gen Z thời hiện đại.
Khi Gen Y chuẩn bị cho tuổi trung niên, nhiều thương hiệu và nhà tuyển dụng đang gặp khó khăn trong việc kết nối với nhân viên Gen Z. Lớp nhân viên thế hệ trẻ sau này dường như đang tìm kiếm một cách làm việc toàn diện hơn, lành mạnh hơn và linh hoạt hơn.
Khi Gen Y chuẩn bị cho tuổi trung niên, nhiều thương hiệu và nhà tuyển dụng đang gặp khó khăn trong việc kết nối với nhân viên Gen Z.
Milimo Banji, 25 tuổi, người sáng lập của công ty sáng tạo đầu tiên trên mạng xã hội TapIn, người đang thực hiện sứ mệnh chuẩn bị cho 100 triệu người trẻ bước vào môi trường làm việc, đồng thời giúp các nhà tuyển dụng thu hút và giữ chân nhân tài Gen Z.
Milimo đã chia sẻ rằng một ngày của anh ấy sẽ bắt đầu sớm hơn so với những người đi làm bình thường. Giờ ăn trưa bắt đầu bằng một chuyến đi đến phòng tập thể dục và anh ấy sẽ chợp mắt một chút vào buổi chiều, giấc ngủ ngắn này sẽ giúp tăng sự tỉnh táo và năng suất của anh ấy trong suốt thời gian còn lại trong ngày.
"Chúng tôi đã thiết lập những cách làm việc độc đáo của riêng mình, điều này đã mang lại hiệu quả khá tốt. Kết quả là, nhóm của chúng tôi làm việc năng suất và sáng tạo hơn bởi vì họ được trao quyền để làm việc theo những cách phù hợp với họ." - Milimo nói.
Khi khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển như hiện nay thì làm việc từ xa không còn được xem là trốn sau màn hình máy tính, đó phải được gọi là tầm nhìn chiến lược có khả năng mở rộng nhiều mối quan hệ, cộng tác được với mọi người trên khắp thế giới. Một vài năm trước, dường như suy nghĩ rằng chúng ta có thể làm việc với các đồng nghiệp ở lục địa khác chỉ qua một chiếc màn hình nhỏ là điều không tưởng. Nhưng cách làm việc linh hoạt này đang gia tăng nhanh chóng trong các công ty khởi nghiệp. Cách làm việc mới này cũng đang giúp họ mở rộng quy mô và phát triển nhanh hơn so với nhiều công ty đang ế ẩm vốn cũng như đang bị tụt hậu bởi các quy trình cổ điển hay thậm chí là bảo thủ của họ.
Một vài năm trước, dường như suy nghĩ rằng chúng ta có thể làm việc với các đồng nghiệp ở lục địa khác chỉ qua một chiếc màn hình nhỏ là điều không tưởng.
Mỗi công ty cần học cách tôn vinh sự khác biệt của mỗi người hơn là cố gắng khiến mọi người làm việc theo cùng một cách cứng nhắc. Ở một nơi có cách làm việc kết hợp giữa làm việc tại văn phòng và làm việc từ xa thì người hướng nội và người hướng ngoại sẽ phát triển theo những cách khác nhau, đồng thời cũng sẽ phát triển theo hướng tốt nhất mà họ có thể. Bất kể nhân viên trong công ty thuộc thế hệ nào thì luôn sẽ có một số nhân viên thích làm việc tại văn phòng, trong khi đồng nghiệp của họ có thể chọn yêu thích cách làm việc tại nhà hơn. Bên cạnh đó, một số người khác sẽ liên tục trôi dạt từ cách làm việc này sang cách làm việc khác tùy thuộc vào nhiệm vụ và công việc họ phụ trách.
Một trong những thay đổi quan trọng nhất trong thái độ của chúng ta đối với công việc là phải nhận thức ngày càng cao với sự phát triển như vũ bão của công nghệ hiện đại. Các nhà tuyển dụng cần rời xa việc đo lường hiệu suất của nhóm bằng số giờ nhân viên ngồi trên bàn làm việc. Nếu không phải là một công việc đặc thù cần túc trực tại văn phòng thì dường như không quá quan trọng việc một nhân viên đạt được mục tiêu của họ ở đâu, dù ở văn phòng, ở nhà hay thậm chí trên bãi biển. Phần lớn nhân viên đều mong muốn người sử dụng lao động cho họ sự linh hoạt để chọn nơi làm việc tốt nhất cũng như được giao quyền tự quản lý lịch trình và mục tiêu của họ.
Các nhà tuyển dụng cần rời xa việc đo lường hiệu suất của nhóm bằng số giờ nhân viên ngồi trên bàn làm việc.
Ngoài ra, người sử dụng lao động có thể gặt hái được nhiều lợi ích từ một đội ngũ có động lực và gắn bó cao, mang lại chất lượng công việc cao hơn bằng cách cho người lao động tự do lựa chọn làm việc ở nơi họ cảm thấy thoải mái và năng suất nhất.
Có phải Gen Z nào cũng thích được làm việc linh hoạt và cho rằng ở lì 8 tiếng/ngày trong văn phòng là lỗi thời?
Trả lời cho câu hỏi này, Trần Đức Duy (23 tuổi, hiện là trợ giảng tại một trung tâm tiếng Anh) cho biết: “Hiện tại mình luôn làm việc 8 tiếng/ngày. Mỗi ngày, mình sẽ bắt đầu với việc hỗ trợ học viên trong phòng máy, kiểm tra các lớp học, cập nhật tiến độ của học viên và tổ chức các hoạt động khác.
Theo mình, cách làm việc nào cũng sẽ có ưu và khuyết điểm riêng. Làm việc 8 tiếng/ ngày sẽ mang tính ổn định, bạn sẽ quản lí được thời gian và khối lượng công việc của mình mỗi ngày. Tuy nhiên việc mặc định thời gian làm việc sẽ khiến bạn thấy cứng nhắc, đôi khi ngột ngạt vì không có tính linh động. Ngược lại, công việc có thời gian linh hoạt giúp bạn có thể linh hoạt làm việc, có thể có thêm thời gian làm các công việc khác hay thời gian cho bản thân miễn là bạn có thể hoàn thành công việc. Nhưng điều này yêu cầu bạn phải là một người có tính kỷ luật, sắp xếp thời gian và công việc một cách hợp lí để đảm bảo tiến độ. Bên cạnh đó, mình nghĩ rằng tính chất công việc sẽ yêu cầu thời gian làm việc tương ứng. Chẳng hạn như công việc của mình, nếu mình đã hoàn thành việc cập nhật tiến độ học của học viên, mình vẫn cần ở lại trung tâm để trực phòng máy và hỗ trợ các học viên ở đó. Đây là tính chất công việc của mình. Nên việc lựa chọn cũng như đưa ra các ý kiến rằng 8 tiếng/ ngày ở văn phòng là lỗi thời thì mình không thực sự đồng tình”.
Nguyễn Hoàn Bảo Khuyên (22 tuổi, hiện là nhân viên chăm sóc khách hàng của một công ty quảng cáo) chia sẻ quan điểm cá nhân: “Bản thân mình thì hiện tại đang làm việc theo thời gian cố định 8 tiếng/ ngày hoặc hơn tuỳ theo mức độ hoàn thành công việc. Thường thì mình sẽ đến công ty sớm một tí, kiểm tra mail, lên danh sách trước các công việc mình cần làm hoặc cần theo dõi, sau đó thì sếp sẽ giao cho mình thêm các công việc khác, đồng thời tham gia họp (nếu có).
Nếu bảo mình chọn thích giữa làm việc với thời gian linh hoạt hay cố định như hiện tại thì cũng thật khó lựa chọn mình sẽ thích cái nào hơn vì cái nào cũng có ưu và khuyết điểm của nó. Với mình thì công việc 8 tiếng/ ngày sẽ giúp bản thân có một khung ràng buộc nhất định, mình sẽ làm việc và không làm bất cứ cái gì khác ngoài công việc. Trên hết, đa số mọi người và các doanh nghiệp đều làm việc 8 tiếng/ ngày, nên việc cố định một khoảng thời gian giống nhau giúp sự tương tác và hoạt động giữa các bên diễn được ra được tốt hơn.
Tuy nhiên điểm bất lợi khi làm việc 8 tiếng một ngày là sẽ có phần gò bó, áp lực hơn, cũng như khó cho các bạn học thêm những thứ khác trong khung đó. Còn thời gian linh hoạt thì mọi thứ sẽ linh hoạt hơn do bản thân được làm chủ về mặt thời gian, nếu xong công việc mình còn có thể có thời gian cho gia đình, bạn bè và nhiều thứ khác.
Không ít nhân viên văn phòng hiện nay không có thời gian để dành cho bản thân và gia đình, lâu dần dẫn đến sự kiệt quệ, mỏi mệt về tinh thần lẫn cơ thể. Bên cạnh đó, bất lợi của thời gian linh hoạt thì mình nghĩ là bản thân sẽ dễ lười hơn, và như mình nói phía trên, khi khung làm việc của mọi người và doanh nghiệp không khớp với nhau thì tiến trình làm việc sẽ không hiệu quả. Cái này có lẽ tuỳ đặc thù nghề nghiệp, nếu những nghề cần sự phản hồi nhanh như bác sĩ, nhân viên chăm sóc khách hàng thì mình nghĩ cố định 8 tiếng sẽ tốt hơn.
Nếu có cơ hội, mình nghĩ mình cũng muốn thử sức với công việc có thời gian linh hoạt, vì với mình thì không phải trong 8 tiếng làm việc ở văn phòng bản thân đều có thể tập trung và năng suất trong công việc, và một phần mình nghĩ bản thân cũng nên có một khoảng thời gian riêng cho cá nhân học tập phát triển ngoài lề.
Hiện nay, có rất nhiều Gen Z năng động và giỏi, các bạn biết tối ưu hoá thời gian cho công việc nên thực sự các bạn có thể hoàn thành công việc sớm. Nhưng mình nghĩ làm việc 8 tiếng/ ngày là không lỗi thời bởi có những nghề nghiệp đòi hỏi 8 tiếng đó mới có thể hoàn thành tốt".
Nói về những ý kiến cho rằng làm việc 8 tiếng/ngày là lỗi thời, Nguyễn Phước Phú Vinh (22 tuổi, hiện là chuyên viên pháp lý của một công ty Luật) cho rằng: “Ý kiến đó vẫn đúng, nhưng không hoàn toàn phù hợp đối với tất cả các ngành nghề. Vẫn có các ngành nghề đòi hỏi nhân viên phải có mặt tại nơi làm việc để cập nhập, quản lý hồ sơ, giấy tờ… hoặc trao đổi trực tiếp giữa các phòng ban, khách hàng như công việc hiện tại của mình. Nếu được chọn lại, bản thân mình vẫn sẽ chọn làm công việc hiện tại với thời gian 8 tiếng/ ngày. Bản thân mình cũng đã từng làm qua các công việc khác có tính chất và thời gian linh hoạt hơn nhưng cảm thấy không phù hợp.
Hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp mới thành lập nên nhu cầu tuyển dụng nhân lực rất đa dạng, ngành nghề hiện nay cũng rất phong phú nên các Gen Z có rất nhiều sự lựa chọn cho mình.
Hơn nữa sự phát triển của mạng xã hội dẫn đến sự lầm tưởng về thế giới “màu hồng” khiến các bạn dễ chán nản, bỏ việc khi cảm thấy công việc không như mình nghĩ. Mình không ủng hộ cũng không phản đối việc lựa chọn công việc có tính chất tự do, linh hoạt hay công việc có tính ổn định, nhảy việc liên tục hay gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Bởi lẽ vốn dĩ những lựa chọn này được đưa ra không phải do cá nhân đó thuộc Gen Z hay Gen nào khác mà xuất phát từ nhiều nguyên nhân như tính cách, mức độ trải nghiệm, sự phù hợp, văn hóa, chính sách của doanh nghiệp…
Vậy nên, không thể nói làm việc 8 tiếng/ ngày là lỗi thời vì tùy vào mỗi người sẽ có những lựa chọn khác nhau phù hợp với bản thân mình”.
Tạm kết
Hiện nay, có nhiều người trẻ năng động thử sức bản thân bằng cách làm nhiều công việc cùng lúc. Nếu bạn là một phần của xu hướng này, khả năng cao bạn sẽ phải thương lượng với sếp để được làm việc linh hoạt, và cân bằng thời gian tốt hơn.
Khi bạn làm việc ở nhà, dù chất lượng công việc vẫn đảm bảo, sếp vẫn có khuynh hướng đánh giá cao những nhân viên làm tại văn phòng hơn. Theo Forbes, rất nhiều lãnh đạo quen với cách làm việc truyền thống “đến sớm về khuya" nên thường đo lường hiệu suất làm việc của nhân viên bằng việc có mặt tại văn phòng thay vì kết quả công việc. Vậy nên bạn hãy cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định bản thân sẽ theo đuổi cách làm việc như thế nào nhé!
Nguồn: Cybernews
Ảnh: Pinterest, NVCC