Nơi làm việc là nơi bạn có thể thấy rõ nhất cách một người cư xử. Trần Vượng (làm việc tại Bắc Kinh, Trung Quốc) đã gặp phải một tình huống đặc biệt tại văn phòng.
Đồng nghiệp vay tiền 1 năm vẫn "bặt vô âm tín"
Do có kết quả tốt trong hai năm làm việc, Trần Vượng được cử đến làm lãnh đạo cho một dự án mới. Trong nhóm mới, anh quen được một người bạn tên là Vân Tường. Do hai người bằng tuổi và có nhiều điểm chung nên nhanh chóng làm quen và trở nên thân thiết.
Một ngày, Vân Tường đến hỏi vay 500 NDT, tương đương khoảng 1,7 triệu đồng. Thấy số tiền đó không nhiều, Trình Tông đã chuyển trực tiếp cho người đồng nghiệp của mình.
Khi dự án kết thúc, cả hai được giao cho nhiệm vụ mới. Vì công việc bận rộn nên thời gian gặp và trò chuyện cũng giảm nhiều. Có một điều khiến Trần Vượng luôn cảm thấy khó xử là đã hơn nửa năm trôi qua mà Vân Tường vẫn chưa đề nghị trả lại 500 NDT. Anh cũng không dám chủ động nhắc bạn trả tiền vì sợ đánh giá là keo kiệt.
Một năm sau khi cho bạn vay tiền, Trần Vượng nhận được thiệp cưới từ Vân Tường. Anh phân vân: Trước kia bạn mượn 500 NDT, một xu cũng không trả lại, hiện tại kết hôn lại mời mình. Vấn đề là có nên đi phong bì hay không?
Sau một hồi suy nghĩ, Trần Vượng vẫn quyết định đến dự đám cưới của bạn. Anh cũng không quên mang theo một khoản tiền mừng. Điều mà anh không ngờ đến là khi đến dự lại được chính chú rể đưa cho một phong bao màu đỏ.
Hình minh họa. Ảnh: Freepik
Sau khi trở về nhà, anh "chết lặng" khi mở phong bì vì thấy ở bên trong có tới 2000 NDT (khoảng 6,8 triệu đồng).
Điều khiến Trần Vượng ngạc nhiên vẫn chưa hết. Mười ngày sau, Vân Tường gửi tin nhắn mời anh đi ăn tối sau khi hết giờ. Đến địa điểm đã hẹn, anh ngạc nhiên không nói nên lời.
Trong phòng ăn không chỉ có Vân Tường mà còn có ông chủ của công ty. Đến lúc này anh mới biết người bạn này là em trai của chủ tịch. Vì ở nhà quá nhàm chán nên Vân Tường xin anh trai một vị trí ở công ty. Chính cách ứng xử của anh đã khiến cấp trên yêu mến và đánh giá cao.
Đòi nợ cũng cần "nghệ thuật"
Maryanne Parker, nhà sáng lập của một công ty tư vấn tài chính cho biết: "Trong nhiều trường hợp, việc bạn yêu cầu người vay trả tiền cho mình có thể gây ra nhiều bất tiện và bất lợi".
Theo bà, cách tốt nhất để đòi lại tiền phụ thuộc vào mối quan hệ của bạn với người vay, số tiền nợ và tình hình hiện tại của họ.
"Nếu cho anh, chị, em của mình vay tiền, bạn sẽ không cảm thấy khó xử khi yêu cầu trả lại, đặc biệt nếu gia đình bạn có ‘truyền thống’ vay tiền là phải trả tiền. Còn nếu cho người khác vay, bạn có thể khéo léo dùng một số cách để không làm hỏng mối quan hệ.
Ngay từ lúc cho vay, bạn nên nói rõ rằng bạn để họ mượn tiền chứ không cho họ. Ngoài ra, hãy nêu rõ khoảng thời gian mà bạn muốn số tiền được hoàn trả. Nhiều người vô tình hoặc cố ý hiểu sai việc này vì người cho vay khá giả hơn họ. Nếu không làm rõ từ đầu, họ có thể ỷ lại và vay mãi không chịu trả.
Hình minh họa. Ảnh: Liepin
Thậm chí, họ còn cảm thấy khó chịu hơn người cho vay khi bị đòi tiền. Tất nhiên, họ gặp khó khăn về tài chính nên mới đi vay nhưng điều đó không có nghĩa là người cho vay không được đòi lại khi mình cần. Nhìn chung, việc cho vay khiến chúng ta rơi vào tình trạng khá bất lợi", Parker nói.
Bà khuyên rằng nếu chưa nêu rõ ngày trả nợ từ đầu, bạn hãy tìm cách khéo léo để đòi nợ. Ví dụ, bạn có thể yêu cầu họ trả tiền theo từng đợt để giảm bớt gánh nặng. Tuy nhiên, không nên viết điều khoản trả nợ bằng văn bản, trừ khi người đó nợ bạn số tiền đáng kể.
Theo Parker, đòi nợ theo kiểu trịch thượng hay gay gắt chắc chắn sẽ làm xấu đi mối quan hệ của bạn. Ngược lại, khéo léo nhưng kiên quyết sẽ giúp bạn vừa lấy lại được tiền vừa không làm rạn nứt mối quan hệ giữa hai bên.
Theo Toutiao, GBR