Đóng tới 6 cửa hàng trong một năm, hội làm chủ ở Đà Lạt “cắt lỗ”: Nếu mãi mang tâm lý nạn nhân sẽ không thấy được cái sai

Những người làm chủ lâu năm ở Đà Lạt đang có suy nghĩ gì khi loạt địa điểm hot ở thành phố này bất ngờ dừng hoạt động?

Từng là điểm đến hot trend trên bản đồ của hội thích xê dịch, Đà Lạt giờ đây có phần bớt sôi động hơn trước. Không khó để bắt gặp những homestay thông báo đóng cửa, quán cafe, quán ăn gỡ biển hiệu, thay vào đó là tấm bảng sang nhượng,... Ai đã từng đến Đà Lạt trước đây, hẳn đều khó có thể tưởng tượng một ngày, thành phố được rất nhiều người yêu thích lại rơi vào tình trạng này.

Đứng trước tình thế này, nhiều người làm chủ cũng khá “đau đầu” khi phải nghĩ cách xoay sở, chuyển hướng để phù hợp. Tuy nhiên với những người làm kinh doanh lâu năm, họ chọn đối mặt với “sóng gió” theo một tâm thế khác. Không ủ rũ, không đổ lỗi, mà chấp nhận những lúc “kinh tế chưa vui” và tìm cách thay đổi.

Cùng nghe thêm chia sẻ thực tế đến từ những người đang làm chủ các mô hình kinh doanh ở Đà Lạt hiện tại:

- Chị Bạch Kim, Co-founder của nhiều thương hiệu nổi tiếng: Cối xay gió, YAM - ChiangMai in Đalat,...

- Uyên Trinh, founder của Wasabi Vintage - tiệm bán đồ si kết hợp quán cafe và chủ một homestay tại Đà Lạt.

Tư duy làm chủ lúc này: Không mang tâm lý “nạn nhân”, chấp nhận cắt lỗ mới có thể vực dậy

Chị Bạch Kim là người Đà Lạt, gắn bó với thành phố này từ khi sinh ra, sau đó học xong quyết trở về quê hương để lập nghiệp. Tính đến hiện tại, chị Kim đã có 12 năm kinh doanh với nhiều mô hình trong ngành F&B cực nổi tiếng. Cho những ai chưa biết, chị Kim cùng những đồng nghiệp của mình chính là người đứng sau bức tường vàng “gây bão” nhiều năm - tạo thành biểu tượng check-in khi đến Đà Lạt.

Thế nhưng cuối năm 2023, chị Kim buộc phải đóng đến 6 cửa hàng. Dù đã kinh doanh lâu năm nhưng chị Kim thừa nhận, đây là lần đầu tiên bản thân trải qua đợt suy thoái kinh tế. Song, vì nhận định đây là tình hình chung nên chị chọn vui vẻ đón nhận, coi đó như một trải nghiệm cần có.

“Kinh doanh thất bại có nhiều lý do. Nhưng mình không đổ lỗi cho kinh tế hay bị đòi mặt bằng,... mà mình cũng cần nhìn nhận bản thân người làm chủ có trách nhiệm trong việc này. Mình non trẻ, chưa có những chuẩn bị tốt cho thời điểm đi xuống. Nếu cứ mãi đổ lỗi và mang tâm lý nạn nhân, sẽ không thấy được lỗi của mình, như vậy càng không thể vực dậy.

Nói riêng về phía công ty mình thì nhiều lỗi sai lắm: Quản lý chưa tốt, chưa phân tích được rủi ro hay khi kinh tế từ đầu năm dù đã thấy không ổn nhưng không quyết liệt cắt giảm nữa,...” , chị Kim chia sẻ về tình hình kinh doanh hiện tại.

Đóng tới 6 cửa hàng trong một năm, hội làm chủ ở Đà Lạt “cắt lỗ”: Nếu mãi mang tâm lý nạn nhân sẽ không thấy được cái sai - Ảnh 1.

Chị Bạch Kim, Co-founder của nhiều thương hiệu nổi tiếng tại Đà Lạt

Cũng theo chị Kim, khi một mô hình sụp đổ sẽ kéo theo nhiều thiệt hại khác ngoài tiền. Đương nhiên khi đóng tới 6 cửa hàng, nguồn tiền sẽ chững lại gây ảnh hưởng đến các vấn đề tài chính. Ngoài ra, đối với cá nhân chị Kim, việc chia tay nhân sự cũng là một trong những điều mà người làm chủ không ai mong muốn, song đó là cách để “sống còn” trong giai đoạn này.

Tuy nhiên đứng trước tình hình này, chị Kim vẫn tìm được cho mình những góc nhìn tích cực, cho rằng đây là thời điểm để thay đổi tư duy, chuyển biến mô hình kinh doanh sao cho phù hợp nhất có thể. Chị Kim chia sẻ: “Cách để mình vượt qua là chấp nhận rằng mình đang đi xuống, cắt lỗ, đối diện với sự thật và tìm cách đi tiếp. Thời kỳ này kinh tế thay đổi rồi, mình phải cần đặt câu hỏi rằng có thể bỏ cái tôi qua một bên để học cái mới không, có bắt tay lại từ đầu, làm từ những điều nhỏ nhất không.

Mình cũng có giai đoạn tinh thần không mạnh mẽ lắm nhưng nhìn đồng đội, nhân sự vẫn đang cố gắng là dấu hiệu để mình tin tưởng đi tiếp. Dù khách hàng bây giờ có giảm nhưng chỉ cần có khách đến, mình vẫn phải phục vụ để họ hài lòng, tập trung vào chất lượng và lấy đó làm tiền đề để tốt hơn”.

Đóng tới 6 cửa hàng trong một năm, hội làm chủ ở Đà Lạt “cắt lỗ”: Nếu mãi mang tâm lý nạn nhân sẽ không thấy được cái sai - Ảnh 2.
Đóng tới 6 cửa hàng trong một năm, hội làm chủ ở Đà Lạt “cắt lỗ”: Nếu mãi mang tâm lý nạn nhân sẽ không thấy được cái sai - Ảnh 3.

Chị Kim chia sẻ chấp nhận đóng 6 cửa hàng để tập trung duy trì những mô hình kinh doanh khác

May mắn hơn khi không phải đóng cửa các mô hình kinh doanh, Uyên Trinh nhận định về tình hình ở Đà Lạt hiện tại: “Khi phần lớn mọi người đều bị ảnh hưởng thu nhập, du khách cũng sẽ cân nhắc và dè dặt cho việc chi tiêu vào các chuyến đi chơi, du lịch nên tình hình kinh doanh ở Đà Lạt cũng gặp nhiều khó khăn. Song, mình cũng nghĩ đây là thực trạng chung mà bất cứ ai làm chủ đều cần có sự chuẩn bị để đối mặt”.

Ngoài ra, Uyên Trinh cũng cho hay Đà Lạt là thành phố đáng sống nhưng không đồng nghĩa là “dễ sống”. Theo đó, không phải ai cứ lên lập nghiệp, mở quán là cũng gặt hái được thành công. Mà những người làm chủ cần tìm hiểu rõ về văn hóa, khí hậu, cảnh quan và con người ở đây, bởi nếu không phù hợp, việc đào thải cũng là chuyện không sớm thì muộn.

Đóng tới 6 cửa hàng trong một năm, hội làm chủ ở Đà Lạt “cắt lỗ”: Nếu mãi mang tâm lý nạn nhân sẽ không thấy được cái sai - Ảnh 4.

Uyên Trinh

Dù kinh doanh ồ ạt theo trend hay làm ăn bền vững, cần làm gì để “sống sót”?

Từng có bức tường vàng tạo trend nhiều năm nhưng rồi cũng phải thay đổi, chị Kim bày tỏ về việc kinh doanh theo xu hướng: “Mình đã xây dựng 1 thương hiệu tốt, còn nếu mình làm không tốt thì khi nó xuống dốc, không thể trách ai được. Việc đào thải của thị trường là hiển nhiên, quan trọng chúng ta cần nhìn ra được vấn đề tại sao mình không làm tốt được như xưa và dành thời gian tìm ra sự cải tiến, thay đổi để phù hợp hơn”.

Chị Kim cũng cho rằng chọn kinh doanh theo trend hay làm ăn bền vững sẽ là chiến lược của mỗi người chủ, không thể đánh giá được mô hình nào tốt hơn. Song, dù làm theo hình thức nào, yếu tố quan trọng nhất vẫn phải là chất lượng, giá trị mang lại cho khách hàng, cho nhân sự của mình.

“Làm kinh doanh, chắc chắn phải thay đổi tư duy liên tục. Nếu mình không cập nhật, mình cũng sẽ phải ra khỏi thị trường nhường sân cho các thương hiệu làm tốt hơn. Đúng là Đà Lạt có một số hình ảnh chưa được đẹp nhưng công bằng mà nói, ở đây cũng nhiều thương hiệu làm tốt. Còn nếu kinh doanh theo kiểu “ăn xổi”, có lẽ cũng ra khỏi thị trường sớm vì ở đâu cũng sẽ có thương hiệu bền với thời gian. Do đó, nếu mình vẫn luôn duy trì chất lượng thì khách hàng sẽ đến và quay lại”, chị Kim nói.

Đóng tới 6 cửa hàng trong một năm, hội làm chủ ở Đà Lạt “cắt lỗ”: Nếu mãi mang tâm lý nạn nhân sẽ không thấy được cái sai - Ảnh 5.

Bức tường vàng như một biểu tượng check-in tại Đà Lạt

Đóng tới 6 cửa hàng trong một năm, hội làm chủ ở Đà Lạt “cắt lỗ”: Nếu mãi mang tâm lý nạn nhân sẽ không thấy được cái sai - Ảnh 6.

Uyên Trinh dành nhiều tâm huyết cho từng mô hình kinh doanh của mình

Đồng tình với quan điểm này, Uyên Trinh cho hay: “Có một số quán mở ra để bán không gian cho du khách tới check-in, như vậy sẽ chỉ trải nghiệm một lần sau đó đi quán khác. Muốn thu hút khách trở lại, người làm kinh doanh cần thường xuyên đổi mới, phù hợp với nhu cầu hiện tại cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ”.

Cuối cùng, chị Bạch Kim cho rằng việc có nhiều người tới Đà Lạt khởi nghiệp, không làm ảnh hưởng đến thị trường kinh doanh chung. Mà ngược lại, đó là minh chứng để thấy thành phố này đáng sống, đáng kinh doanh. Và khi thị trường lớn hơn, tính cạnh tranh cao hơn, tất cả bắt buộc phải nâng tầm để giữ chân được du khách.

“Nhiều người hay hỏi mình về kinh nghiệm sống ở Đà Lạt. Thật ra, mình không có gì ngoài tình yêu với Đà Lạt. Mình cũng là người từ thành phố khác đến đây lập nghiệp, chọn nơi này để sinh sống nên mình luôn mong muốn những gì tốt đẹp nhất với Đà Lạt.

Ở đâu cũng vậy chúng ta đều phải làm việc, phải đánh đổi nhiều thứ, có thất bại, có thành công để được cuộc sống chúng ta mơ ước. Nếu bạn đến với thành phố này để khởi nghiệp theo mong muốn và ước mơ của bạn, hãy cùng nhau mỗi người 1 tay, một hành động nhỏ, một mô hình tốt, lan tỏa ra nhiều thương hiệu tốt thì mọi thứ sẽ từ từ trở lại và khởi sắc hơn”, Uyên Trinh bày tỏ.