Từ khi sinh ra, bộ não của chúng ta dường như đã được lập trình hàng tá lý lẽ "cao siêu", một người thành công là phải như thế nào? Một đứa trẻ ngoan phải nên hành xử ra sao? Những luật lệ bất thành văn đó đã vô tình xiềng xích con người không thể trải nghiệm được một cuộc sống chân thật. Những lý lẽ đó nhìn sơ thì thấy nó rất giống một lẽ đương nhiên, nhưng nếu bạn đủ "tỉnh táo" thì bạn sẽ thấy nó đầy rẫy những lỗ hổng phi lý.
Khi chúng ta mù quáng đi theo lề lối mà xã hội đặt ra mà không có sự tự chọn lọc, thì cuộc sống sẽ dần mất đi ý nghĩa thuần khiết của nó và trở nên tẻ nhạt, bận rộn bất hạnh. Đơn giản mà nhìn nhận như thế này, có lẽ cuộc đời của những loài động vật khác chỉ có hai chữ "sinh tồn", nhưng bản thân chúng ta là loài người, mang danh là loài có trí tuệ nhất hành tinh, chẳng lẽ ý nghĩa cuộc sống của chúng ta chỉ có "sinh tồn" thôi hay sao? Tất bật cả đời chính là ý nghĩa cuộc sống của chúng ta sao?
Và thế, câu hỏi đã được nhắc lại, rốt cục ý nghĩa cuộc sống của chúng ta là gì?
Dựa theo dữ liệu khảo sát được thực hiện ở Hoa Kỳ vào năm 1965, người ta nói so với 40 năm trước thì thời gian làm việc trung bình của người Mỹ mỗi tuần đã giảm 12 giờ. Nhưng lại có một hiện tượng rất kỳ quái như thế này, ở những nơi càng kém phát triển, càng lạc hậu và nhóm người ở đó được tiếp thu giáo dục càng ít thì họ lại càng có cuộc sống an nhàn.
Còn theo một cuộc khảo sát của đại học Harvard về những người được gọi là giới tinh hoa ở nơi công sở cho thấy 94% trong số họ phải làm việc ít nhất 50 giờ một tuần. Mà trong số những người này, những người bận rộn nhất thường là những người có học thức cao, đã kết hôn, phụ nữ độc thân và phụ nữ đã ly hôn. Trong tâm lý học có một cụm từ có thể định nghĩa những người luôn tất bật như thế, gọi là "khó chịu khi có thời gian rảnh".
Hiện tượng này thể hiện rất rõ ràng ở môi trường công sở của Trung Quốc, đó là chưa kể đến tình hình cạnh tranh ngày nay quá khốc liệt, ngày càng có nhiều người hy sinh sức khỏe và thời gian dành cho gia đình để dồn hết cho công việc.
Tôi có một người bạn 38 tuổi bị ung thư gan, khi anh ấy qua đời, tôi nhận ra một điều rằng, cái chết không đáng sợ, bận rộn cả một đời mới đáng sợ.
Anh ấy có một gia đình nhỏ. Lúc vợ chồng anh mới kết hôn, chi tiêu trong gia đình cũng không quá lớn, thỉnh thoảng hai người còn có thể đi xem phim, mua mấy món đắt tiền cũng không cần nghĩ ngợi gì nhiều. Nhưng sau khi có con, áp lực của họ đã tăng đột biến, giải pháp cuối cùng là anh ấy phải từ bỏ công việc hiện tại và đến thành phố lớn để tìm việc với mức lương cao hơn. Hai vợ chồng từ đó chỉ có thể nói chuyện qua điện thoại.
Tuy nhiên, do công việc bận rộn nên đôi khi anh ấy cũng không thể trả lời tin nhắn của vợ ngay được, vợ biết anh làm việc bận rộn nên cũng ít nhắn tin riêng hơn, dần dần mối quan hệ của cả hai cũng trở nên lạnh nhạt.
Sinh con chưa được bao lâu thì người vợ bỏ con để cặp kè với người đàn ông khác. Khi bạn tôi mất, đứa bé chỉ mới 5 tuổi. Mỗi khi kể về câu chuyện của người bạn này tôi đều rất buồn.
Tôi nghĩ trên thế giới này cũng có nhiều người giống như anh, thật ra không phải chúng ta không có khả năng yêu, cũng không phải không muốn yêu, mà là cuộc sống tạo áp lực quá lớn khiến chúng ta không thể yêu được, thậm chí không có thời gian để yêu.
Thật lòng mà nói thì khi đối mặt với sự sinh tồn hoặc khó khăn có lẽ chúng ta đều không thực sự sợ chết, cái chúng ta lo lắng chính là trách nhiệm gánh trên vai quá nặng nề, vô hình trung kéo chúng ta lao vào công việc, bán mạng đến nỗi không thể nghỉ ngơi, cuối cùng ngã quỵ trong bệnh viện.
Nhưng suy cho cùng thì sao? Dù bạn đã có đủ hết tất cả tiêu chí thành công của xã hội rồi thì liệu bạn sẽ biết đủ chứ? Cho nên điểm mấu chốt không phải do những trách nhiệm vô hình đó mà là do chính chúng ta. Chính chúng ta tạo nên cuộc sống của mình, không một ai khác có thể ép chúng ta làm khác đi, nếu bạn đủ dũng cảm, sự kiên trì và niềm tin, bạn sẽ vẽ nên được cuộc đời mơ ước của mình.
Tôi từng nghe một câu nói rất hay như thế này: "Khi bạn không biết phải đi đâu, hãy đi theo tiếng gọi của trái tim mình." Hãy tạo ra cuộc đời độc nhất vô nhị của riêng bạn mà không cần phải nghe theo bất kỳ ai, khi đó bạn sẽ tìm được ý nghĩa cuộc sống của mình, có lẽ cũng sẽ bận rộn đấy, nhưng bạn sẽ thấy hạnh phúc vì điều đó, vì bạn đang chân thật được "sống" chứ không phải chỉ "tồn tại".