Duy trì tình bạn bền lâu khi đã trưởng thành

Khi trưởng thành, chúng ta dần trở nên xa cách và khó tìm được tiếng nói chung với những người bạn đã lâu không có dịp gặp mặt. Dưới đây là 6 lời khuyên để duy trì tình bạn bền vững dành cho hội bạn thân ở giai đoạn trưởng thành.

1. Nghĩ đến lý do tại sao trở thành bạn bè

Khoảnh khắc lần đầu tiên gặp mặt, những ấn tượng về nhau, những câu chuyện cũ, những trò đùa mà chỉ các bạn mới hiểu… tất cả điều đó chính là “chất keo” giúp kết nối các bạn lại với nhau, đồng thời gợi nhắc về khoảng thời gian vui vẻ và hồn nhiên mà bạn cùng bạn bè của mình đã từng trải qua. Dù đã trưởng thành và mỗi người đều có hướng đi riêng, những câu chuyện xưa cũ luôn có tác dụng kết nối, hàn gắn tình bạn mỗi khi bạn bè có dịp gặp lại nhau. Vì vậy, khi có cơ hội, đừng ngại ngần ôn lại những kỷ niệm cũ cùng nhau.

2. Cùng tạo nên những kỷ niệm mới

Hồi tưởng về quá khứ luôn khiến chúng ta cảm thấy bồi hồi, hạnh phúc. Nhưng để một mối quan hệ được lâu bền, kể cả tình bạn, tất cả phải cùng nhau tạo ra những trải nghiệm và khoảnh khắc hạnh phúc mới. Cùng nhau khám phá những sở thích mới, tham gia những hoạt động thú vị hay cùng đi du lịch khi có thời gian rảnh là cách để bạn cùng bạn bè của mình vừa có dịp cập nhật cuộc sống của nhau, vừa tạo ra những ký ức mới. Vì vậy, các bạn có thể cùng nhau lên kế hoạch cho những hoạt động mới để mọi người có thể sắp xếp thời gian và dễ gặp mặt nhau hơn khi mỗi người đều tất bật với cuộc sống của riêng mình.

Đôi khi, không nhất thiết phải tham gia các hoạt động cùng nhau mới có thể tạo ra những kỷ niệm mới. Chỉ cần các bạn ngồi lại và cùng nhau trò chuyện về những khó khăn mình đã trải qua, những thành tích đã đạt được, những mong muốn cho tương lai… cũng đủ để kéo mọi người lại gần nhau hơn.Vì thế, hãy mở lòng lắng nghe những tâm sự của bạn bè và ngược lại để hiểu và thương yêu nhau nhiều hơn.

Duy trì tình bạn bền lâu khi đã trưởng thành - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

3. Thấu hiểu và cảm thông cho nhau

Tìm cách sắp xếp thời gian gặp gỡ không phải là khó khăn duy nhất để duy trì tình bạn. Khi trưởng thành, mỗi người đều có những mối bận tâm và nỗi lo khác nhau, chẳng hạn như có người phải chăm sóc con cái, có người bận rộn vì công việc… Bên cạnh đó, vấn đề tài chính cũng ảnh hưởng đến việc họp mặt bạn bè hay tham gia các hoạt động gắn kết cùng nhau.

Đôi khi, chúng ta không nên ngần ngại chia sẻ với nhau về những khó khăn mà mỗi người đang phải đối diện. Hiểu được tình trạng tài chính của nhau giúp các bạn lên kế hoạch hợp lý hơn cho những buổi gặp mặt kế tiếp, chẳng hạn như tìm một địa điểm ăn uống, họp mặt với giá cả vừa phải để mọi người đều có thể cùng gặp gỡ mà không phải quá lo lắng về vấn đề tiền bạc.

Lý do tài chính đôi khi khiến một vài người bạn thường xuyên từ chối gặp mặt, khi họ e ngại và không chia sẻ về vấn đề này, bạn có thể hiểu lầm rằng họ không muốn kết nối với bạn nữa. Tuy nhiên, nếu bạn bè dành nhiều sự quan tâm cho nhau, thăm hỏi về gia đình, công việc, mọi người sẽ hiểu rõ hơn về tình trạng của nhau để từ đó tìm ra những phương thức phù hợp để hỗ trợ, gặp gỡ và duy trì tình bạn bền chặt.

4. Cởi mở về cuộc sống của nhau

Sau một thời gian dài không gặp gỡ, mỗi người đều có những hướng đi riêng, ai cũng sẽ tò mò về cuộc sống của nhau. Sự khác biệt về lối sống, về hướng đi trong cuộc đời khiến bạn e ngại sẽ không tìm được điểm chung trong các cuộc trò chuyện. Ví dụ, bạn có một người bạn đã lập gia đình và trong suốt buổi nói chuyện, người ấy luôn nhắc đến vấn đề con cái, trong khi đó, bạn lại muốn cập nhật cho người bạn của mình về cuộc sống của bản thân, về công việc và những sở thích mới…

Tuy nhiên, sau một thời gian không gặp mặt, ai trong nhóm bạn cũng sẽ rất tò mò và muốn tìm hiểu thêm về cuộc sống của nhau. Do đó, đừng e ngại khi thấy câu chuyện của bản thân không có điểm tương đồng với bè bạn, mà hãy cởi mở chia sẻ về những điều mới mẻ trong cuộc sống của bản thân. Đó cũng là cách để bạn bè có dịp hiểu nhau, thông cảm, thấu hiểu và cùng nhau chia sẻ vui buồn, từ đó có thể phát triển tình bạn sâu sắc hơn.

Duy trì tình bạn bền lâu khi đã trưởng thành - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

5. Hạn chế sự so sánh

Tất cả mọi người đều tự so sánh bản thân với bạn bè ở một số thời điểm nào đó trong cuộc đời. Khi mỗi người đều đã xác định hướng đi riêng trong sự nghiệp và cuộc sống, dù không nói ra, nhưng ai cũng sẽ có xu hướng quan sát lẫn nhau và so sánh ai đang có cuộc sống tốt hơn hay thành đạt hơn những người còn lại. Đặc biệt, nếu tất cả bạn bè xung quanh ai cũng thành công và có chỗ đứng, bạn dễ cảm thấy tủi thân và ghen tỵ với mọi người. Đây là phản ứng hết sức bình thường.

Tuy nhiên, việc so sánh cuộc sống của bản thân với bè bạn có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tình bạn và khiến bạn hoài nghi về con đường mà mình đã chọn trong đời. Thay vì tự trách bản thân hay cảm thấy thua xa những người bạn đồng trang lứa, hãy tập trung phát triển hướng đi và những dự định của mình. Bạn có thể học hỏi kinh nghiệm từ bạn bè, chắc chắn họ sẽ đưa ra những lời khuyên và góc nhìn mới đề bạn tiếp tục bước đi trong cuộc sống, điều này cũng sẽ giúp các bạn duy trì tình bạn bền lâu trong giai đoạn trưởng thành.

6. Học hỏi từ những trải nghiệm của nhau

Khi trưởng thành, hướng đi của mỗi người mang đến những trải nghiệm khác biệt. Học hỏi từ những trải nghiệm của nhau cũng là một phương pháp hữu hiệu để duy trì tình bạn. Ví dụ, bạn là người chuyên tâm vào sự nghiệp, thích được tự do và được đi đến nhiều nơi để học hỏi, khám phá, trong khi một vài người bạn đã lập gia đình, thậm chí đã có con. Đến một lúc nào đó, bạn đã gặp được người phù hợp và sẵn sàng tiến đến hôn nhân, có thể những người bạn đã có kinh nghiệm trong chuyện này sẽ cho bạn những lời khuyên hữu ích để bắt đầu xây dựng gia đình nhỏ của mình.

Theo The Every Girl