Phải đón cho bằng được mẻ cá đầu tiên, đúng cá linh còn non, nhỏ xíu cỡ ngón tay út, mới từ chỗ "đóng đáy" bắt lên, còn nhảy loi xoi trong chiếc thau nhôm của người bán.
Mớ cá linh gói trong miếng lá chuối hay lá môn đã hơi heo héo như một thức quà mọn mằn đầu mùa thu miền quê. Để cả nhà cùng thưởng thức món "trời cho theo mùa" cái đã, bỏ chuyện lo toan vườn ruộng qua một bên.
1. Thường ba luôn chế biến món ăn theo cách "ăn sang" hơn so với má. Má tôi thì con cá nào cũng đem kho khô mặc kệ ngon dở, chứ ba thì không. Ông tỉ mẩn chế biến món này món kia, luôn làm cái gì đó mới mẻ và khác lạ. Như cá linh đầu mùa, ông chờ đón chỉ để có món cá kho lạt như ý, hay kho chung với tương hột.
Lúc nồi cá còn sôi lụp bụp trên bếp thì không được đảo đũa làm gãy cá, mà chỉ cần canh tới lúc rắc mớ hành lá xắt nhuyễn vào rồi đem xuống. Lúc múc đĩa cá còn nóng hổi bày lên mâm cơm, ba sẽ vắt thêm chanh và dầm thêm trái ớt hiểm cay thơm.
Món ba làm cũng y như người khác nhưng sao mà ngon lạ lùng. Hiển nhiên, mâm cơm lúc ấy không thể thiếu rổ rau sống tươi rói mới hái trong vườn nhà: những đọt rau muống giòn rụm, mấy cọng rau tai tượng thân non nhuốt, lá còn cuộn lại nhọn như đầu mũi tên và những ngọn cải trời cũng mới "dậy vườn" mọc đúng vào mùa này, non xanh.
Cái kiểu "ăn theo thuở, ở theo thời" của ba vậy mà ngấm ngầm giúp tôi có riêng một kho "bí quyết" mùa nào thức nấy. Giúp tôi biết nhìn mưa, trông nắng, coi con nước về... để lúc xách cái giỏ đi chợ là biết chọn đồ ăn vừa rẻ vừa ngon. Đồ ăn theo mùa hồi đó luôn rẻ. Và mọi thứ tươi lành ngon nghẻ chưa thành "đặc sản" đắt đỏ như bây giờ.
Ba không nói nhiều, nhưng cách ông kêu tôi làm cái này mua cái nọ chính là một kiểu chỉ biểu có ý có tứ. Chẳng hạn, những tháng mưa đầu hè là mùa cá rô non và mềm. Mưa nhiều một chút, cá rô đẻ rồi thì thịt xương cứng lắm, phải "biết nhịn thèm" đợi đến gần cuối năm, lúc con cá trở mình một mùa sinh sản mới thì cũng là lúc béo nhất trong năm.
Hoặc không thể khi không mà xách cái thùng lên đi bắt cua đồng, phải biết bắt lúc nào nhiều gạch, thọt mềm và cua cái không mang con trong bụng. Đi chợ phải biết "dòm" chợ, quan sát sẽ hiểu ra rằng vì sao mùa bán cái này mùa bán thứ kia.
2. Ngày nhỏ, vì nhiều chuyện chẳng đặng đừng, tôi ghét cái sự thảnh thơi của ba (vì quá khác với nỗi nhọc nhằn của má). Nhưng có chối bỏ đến mấy, tôi cũng đâu thể chối bỏ mình là con của ba mình.
Mặc cho đủ thứ những biến cố mà ông gây ra khiến tôi uất ức, tôi vẫn, tận sâu trong lòng, cố tìm một sợi dây kết nối. Cố len lỏi vào nội tâm con người ông hòng để hiểu một chút gì đó về cái trở tính trở nết, về tâm lý bất ổn định, về những bất an khiến ông không bao giờ cởi mở được với chính con cái mình.
May làm sao, mãi cho đến bây giờ, giữa chuyện chọn ký ức để nhớ, thứ tôi nhớ nhiều hơn lại là khoảng thời gian đầy cảm động, dù rất ít ỏi, lúc ba xăng xái bên cái bếp, hay cách ông ngồi ra bàn ăn, có món gì ngon là gọi cho bằng được má tôi và anh em tôi thưởng thức cùng. Những vệt ký ức kiểu vậy vẫn rất chân thật, đầy hồn phách đẹp đẽ, dù buồn.
Gia đình là vậy đó chăng? Có những tương tác thầm lặng, kết nối lạ kỳ mà không phải nhận ra ngay lúc đó. Như trong chuyện ăn chuyện uống, chẳng phải mỗi người có một loại khẩu vị không ai giống ai.
Nhưng nhìn kỹ lại, cái khẩu vị đó, vốn dĩ đã chịu ảnh hưởng bởi ba hay mẹ, bởi vợ hay chồng, bởi người thường xuyên nấu những bữa cơm. Trong nỗ lực thoát ra khỏi chúng, hóa ra, chúng lại buộc ta vào nơi mình thuộc về.
Mãi cho đến lúc này, có lẽ tôi đã chạm vào đúng cái tuổi của ba mình lúc ông hiện diện trong các câu chuyện mà tôi nhớ được ở trên. Cũng giống như ông, tôi đối diện với một đứa con bằng tuổi tôi lúc đó.
Trong việc hiểu nhau, con tôi chắc cũng có lúc vất vả "dò sóng" chính mẹ nó, những khi tôi bất chợt cư xử thiếu tế nhị, hay phủ chụp lên con những điều vô lý. Và tôi, cũng nhiều lần khó khăn không kém, cũng trào dâng cảm giác bất lực trong việc hiểu được "tiếng lòng" của con mình.
Ai cũng phải học từng chút một mỗi ngày, sửa từng chút một qua mỗi chuyện. Biết đâu, như ba tôi, lúc ông muốn sửa thì thời gian sống của mình đã không còn cho ông làm nữa.
3. Tôi cũng nhận ra rằng những phép tắc cũ kỹ nào giờ vẫn luôn có giá trị: người trong nhà hãy chịu khó chuyện trò, khó khăn cũng tìm cách mở lòng, nhìn nhận mọi việc bằng sự cảm thông để cùng nhau mà lớn.
Chính thời gian mà gia đình còn ở bên nhau, như ta từng ở cùng ba mẹ và anh chị em, lại quan trọng trong việc định hình chính ta sau này. Những tương tác có thể khiến ta thêm nhiều sức mạnh mà vượt qua biến cố, hoặc thõng tay bỏ cuộc trong yếu đuối.