Đối với những người đang tìm kiếm việc làm, muốn vào một công ty tốt thì phải vượt qua các vòng phỏng vấn ‘’khó nhằn’’ với những đối thủ đáng gờm. Đây cũng chính là cửa ải mà người tuyển dụng - nhân vật đại diện cho công ty đặt ra để “phát hiện” những người tài giỏi nhất. Do đó, họ phải chuẩn bị đề bài một cách thật kỹ lưỡng để có thể "thử tài’’ mọi ứng viên ứng tuyển.
Ngoài những câu hỏi liên quan đến chuyên môn, các nhà tuyển dụng cũng sẽ đặt ra một số câu hỏi "hóc búa’’ nhằm kiểm tra tư duy, khả năng ứng biến và trí tuệ cảm xúc của mỗi ứng viên. Từ đó, họ sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về việc chọn hay đánh trượt những người đến phỏng vấn.
Đa phần những câu hỏi này thoạt nghe qua đều có vẻ "làm khó" các ứng viên. Tuy nhiên, ẩn sau đó lại là những "cú twist", nếu ứng viên đủ tinh anh để nhận ra thì có thế dễ dàng thay đổi cục diện. Trường hợp dưới đây là một ví dụ.
Công ty X đang cần tìm nhân sự tài năng cho vị trí chuyên viên kinh doanh. Sau khi yêu cầu ứng viên giới thiệu bản thân, kinh nghiệm làm việc và hỏi qua một số câu hỏi về chuyên môn, nhà tuyển dụng thấy cả 3 đều ngang tài ngang sức nên đưa ra thêm 1 câu hỏi phụ để thử thách: “Mẹ của Gia Cát Lượng mang họ gì?” Đồng thời yêu cầu họ đưa ra câu trả lời trong 30s.
Ứng viên đầu tiên là một người đàn ông 8X dạn dày kinh nghiệm. Anh ta tỏ vẻ tự tin khi gặp phải câu hỏi này, anh ta dõng dạc đáp: "Thưa nhà tuyển dụng, tôi có thể khẳng định với anh rằng tôi đã đọc Tam Quốc Diễn Nghĩa không dưới 5 lần và chắc chắn trong truyện không hề nhắc đến tên họ của mẹ Gia Cát Lượng. Có thể anh chưa nghiên cứu kỹ tác phẩm này khi đưa ra câu hỏi nhưng tôi nghĩ đây cũng là một thử thách thú vị để tôi kiểm tra lại khả năng ghi nhớ của mình.”
Nghe xong câu trả lời, nhà tuyển dụng không nói gì, chỉ mỉm chỉ và hướng ánh mắt đến người tiếp theo với vẻ chờ đợi một câu trả lời khác.
Ứng viên thứ 2 là một cậu sinh viên mới ra trường. Câu hỏi này cũng khiến chàng trai này có chút bối rối, tuy nhiên sau khi nghe được câu trả lời chắc nịch của ứng viên trước, người này vội hỏi ngược lại nhà tuyển dụng: “Thưa anh, tôi cũng từng đọc qua Tam Quốc Diễn Nghĩa và đúng là trong truyện không hề nhắc đến chi tiết này. Chắc là câu hỏi có gì sai sót đúng không ạ?”
Nghe đến đây, nhà tuyển dụng bỗng nghiêm mặt lại rồi nhìn ứng viên cuối cùng hỏi: “Em biết đáp án của câu hỏi này không?”
Với câu hỏi này, ứng viên cuối cùng là một cô gái 9X nở một nụ cười rất tươi rồi đáp: “Thưa nhà tuyển dụng, mẹ Gia Cát Lượng mang họ Hà ạ!
Ngạc nhiên trước câu trả lời của cô gái, người phỏng vấn hỏi: “Tại sao lại mang họ Hà?”
Cô gái 9X trả lời ngắn gọn: "Bởi vì khai quốc công thần của nước Đông Ngô thời Tam Quốc Chu Du từng nói: “Kỳ sinh du hà sinh lượng” ạ! ( Nghĩa của câu này là “Trời đã sinh Du, sao còn sinh Lượng'')
Nghe xong câu trả lời của cô gái, nhà tuyển dụng cười lớn và nói: "Rất thông minh! Xin chúc mừng, em đã trúng tuyển.’’ Hai ứng viên ngồi bên cũng đồng loạt vỗ tay chúc mừng cô gái, nhận thua một cách tâm phục khẩu phục.
Trên thực tế, câu hỏi này chỉ là một bài kiểm tra khả năng tư duy và ứng biến mà người tuyển dụng cố tình đưa ra để thử thách ứng viên. Câu hỏi này vốn dĩ không có một đáp án cụ thể nào nhưng cần ứng viên đủ bình tĩnh và khôn ngoan để xử lý thông tin và đưa ra sự lựa chọn sáng suốt nhất.
Tình huống trên cũng là một ví dụ cho thấy ngoài năng lực, nhà tuyển dụng còn muốn khai thác cả tiềm lực trí tuệ bên trong của các ứng viên. Vì vậy, ứng viên phải luôn bình tĩnh trước các câu hỏi, cẩn thận suy nghĩ để có những câu trả lời bứt phá, ghi được điểm trong mắt nhà tuyển dụng.
(Theo Read01)