Sau khi bước qua đại dịch, nhiều xu hướng và mô hình làm việc mới đã được hình thành nhằm thích hợp với nhu cầu của xã hội.
Chẳng hạn, giờ đây khi nhiều công việc có thể được thao tác chỉ với chiếc điện thoại nhỏ gọn hay một cú nhấp chuột trên máy tính, người lao động có khả năng làm việc ở bất cứ đâu và bất kỳ thời điểm nào trong ngày.
Hay tại các cơ quan, thay vì tách biệt trong các phòng làm việc riêng như trước đây, các nhân sự thuộc nhiều bộ phận với đặc thù công việc khác nhau có thể cùng làm việc trong một không gian chung, từ đó tạo nên không gian làm việc năng động với nhiều sự tương tác hơn.
Thế nhưng, mặt trái luôn luôn song hành. Nhiều nhân sự vì quá dựa dẫm vào sự tự do, không gò bó giờ giấc mà lựa chọn "nghỉ ngày, cày đêm". Hoặc chính môi trường tấp nập và đông đúc của không gian làm việc mở cũng đồng nghĩa với việc phải đối mặt với một "cơn ác mộng" khác mang tên "ô nhiễm tiếng ồn" đến mức khó tập trung để làm việc.
Tự do chơi trong giờ làm, chạy deadline vào ban đêm
Khảo sát đầu năm 2022 của công ty tuyển dụng và nhân sự Anphabe tại Việt Nam, với hơn 500.000 thành viên, cho thấy xu hướng chuyển từ việc làm cố định (fulltime) sang làm việc tự do tại Việt Nam đang tăng.
Làm việc ở quán cafe thay vì trên văn phòng được giới trẻ ưa chuộng
Khác với sự khó chịu vì phải đi làm từ lúc 7h sáng để 8h30 kịp chấm công, Hữu Đức (28 tuổi) ngày càng thấy làm từ xa, giờ giấc thoải mái đúng là "thiên đường".
Hiện mỗi ngày, chàng trai làm nghề biên tập video có thể ngủ dậy vào 8h sáng, ăn sáng và uống cà phê rồi ngồi vào bàn làm việc lúc 10h. Thậm chí, anh có thể chơi cả ngày và hoàn thành công việc vào buổi tối, chỉ cần nộp đầy đủ sản phẩm là an tâm thực hiện xong nhiệm vụ.
Trước đó, Đức thường dành 12 - 13 tiếng mỗi ngày để làm việc và gần như không có thời gian nghỉ ngơi. Mức lương chỉ được khoảng 10 triệu đồng mỗi tháng.
Nhưng khi công ty anh phải tạm ngưng hoạt động vì dịch, anh chọn cách làm freelancer, nhận hợp đồng của nhiều nơi khác nhau. Từ đó, thời gian làm việc linh hoạt hơn mà thu nhập cũng tăng lên gấp nhiều lần.
Theo các chuyên gia, freelance giúp người lao động làm chủ thời gian, chăm sóc bản thân, gia đình và tạo nguồn thu nhập mới cao hơn mức lương cũ.
Với Đức, làm việc tại nhà giúp anh tăng thu nhập, tiết kiệm tiền thuê trọ khi chuyển về quê, không còn lo cảnh tắc đường, chi phí sinh hoạt cao ở thành phố. Chưa kể, công việc này giúp anh có thời gian nghỉ ngơi, đi du lịch dài ngày không cần xin phép.
Ngoài trải nghiệm lối sống mới, tăng thu nhập, một số người chuyển sang làm freelancer do cảm giác kiệt sức khi thường xuyên phải tăng ca, sếp liên tục giao việc từ sáng đến đêm.
Quyết định rời bỏ công việc văn phòng sau 5 năm gắn bó của Vân không phải do lương hay chế độ đãi ngộ thấp, mà cảm giác bị vắt kiệt sức. "Tôi dần thiếu nhiệt huyết, không còn thiết tha đi làm hay gắn bó với công ty. Tôi đi làm chỉ để chấm công", cô nói.
Vân giống như các nhân viên ủng hộ làn sóng "quiet quitting" (âm thầm nghỉ việc) xuất hiện ở nhiều nước trên thế giới. Cụm từ này ám chỉ những người chỉ làm đủ, không phấn đấu, không thích đi chơi cùng đồng nghiệp và tắt mọi liên lạc khi hết giờ làm.
"Quiet quitting" không phải là hiện tượng mới bởi luôn tồn tại những giai đoạn người lao động chán nản, muốn nghỉ việc. Đặc biệt là sau hai năm dịch bệnh, xu hướng này gia tăng trên phạm vi toàn cầu, cho thấy mức độ sụt giảm về độ hài lòng trong công việc.
Song, khi được làm việc tự do, Vân như được đứng ngoài vòng xoáy của biến động kinh tế, không lo bị cơ quan đuổi việc hoặc cắt giảm lương. Nhất là, cô chủ động hơn trong công việc, chỉ cần thức khuya làm việc một chút là hôm sau sẽ thảnh thơi rất nhiều. Hoặc vào một ngày đẹp trời, cô hoàn toàn có thể mang lap ra quán cà phê để làm việc mà không lo bị ai soi mói.
Làm tự do theo giờ giấc bản thân đặt ra giúp người lao động không bị "bội thực" deadline
Cày đêm vì ban ngày khó tập trung với ô nhiễm tiếng ồn nơi công sở
Ô nhiễm tiếng ồn nơi làm việc có thể xuất phát từ nhiều nguồn. Bên cạnh sự ảnh hưởng của yếu tố bên ngoài như tiếng xe cộ, công trình thi công hay khu vực dân cư lân cận, tình trạng này cũng có thể xuất phát từ chính các nhân sự làm việc trong không gian chung.
Có lẽ bạn không lạ gì với hiện tượng bản thân đang ngồi gõ phím máy tính miệt mài thì bất ngờ vài đồng nghiệp khác cười ồ lên như đang trong giờ ra chơi. Hay ở một khu vực gần kề, một bộ phận thoải mái hát chúc mừng sinh nhật, túm năm tụm ba ngồi buôn chuyện, nghỉ giải lao ăn vặt và tiếng ồn tăng lên theo cấp số nhân.
"Có một thời gian mình khá bận rộn với các kế hoạch mới liên tục phát sinh, thế nhưng điều khiến mình mệt mỏi hơn cả là khi các team xung quanh tập trung tại pantry (phòng ăn) và tổ chức tiệc cuối tuần ngay trong giờ làm việc. Những tiếng cười đùa, hát và thậm chí là đập bong bóng của mọi người khiến mình 'phát điên' vì không thể nào tập trung làm việc mặc dù đã đeo tai nghe để 'tách mình' ra khỏi thế giới ồn ào ngoài kia", bạn X.Quỳnh chia sẻ.
Theo một báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ô nhiễm tiếng ồn nơi công sở có thể làm giảm đến 40% hiệu suất làm việc của nhân viên. Ngoài ra, nhiều nghiên cứu khác cũng đã chỉ ra rằng việc phải thường xuyên làm việc trong một môi trường ồn ào sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe nhân sự. Một số ảnh hưởng tiêu cực có thể kể đến như gây căng thẳng kéo dài, mệt mỏi, ảnh hưởng đến cảm xúc và khả năng sáng tạo hay thậm chí gây ra các bệnh về xương khớp, tim mạch và tiêu hoá.
Có nhiều cách đối phó với tình trạng ô nhiễm tiếng ồn nơi làm việc, tuy nhiên không phải cách nào cũng mang lại hiệu quả tối ưu.
Đeo tai nghe và mặc kệ thế giới bên ngoài" là một giải pháp được đa phần các nhân sự lựa chọn. Tuy nhiên, một số khác lại không thể làm gì hơn ngoài việc… chịu đựng và chấp nhận làm ngoài giờ để có thể hoàn thành công việc được giao.
Tiếng ồn công sở là ác mộng khiến bạn không thể tập trung
"Tiếng ồn thực sự là 'một cơn ác mộng' khiến mình không thể tập trung và phải mang một khối lượng lớn công việc về nhà để kịp hoàn thành đúng deadline. Sự việc này thậm chí còn kéo dài trong nhiều tuần và mình đã phải sắp xếp lại công việc. Có nghĩa là việc dễ thì làm trên cơ quan, việc khó thì mang về nhà để hiệu quả hơn", Quỳnh cho hay.
Con dao hai lưỡi
Nick Bloom, nhà kinh tế của Đại học Stanford nói về xu hướng làm việc tự do, đem việc về nhà cày đêm: "Nếu nhân viên vẫn làm việc hiệu quả thì xu hướng này thực sự tốt".
Người lao động vẫn đang làm việc năng suất, dù có thể không phải làm từ 9h sáng đến 17h như truyền thống.
Nghiên cứu của Bloom cho thấy ngày càng nhiều người có xu hướng làm thêm muộn hơn vào ban đêm để bù đắp thời gian vui chơi và mua sắm ban ngày. Tất nhiên, không phải ai cũng làm thế.
"Chúng tôi thấy những nhân viên làm việc tại nhà thay đổi lịch làm làm việc trong ngày, chuyển sang làm buổi tối và cuối tuần. Họ cũng chọn làm việc dàn trải", ông viết.
Các nhà nghiên cứu của Microsoft đã phát hiện ra "đỉnh năng suất thứ 3" trong ngày làm việc: họ nhận thấy số cuộc trò chuyện trong nhóm tăng vọt trong khoảng 18-20h mỗi ngày. Hai "đỉnh năng suất" trước đây được ghi nhận là trước và sau giờ ăn trưa.
Tuy nhiên, sự mờ nhạt của lằn ranh giữa công việc và đời sống cá nhân đôi khi không tốt cho người lao động. Một số nhân viên gặp khó khăn trong việc thiết lập ranh giới khi làm việc tại nhà so với thời còn làm toàn thời gian ở văn phòng.
Làm việc ban đêm có thể hiệu quả nhưng không hề tốt cho sức khoẻ
Thực tế, khoảng thời gian tự do khi làm việc ở nhà có thể là "con dao hai lưỡi", nhất là khi bạn vui chơi quá đà và không biết dừng lại để bắt đầu cho công việc. Bạn "tặc lưỡi" rằng công việc không được làm tối nay thì sáng mai thức dậy sớm để hoàn thiện nhưng rồi bạn không thể chiến thắng được cơn buồn ngủ và kết quả bạn bị khách hàng quay lưng.
Bên cạnh đó, ngủ ngày cày đêm còn gây hại cho mắt, thính lực và sức khỏe. Nguyên nhân là do lượng ánh sáng không đủ cộng thêm ánh sáng xanh hoặc tím từ các thiết bị như màn hình máy tính, điện thoại và một số thiết bị thông minh khác... làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình điều tiết của mắt, khiến mắt khô, đau nhức và lâu dần dẫn đến suy giảm thị lực.
Hệ thống mạch máu phải hoạt động không ngừng, điều này gây ra tình trạng căng thẳng quá mức. Số lượng máu không đủ cung cấp cho hệ thống tai và ống nhĩ gây ra hiện tượng ù tai, đau tai và suy giảm thính giác.
Thức đêm muộn thường xuyên ngoài những hệ lụy về da cụ thể như nổi mụn, sạm da, tàn nhang và nếp nhăn thì có thể gây ra tình trạng suy giảm trí nhớ.
Theo một nghiên cứu, tỷ lệ suy giảm trí nhớ ở người những người thường xuyên thức khuya cao gấp 5 lần so với người bình thường. Khi thức đêm liên tục thì hệ thần kinh giao cảm trong cơ thể tiếp tục duy trì trạng thái hưng phấn dẫn đến ngày hôm sau cơ thể sẽ cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức. Nó gây ra hiện tượng hoa mắt, chóng mặt, suy giảm trí nhớ, thiếu tập trung và nhiều vấn đề sức khỏe khác.
Cuối cùng, hệ thống tim mạch trong cơ thể cũng cần nghỉ ngơi để phục hồi lại khả năng hoạt động. Khi thức đêm muộn, không đảm bảo ngủ tối thiểu 6h/ngày sẽ khiến cho chức năng của tim mạch và tăng hơn 20% nguy cơ bị đột quỵ so với người bình thường.
Khi bạn thức khuya muộn thường xuyên làm não cần được tưới máu nhiều hơn, áp lực bơm máu lên não càng tăng, khiến huyết áp tăng vọt, tạo một lực tác động lên thành mạch máu não lớn quá mức, hậu quả có thể dẫn đến vỡ mạch máu não. Khi một người trẻ đột quỵ sẽ để lại nhiều hệ lụy đến chính bản thân và những người thân của họ.
Một điều cần chú ý là không phải ai thức khuya cũng đều bị đột quỵ, tuy nhiên, cơ thể cần có đủ thời gian để nghỉ ngơi và tái tạo.