Nếu LinkedIn là nền tảng xây dựng thương hiệu cá nhân chuyên nghiệp dành cho các ứng viên và nhà tuyển dụng, thì Threads - MXH sắp tròn 1 tuổi của Meta là nơi diễn ra nhiều cuộc thảo luận sôi nổi, tự do hơn về chủ đề công sở, với sự tham gia nhiệt liệt từ nhân sự Gen Z.
Mỗi ngày nền tảng đăng tải hàng ngàn bài viết về chủ đề trên từ các "bảnh" và "thắm". Tâm sự có, thắc mắc có, tranh cãi cũng có… Threads là LinkedIn kiểu mới - nơi mà các doanh nghiệp có thể lắng nghe suy nghĩ chân thật từ người lao động và ngược lại.
Cũng vì thế mà khi tuyển dụng, doanh nghiệp nào biết nắm bắt insight được chia sẻ trên MXH, thể hiện mình là điểm đáp phù hợp trên hành trình tìm việc của ứng viên sẽ có được lợi thế cạnh tranh, dễ tìm kiếm được nhân lực "hợp rơ".
Gen Z ao ước có công ty không chấm công, được nghỉ trọn vẹn T7 và CN
Câu trả lời "siêu tổng hợp" được tìm thấy trong trào lưu "flex" công ty rần rần suốt một tuần qua, bắt nguồn từ một chia sẻ nhận được 4,4k tim:
"Biết là rất khó, nhưng mong một ngày các công ty ở Việt Nam của mình sẽ: Nghỉ làm trọn vẹn thứ 7, Chủ Nhật; Review lương sau mỗi năm làm việc; Làm việc 7-8 tiếng/ngày; Làm việc từ xa (tối thiểu 1 ngày trong tuần hoặc được đăng ký lịch lên văn phòng); Nhiều hơn 12 ngày phép/năm; Có thêm quầy bar mini/lò vi sóng; Có thể được công ty tặng thêm thiết bị hỗ trợ công việc khi trở thành nhân viên kỳ cựu" - Một người dùng chia sẻ mong đợi của cô về chế độ đãi ngộ, không gian làm việc lý tưởng mà cô cho rằng chưa được các doanh nghiệp tại Việt Nam áp dụng nhiều.
Bài đăng bắt nguồn cho trào lưu flex công ty.
Ngay lập tức, nhiều bạn trẻ tham gia thảo luận, chứng minh môi trường lý tưởng như mơ, hiếm gặp đó hoá ra có không ít, và bản thân họ đang được trải nghiệm, góp phần biến bài viết thành một trào lưu. Trong đó, các bạn trẻ tự hào về văn hoá doanh nghiệp lành mạnh, chế độ đãi ngộ ấn tượng của công ty, không quên "trộm vía" vì được gắn bó với công việc tốt trong giai đoạn thị trường lao động đang vừa cạnh tranh, vừa khó khăn:
"Theo trào lưu flex công ty thì điểm lại công ty mình cũng trộm vía quá: Đầy đủ ngày phép, có cho phép làm việc tại nhà; Không làm việc vào Thứ 7, Chủ Nhật; Không cần chấm công; Đóng bảo hiểm toàn bộ lương; Bảo hiểm sức khỏe cao cấp; Thứ 5 hàng tuần cả công ty đi uống bia ăn vặt chung; Mỗi quý sẽ có bữa tối đội nhóm (ăn nhà hàng sang xịn); Công ty còn chi trả tiền xe về nhà nếu ai đi tiệc công ty mà uống cồn" - Chia sẻ của bạn N. nhận được hơn 700 lượt tim đồng tình trên Threads.
Một ý kiến khác chia sẻ cho thấy dù làm việc nhiều hơn nhưng chế độ đãi ngộ cũng xứng đáng của chiếc công ty có cơ sở vật chất 10 điểm: "Công ty tui nè: Mặc dù làm từ 7h-17h, từ Thứ Hai đến Thứ Bảy, không nghỉ trưa nhưng bù lại có: Xem xét lương 6 tháng/lần, nhiều khoảng thưởng hấp dẫn 2 lần một năm, thưởng tháng 13,14; Du lịch hàng năm; Workshop cho nhân viên, tòa nhà nhân viên có mini bar, gym, khu nướng BBQ, rạp chiếu phim…".
"Không chấm công, không bắt buộc đi làm, có thể làm việc tại nhà cả năm; Luôn được đi ăn nhà hàng 3,4,5; Mỗi tuần đều có sự kiện, workshop, miễn phí cơm trưa, đồ tráng miệng; Phép hơn 12 ngày/ năm dù đã có chế độ làm từ xa" - Một người dùng chia sẻ những đãi ngộ khác bên cạnh mức lương hấp dẫn hơn mặt bằng chung thị trường.
Cơ sở vật chất đẹp, pantry đầy đủ là một trong những điểm cộng của doanh nghiệp trong mắt ứng viên.
Trong luồng ý kiến bắt gặp không ít những "nhân sự toàn cầu" - các bạn trẻ đang làm việc ở nước ngoài: "Tôi xin flex công ty ở Băng Cốc: Lương khá cao; Nghỉ ốm có lương 30 ngày; Công ty có cà phê, snack, trái cây; Đồng nghiệp quốc tế dễ thương; Nhiều sự kiện nhỏ, quà tặng" - ví dụ những đãi ngộ đỉnh mà một bạn trẻ làm việc tại Thái Lan được trải nghiệm.
Hay như một trường hợp làm việc tại Hà Lan khiến người dùng Threads không khỏi ghen tị: "Sau dịch bệnh, công ty cho phép đăng ký lên văn phòng 2-3 ngày/tuần (có app hỗ trợ theo dõi công việc tại nhà); Sau giờ làm không cần check tin nhắn, mail hoặc làm thêm việc gì trừ khi việc đó quá gấp và chuyện này hiếm khi xảy ra; Có 3-4 tuần nghỉ ngơi thêm bên cạnh ngày phép năm".
Điểm chung dễ thấy từ những chia sẻ trên là các mong muốn cơ bản về thời gian làm việc: Tính công 5 ngày/tuần, cho phép làm việc từ xa. Trong đó, không làm việc vào Thứ 7 - Chủ Nhật gần như xuất hiện trong tất cả bài đăng "flex" công ty.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp quan tâm đến các quyền lợi bảo hiểm và cơ hội phát triển bản thân của nhân viên luôn nhận được điểm cộng. Các bạn trẻ liệt kê những workshop như làm nến thơm, tranh hoa khô, làm kẹo bông hay các lớp hỗ trợ đào tạo ngoại ngữ, chuyên môn luôn có sức hấp dẫn lớn với Gen Z.
Doanh nghiệp làm gì để thu hút nhiều nhân lực trẻ hơn?
Có thể thấy rõ, hình tượng công ty lý tưởng trong lòng Gen Z nhắm đến cân bằng giữa công việc - cuộc sống riêng. Thực chất, nhiều bạn trẻ mong muốn có thời gian tái tạo năng lượng, phát triển thêm chuyên môn, kỹ năng ngoài giờ làm nên họ yêu thích những công việc được linh hoạt địa điểm. Đâu cũng là một điểm tốt cho doanh nghiệp vì khi được làm việc trong môi trường bạn trẻ thấy không bị gò bó, họ có hiệu suất công việc cao hơn.
Dễ thấy Gen Z đang ngày càng toàn cầu hóa về mặt công việc: Xu hướng du học và ở lại làm việc hoặc đi tìm kiếm cơ hội xuyên biên giới đang ngày càng phổ biến. Khi toàn cầu hóa như vậy, họ tiếp xúc được nhiều môi trường khác nhau, trải nghiệm với các đãi ngộ khác nhau. Trong đó là những quốc gia với nền công nghiệp quy mô lớn, phát triển nhanh chóng. Chính vì vậy không thể tránh khỏi sự so sánh, đặc biệt là với các doanh nghiệp thuần Việt đang mong muốn "thay máu" nhân sự bằng các bạn trẻ Gen Z nhưng chế độ đãi ngộ chưa kịp cập nhật theo thị hiếu để cạnh tranh.
Trong tình hình đó, những doanh nghiệp không đầu tư vào chế độ đãi ngộ tương xứng sẽ khó thu hút được nhân sự trẻ, chất lượng. Có không ít những bài đăng tuyển dụng chỉ chú trọng nêu lên yêu cầu đòi hỏi ứng viên, lại đi kèm với những quyền lợi "khó hiểu" như "được" đóng BHXH, BHYT, "được" trả lương đúng hạn. Đối với nhân sự Gen Z, đó là những yêu cầu cơ bản nhất, theo đúng pháp luật nhất mà nhân sự nên được đáp ứng, không phải là điểm cạnh tranh nên được nêu bật.
Những bài đăng tuyển dụng với phần quyền lợi không được đầu tư sẽ khó thu hút nhân sự.
Để bước đầu thu hút nhân sự trẻ tuổi, nếu doanh nghiệp chưa có khoản ngân quỹ lớn để đầu tư các chế độ đãi ngộ "xịn xò" như workshop, tiệc nhỏ sau giờ làm…thì điều chỉnh thời gian làm việc của nhân viên không quá 40 giờ/tuần, kiểm soát tốt tiến độ và chất lượng công việc, tránh để nhân sự phải tăng ca không lương thường xuyên đã giúp nhà tuyển dụng ghi điểm.
Thêm vào đó, từ dư âm của giai đoạn phải làm việc trực tuyến trong dịch COVID, đã xuất hiện rất nhiều phần mềm quản lý năng suất, theo dõi công việc, họp online… khiến việc nhân sự hoàn thành đầu việc tại nhà trở nên dễ dàng. Doanh nghiệp nên cân nhắc linh hoạt quy trình, địa điểm làm việc bằng chế độ work from home với sự trợ giúp của các phần mềm trên.
Cho phép nhân viên làm việc tại nhà linh hoạt từ 2-3 ngày/tuần là đãi ngộ mà doanh nghiệp có thể cân nhắc.